Công bố hết dịch Covid-19 vẫn cần giám sát chặt chẽ
Công bố hết dịch Covid-19 vẫn cần giám sát chặt chẽ, không chủ quan
Diệu Linh
Thứ ba, ngày 30/05/2023 14:09 PM (GMT+7)
Trước thông tin Việt Nam sắp công bố hết dịch Covid-19, PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) cho biết, Covid-19 vẫn là bệnh đặc thù và không được chủ quan.
Ngày 30/5, chia sẻ với PV Dân Việt, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, việc xem xét công bố hết dịch Covid-19 hay không phụ thuộc vào điều kiện chuyên môn. Tuy nhiên, việc đầu tiên cần làm nếu muốn công bố hết dịch là phải chuyển Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B.
Theo PGS Phu, Bộ Y tế và các cơ quan chức năng cần đánh giá nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát trở lại như thế nào?; Biến chủng tiếp theo có nguy hiểm không?; Số ca mắc có gia tăng bất thường không? Hay nói cách khác là tính ổn định của dịch, hiệu quả và tính sẵn có của vaccine Covid-19.
"Hiện dịch Covid-19 tại nước ta đã được kiểm soát, đa số các ca mắc có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng, không gây quá tải y tế.
Các ca bệnh nặng và tử vong phần lớn là người có bệnh nền, người già, người chưa tiêm chủng, người suy giảm miễn dịch... Những trường hợp này bệnh có thể diễn biến nặng nếu nhiễm các virus gây bệnh truyền nhiễm khác như cúm, chứ không riêng gì với Covid-19.
Các bệnh nhân này có nguy cơ bệnh nặng và tử vong cao khi mắc thêm mất cứ bệnh virus gì chứ không chỉ riêng Covid-19", PGS Phu chia sẻ.
Ngoài ra, theo PGS Phu, việc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu thì đây cũng là cơ sở để xem xét, đánh giá nguy cơ, mức độ dịch Covid-19 tại Việt Nam để có thể đưa ra những thích ứng trong tình hình mới.
Trước đó, ngày 29/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế cũng đang phối hợp cùng với các Bộ, ngành rà soát các quy định của pháp luật, tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới và rà soát các biện pháp thực tiễn triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 Việt Nam.
Bộ Y tế đã chủ trì cùng với các Bộ, ngành xây dựng hồ sơ để chuyển phân loại bệnh từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B.
"Để chuẩn bị cho việc công bố hết dịch Covid-19, dự kiến vào cuối tuần này, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Cvid-19 bàn thảo liên quan đến nội dung này", Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.
Thành bệnh truyền nhiễm nhóm B, Covid-19 không còn được miễn phí điều trị
Về việc chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B, PGS Phu chia sẻ, hiện nay, mặc dù chưa chuyển đổi dịch Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B nhưng nhiều hoạt động đã thực hiện như nhóm B, đó là việc mở cửa, không cấm đoán đi lại, du lịch, tổ chức hội họp, tổ chức sự kiện, không yêu cầu xét nghiệm bắt buộc, nới lỏng cách ly… để làm ăn kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội...
Hiện, chỉ còn một số hoạt động coi Covid-19 là nhóm A như quy định giám sát dịch, chữa bệnh miễn phí cho người mắc Covid-19, tiêm vaccine miễn phí, chế độ cho người tham gia phòng, chống dịch…
Theo PGS Phu, nếu theo luật thì bệnh nhóm B khi mắc sẽ không được miễn phí điều trị, Do đó, các cơ quan chức năng cần có tính toán phù hợp.
"Hiện nay, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế rất cao, vì vậy, chi phí cho điều trị Covid-19 có thể chi trả theo bảo hiểm y tế.
Còn về việc tiêm vaccine Covid-19, Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định về kế hoạch sử dụng vaccine Covid-19 năm 2023. Quyết định này nêu rõ, việc tiêm vaccine Covid-19 theo chiến dịch hoặc có thể lồng ghép với hoạt động tiêm chủng thường xuyên phù hợp với thực tế triển khai tại địa phương.
Tuy vậy, theo tôi, Bộ Y tế và cơ quan chức năng cũng cần có kế hoạch tiêm vaccine Covid-19 rõ ràng hơn. Cụ thể, đối tượng nào cần tiêm vaccine trong thời gian tới, đối tượng nào tiêm bắt buộc, đối tượng nào tiêm theo khuyến cáo, lịch tiêm như thế nào và cũng có thể đối tượng nào được miễn phí, đối tượng nào phải trả tiền", PGS Phu nhấn mạnh.
Theo PGS Phu, hiện nay, dù Covid-19 có chuyển sang nhóm B thì vẫn cần có những đặc thù riêng trong giám sát, phòng chống vì trên thế giới, WHO mới tuyên bố chấm dứt tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu của Covid-19 nhưng vẫn chưa công bố kết thúc dịch Covid-19.
Theo khuyến cáo của WHO, các quốc gia, trong đó có Việt Nam vẫn cần thận trọng khi chuyển từ việc phòng, chống dịch Covid-19 khẩn cấp sang chiến lược kiểm soát dịch dịch bền vững, lâu dài.
"Việt Nam cần có chính sách, kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới, làm sao theo dõi được sát tình hình dịch bệnh để có đáp ứng phù hợp, không bất ngờ, vừa kiểm soát được dịch trong mọi tình huống nhưng không tốn kém, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người dân.
Đặc biệt lưu ý, các hoạt động giám sát, dự phòng cá nhân, tiêm chủng, truyền thông, bảo vệ nhóm dễ bị tổn thương…", PGS Phu khẳng định.
Bà Angela Pratt, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam khẳng định, WHO tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu nhưng không có nghĩa Covid-19 không còn là mối đe dọa hay là Covid-19 đã trở nên ít nguy hiểm hơn. Chúng ta không được mất cảnh giác với Covid-19.
"WHO tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu nhưng không phải chúng ta chấm dứt đại dịch Covid-19", bà Angela Pratt nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.