Một con trăn đất cố nuốt trọn con hoẵng trong khu rừng rậm nằm ở 3 tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước

P.V Thứ tư, ngày 05/06/2024 19:00 PM (GMT+7)
Theo Vườn Quốc gia Cát Tiên, hình ảnh một con trăn đất đang cố nuốt trọn con mễn (hoẵng Nam Bộ) đã được một du khách nước ngoài ghi lại trong một lần khám phá Vườn Quốc gia Cát Tiên. Hình ảnh này cũng chứng tỏ công tác bảo tồn đa dạng sinh học đang được Vườn Quốc gia Cát Tiên làm rất tốt.
Bình luận 0

CLIP: Con trăn đất đang nuốt trọn con mễn (hoẵng Nam Bộ). Hình ảnh được một du khách nước ngoài ghi được trong một lần khám phá Vườn Quốc gia Cát Tiên. Nguồn: Vườn Quốc gia Cát Tiên.

Theo thông tin từ Vườn Quốc gia Cát Tiên, trong một lần khám phá Vườn Quốc gia Cát Tiên, một du khách người nước ngoài đã ghi lại được cận cảnh một con trăn đất tấn công và cố nuốt trọn một con hoẵng Nam Bộ (hay còn gọi là con mễn). 

Trên thực tế, không phải du khách cũng như cán bộ quản lý của vườn nào cũng may mắn chứng kiến khoảnh khắc đấu tranh sinh tồn giữa các loài ở Vườn Quốc gia Cát Tiên. 

Nhưng qua những hình ảnh này có thể thấy, công tác bảo tồn đa dạng sinh học đang được Vườn Quốc gia Cát Tiên thực hiện rất tốt. 

Theo thông tin từ Vườn Quốc gia Cát Tiên thì vườn nằm giữa 2 vùng sinh học địa lý từ vùng cao nguyên Trường Sơn xuống vùng đồng bằng Nam Bộ, do vậy hội tụ được các luồng hệ thực vật phong phú, đa dạng. Đặc trưng là các kiểu rừng lá rộng thường xanh mưa ẩm nhiệt đới với thành phần các loài cây gỗ, chủ yếu thuộc các họ sao dầu (Dipterocarpaceae) và họ đậu (Fabaceae), đại diện cho các kiểu rừng, thảm thực vật, thành phần các loài thực vật miền Đông Nam Bộ.

Danh lục thực vật tại VQG Cát Tiên hiện nay đã xác định được 1.610 loài thuộc 724 chi, 162 họ và phụ họ, 75 bộ thực vật bậc cao có mạch.

Một con trăn đất cố nuốt trọn con hoẵng trong khu rừng rậm nằm ở 3 tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước- Ảnh 1.

Hình ảnh con rắn cườm nuốt trọn con tắc kè tại Vườn Quốc gia Cát Tiên. Nguồn: Vườn Quốc gia Cát Tiên.

Hệ thực vật Vườn Quốc gia Cát Tiên được chia thành 5 kiểu rừng chính:

Rừng lá rộng thường xanh: ưu thế là các loài cây gỗ thuộc họ dầu như dầu rái, dầu lông, cẩm lai Bà Rịa, gỗ đỏ, giáng hương…

Rừng lá rộng thường xanh nửa rụng lá: thành phần các loài cây gỗ rụng lá trong mùa khô như bằng lăng (Lagerstoemia calyculata), tung (Tetrameles nudiflora), râm (Anogeissus acuminata)…

Rừng hỗn giao gỗ, tre nứa: đây là kiểu rừng thứ sinh nhân tác của rừng thường xanh và nửa rụng lá, do bị lửa rừng, chất độc hóa học, rừng bị mở tán và tre nứa xen vào. Thành phần cây gỗ thường gặp là vắp (Mesua), bằng lăng (Lagerstoemia calyculata)… hai loài tre chủ yếu là lồ ô (Bambusa procera) và mum (Gigantochloa).

Rừng tre nứa thuần loại: đây cũng là kiểu rừng phụ thứ sinh nhân tác, sau khi rừng bị phá làm nương rẫy rồi bỏ hoang hóa, các loài tre nứa xâm nhập và phát triển.

Thảm thực vật đất ngập nước: thực vật ưu thế là các loài cây gỗ chịu nước như bồ am (Colona), lộc vừng (Barringtonia racemosa) xen lẫn với lau (cỏ đế) (Erianthus arundinaceus), lách (Saccharum spontaneum)…

Đối với hệ động vật, tại Vườn Quốc gia Cát Tiên ghi nhận có 351 loài chim thuộc 64 họ của 18 bộ. Trong đó có 17 loài quý hiếm đã được phát hiện và có tên trong sách đỏ Việt Nam. Nếu so sánh với cấu trúc thành phần loài của khu hệ chim Việt Nam, thì có thể nói Cát Tiên là một “đất nước thu nhỏ” của các loài chim rừng Việt Nam. 

Các loài bò sát có 109 loài thuộc 17 họ và phân họ, 4 bộ, trong đó có 18 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam như: cá sấu Xiêm, trăn gấm, trăn đen…

Các loài lưỡng cư có 41 loài thuộc 6 họ, 2 bộ trong đó có 3 loài được ghi tên trong sách đỏ Việt Nam như cóc mắt chân dài, cóc rừng, chàng Andecson.

Nhóm côn trùng, hiện nay đã ghi nhận được 756 loài thuộc 68 họ, 10 bộ. Riêng các loài bướm đã xác định được 450 loài, chiếm hơn 50% tổng số loài bướm được ghi nhận ở Việt Nam. Các loài quý hiếm có 2 loài là bướm phượng (Sách Đỏ Việt Nam năm 2007) và bướm phượng cánh sau vàng, bướm phượng cánh kiếm…

Nhóm cá nước ngọt gồm 159 loài, thuộc 29 họ, 9 bộ. Trong đó, có 1 loài nằm trong Sách Đỏ Việt Nam năm 2007 và Sách Đỏ IUCN 2008.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem