Công an TP.Đồng Xoài đình chỉ vụ án ông Lương Hữu Phước liệu đã khách quan?
Công an TP.Đồng Xoài đình chỉ vụ ông Lương Hữu Phước: Nhiều 'điểm mờ' của vụ án chưa được làm rõ
Đình Việt - Cao Hùng
Thứ ba, ngày 15/12/2020 17:53 PM (GMT+7)
Mới đây, Công an TP.Đồng Xoài (Bình Phước) đã có quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ bị can đối với ông Lương Hữu Phước (trú TP.Đồng Xoài) với lý do "người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết". Vợ ông Phước đã có đơn khiếu nại, các chuyên gia pháp lý cũng có những ý kiến xung quanh vụ việc.
Ông Lương Hữu Phước, 52 tuổi, là người nhảy lầu tự tử vì cho rằng bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Phước tuyên mình 3 năm tù về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ là oan sai.
Quyết định đình chỉ điều tra vụ án và đình chỉ bị can đối với ông Phước được thượng tá Vũ Văn Hải (Phó thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.Đồng Xoài) ký ngày 2/12.
Tuy nhiên, theo thông tin Dân Việt nắm được, vợ ông Lương Hữu Phước là bà Lê Thị Tư đã có đơn khiếu nại quyết định này, hiện công an TP.Đồng Xoài đã có thông báo thụ lý.
Trong đơn, bà Tư viết: "TAND cấp cao tại TP.HCM kết luận: Những vấn đề nêu trên cần được điều tra làm rõ mới có thể xác định được việc điều khiển xe môtô của ông Lâm Tươi có vi phạm quy tắc giao thông hay không, đồng thời xác định được đầy đủ nguyên nhân trực tiếp và đánh giá được mức độ lỗi của từng bên đối với tai nạn xảy ra, tránh để lọt người phạm tội, qua đó mới có thể xác định được đúng trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho đại diện bị hại...
Tôi không biết Cơ quan CSĐT Công an TP.Đồng Xoài đã điều tra làm rõ các vấn đề được nêu trong quyết định giám đốc thẩm hay chưa. Nếu đã điều tra làm rõ thì đề nghị cung cấp cho tôi kết luận điều tra".
Bà Tư cho rằng sau khi điều tra lại, Cơ quan CSĐT Công an TP.Đồng Xoài đã không điều tra làm rõ các vấn đề, nội dung được nêu trong quyết định giám đốc thẩm của TAND cấp cao tại TP.HCM.
Chính vì vậy, bà yêu cầu Công an TP.Đồng Xoài thu hồi, hủy bỏ các quyết định nêu trên vì cho rằng, công an chưa làm chưa điều tra làm rõ nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn nhưng đã đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can.
Liệu đã đúng với tinh thần của quyết định giám đốc thẩm?
Luật sư Dương Vĩnh Tuyến (người bào chữa cho ông Lương Hữu Phước) cũng cho rằng, cơ quan công an cần làm rõ các vấn đề đã được nêu trong Quyết định giám đốc thẩm số 20, ngày 12/6/2020 của Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại TP.HCM đối với vụ án này, cần có kết luận điều tra trong đó kết luận nguyên nhân dẫn đến tai nạn là do ông Phước hay Lâm Tươi, bản chất của vụ án... trước khi đình chỉ vụ án.
Luật sư Tuyến cho biết, gia đình bà Tư sẽ tiếp tục làm đơn khiếu nại đến các cơ quan liên quan đề nghị tiếp tục điều tra làm rõ các ý kiến trong quyết định giám đốc thẩm của Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao tại TP.HCM.
Trong khi đó, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, với quyết định trên, việc nhảy lầu tự tử của ông Lương Hữu Phước chỉ là một "phản ứng tiêu cực" mà không làm thay đổi được kết quả của việc giải quyết vụ án.
Theo vị luật sư, trước khi nhảy lầu tự tử, ông Phước cho rằng mình bị oan, cho rằng tòa án hai cấp đã không công bằng, ông Phước quyết định tìm đến cái chết để mong muốn làm thay đổi suy nghĩ của nhiều người đối với vụ án này nói riêng và với hoạt động tư pháp nói chung tại địa phương.
Điều đặc biệt là sau khi ông Phước tự tử, bản án sơ thẩm và phúc thẩm đều bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm và sau đó bị hủy bỏ để điều tra lại. Nhiều người hy vọng kết quả điều tra lại sẽ có những diễn biến mới, mang lại nhiều thông tin bất ngờ, có thể minh oan cho ông Phước, đúng như quan điểm của ông này trước đó.
Tuy nhiên, sau một thời gian điều tra, cơ quan điều tra đã xác định hành vi của ông Phước có dấu hiệu tội phạm nhưng ông Phước đã chết nên không đề cập xử lý, ngoài hành vi vi phạm pháp luật của ông Phước thì không có ai phạm tội nên đã quyết định đình chỉ vụ án.
Luật sư Cường phân tích, với quyết định trên, vụ án sẽ khép lại tại đây, trừ trường hợp quyết định bị xem xét lại theo các thủ tục tố tụng và sau đó bị hủy bỏ. Trường hợp quyết định này không có cơ quan nào xem xét lại, vụ án này sẽ kết thúc.
Điều đáng lưu ý trong vụ án là hành vi của người có tên là Lâm Tươi. Theo thông tin của vụ án, đây chính là người đã đâm vào xe của ông Phước dẫn đến hậu quả ông Quý ngồi sau xe ông Phước bị ngã và tử vong.
Cơ quan điều tra cần phải có kết luận rõ ràng về hành vi của Lâm Tươi xem có dấu hiệu tội phạm hay không, có đủ năng lực trách nhiệm hành vi dân sự hay không để kết luận sự việc một cách khách quan, đầy đủ, toàn diện, đúng pháp luật.
Vợ ông Lương Hữu Phước trò chuyện với PV Dân Việt.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy vụ việc tai nạn giao thông này là có "lỗi hỗn hợp" có thể khởi tố cả hai bên, với ông Phước đã chết thì đình chỉ với ông Phước, tuy nhiên với Lâm Tươi mà có lỗi và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Vấn đề này các cơ quan tố tụng ở địa phương cần phải làm rõ và trả lời trước công luận. Theo quy định của pháp luật, Viện kiểm sát cùng cấp và Viện kiểm sát cấp trên, Thanh tra công an tỉnh có thể kiểm tra lại hồ sơ để xem xét việc đình chỉ điều tra vụ án này đã đúng pháp luật hay chưa.
Theo nhận định của TAND cấp cao tại TP.HCM, tòa sơ thẩm và phúc thẩm ở Bình Phước chưa xem xét đầy đủ các nguyên nhân dẫn tới tai nạn như toàn bộ hiện trường vụ tai nạn; tốc độ xe, điều kiện giấy phép lái xe của Lâm Tươi (người tông vào xe ông Phước); lời khai của người làm chứng; việc bật xi nhan xin sang đường của ông Phước và việc ông Quý ngồi sau xe ông Phước có choàng tay gây ảnh hưởng đến khả năng lái xe của ông Phước không?
Theo TAND cấp cao tại TP.HCM, tất cả những vấn đề trên cần được điều tra lại để xác định việc điều khiển xe của Lâm Tươi có vi phạm quy tắc giao thông hay không, đồng thời mới xác định được đầy đủ nguyên nhân trực tiếp và đánh giá mức độ lỗi của từng bên với tai nạn xảy ra. Từ đó tránh bỏ lọt người phạm tội, xác định đúng trách nhiệm bồi thường thiệt hại, bảo đảm xử lý vụ việc đúng quy định pháp luật.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.