Theo Reuters, hơn 20 điều khoản đã bị đình chỉ hoặc thay đổi trong bản hiệp định cuối cùng trước khi văn bản này được kí kết vào tháng 3.
"Thay đổi lớn nhất của TPP 11 là đình chỉ nhiều điều khoản từng gây nhiều tranh cãi, cụ thể là các điều khoản xoay quanh vấn đề dược phẩm", Giáo sư luật học từ Đại học Sydney Kimberlee Weatherall nói.
Các điều khoản về thắt chặt bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ liên quan tới sản phẩm dược được đưa vào bản TPP đầu tiên bởi Mỹ. Các quy định này từng khiến một số chính phủ và nhà hoạt động xã hội lo ngại có thể làm giá các sản phẩm y dược tăng cao.
Bộ trưởng Thương mại New Zealand David Parker nói về hiệp định TPP 11 hôm 21.2. Ảnh: Reuters.
Với việc Mỹ đã bỏ rơi TPP, 11 nước còn lại đã đạt được nhất trí về các điều khoản từng gây nhiều tranh cãi này. Văn bản cuối cùng của TPP-11 dự kiến sẽ được các bên ký kết vào ngày 8.3 tới tại Chile. Nhiều khả năng hiệp định TPP-11 sẽ có hiệu lực vào cuối năm 2018 hoặc nửa đầu năm 2019.
Thành công trong việc đạt được văn bản hiệp định TPP-11 cuối cùng lập tức được ca ngợi bởi một số nước thành viên. Nhiều nước kỳ vọng hiệp định sẽ là liều thuốc ngăn chặn sự lây lan của chủ nghĩa bảo hộ.
"CPTPP (tên gọi mới của TPP-11) ngày càng trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh các quy định của WTO có nguy cơ giảm hiệu quả", Bộ trưởng Thương mại New Zealand David Parker cho biết.
Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos tháng trước, Tổng thống Donald Trump để ngỏ khả năng quay lại với hiệp định TPP nếu Mỹ có thể đạt được những thỏa thuận có lợi hơn. Tuy nhiên, một số quan chức 11 nước thành viên còn lại của TPP khẳng định viễn cảnh ấy "khó xảy ra" và không có gì đảm bảo các nước sẽ gỡ bỏ các điều khoản vừa đình chỉ để chào đón Mỹ.
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP từng đứng trước nguy cơ đổ vỡ khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi hiệp định tháng 1.2017. Mười một quốc gia còn lại, dẫn đầu bởi Nhật Bản, đã tái đàm phán và hoàn thành sửa đổi văn bản hiệp định vào tháng 1/2018.
Duy Anh (Zing)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.