Công chúa duy nhất trong sử Việt lấy 2 vua làm chồng: 12 tuổi làm hoàng hậu
Công chúa duy nhất trong sử Việt lấy 2 vua làm chồng: 12 tuổi làm hoàng hậu, làm con dâu của chị gái
Thứ ba, ngày 03/12/2024 10:32 AM (GMT+7)
Vị công chúa này nổi tiếng đẹp sắc nước hương trời, cơ thể có mùi hương lạ, vô cùng cuốn hút. Dù 2 lần làm vợ vua nhưng cuộc đời của bà chẳng mấy êm đềm và mất khi vừa tròn 27 tuổi.
Công chúa duy nhất trong sử Việt lấy 2 vua làm chồng: 12 tuổi làm hoàng hậu, làm con dâu của chị gái
Trong lịch sử Việt Nam, có một công chúa đặc biệt, đó là Lê Ngọc Bình. Bà là con út của vua Lê Hiển Tông, em gái của công chúa Ngọc Hân. Bà là người phụ nữ duy nhất của nước Việt từng lấy hai vua làm chồng, đó là vua Cảnh Thịnh nhà Tây Sơn và vua Gia Long triều Nguyễn.
Công chúa Lê Ngọc Bình sinh năm 1783, dân gian lưu truyền rằng bà nổi tiếng với vẻ đẹp sắc nước hương trời, cơ thể có mùi thơm rất lạ, khiến ai cũng mê đắm.
Năm 1786, cha của công chúa Lê Ngọc Bình là vua Lê Hiển Tông qua đời, Lê Chiêu Thống được đưa lên làm vua. Tuy nhiên do tính khí nhu nhược, nên khi quân Tây Sơn ra Bắc lần thứ 2 vào năm 1787 để diệt Nguyễn Hữu Chỉnh, Lê Chiêu Thống đã phải trốn chạy, cho người sang cầu nhà Thanh.
Năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu Quang Trung, phong Ngọc Hân, chị gái công chúa Cảnh Bình làm Hữu cung hoàng hậu. Họ có với nhau 2 con là công chúa Nguyễn Ngọc Bảo và hoàng tử Nguyễn Quang Đức. Năm 1792, Nguyễn Huệ đột ngột qua đời, con trai là Quang Toản (con trai Quang Trung và hoàng hậu Bùi Thị Nhạn, người Bình Định) nối ngôi lúc mới 10 tuổi lấy niên hiệu là Cảnh Thịnh.
Do vua Cảnh Thịnh lên ngôi khi còn nhỏ, quyền lực triều Tây Sơn khi ấy bị thâu tóm vào tay Thái Sư Bùi Đắc Tuyên (cậu ruột Quang Toản). Năm 1795, Thái sư Bùi Đắc Tuyên bị dẹp, thái hậu Lê Ngọc Hân làm mối Ngọc Bình cho Quang Toản, công chúa trở thành chính cung hoàng hậu nhà Tây Sơn khi vừa tròn 12 tuổi. Từ đó, công chúa Cảnh Bình vừa là con dâu, vừa là em gái của công chúa Ngọc Hân.
Tháng 5/1801, Nguyễn Ánh đánh chiếm Phú Xuân, vua Quang Toản bỏ chạy ra Bắc Hà, Ngọc Bình và một số cung nữ bị kẹt lại Phú Xuân. Thấy hoàng hậu trẻ đẹp, ăn nói dịu dàng, dáng điệu thướt tha, Nguyễn Ánh muốn lấy làm vợ. Mặc các cận thần kịch liệt phản đối, vua Gia Long vẫn quyết lấy vợ của “kẻ đối đầu”. Cuối cùng, ông phong Cảnh Bình làm phi và sinh lần lượt 2 hoàng tử và 2 công chúa: Quảng Uy công Nguyễn Phúc Quân (sinh năm 1809), Thường Tín công Nguyễn Phúc Cự (sinh năm 1810), Mỹ Khê Ngọc Khuê và An Nghĩa Ngọc Ngôn.
Năm 1810, công chúa Lê Ngọc Bình qua đời khi tuổi đời còn rất trẻ, chỉ mới 27 tuổi, được ban thụy là Cung Thận Đức phi, an táng tại làng Trúc Lâm. Năm 2008 tẩm mộ được cải táng về đồi Mâm Xôi, thuộc khu Đồng Chầm, phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà.
Cuộc đời của Lê Ngọc Bình là một câu chuyện lạ lùng, một sự đan xen giữa số phận và duyên phận. Bà là con gái của vua Lê, nhưng lại lấy hai vua của hai triều đại đối địch làm chồng. Bà là một người phụ nữ xinh đẹp, thông minh, nhưng lại gặp nhiều sóng gió trong cuộc đời.
Số phận của bà là một minh chứng cho sự khắc nghiệt của lịch sử, cũng như sự chuyển giao quyền lực trong xã hội phong kiến Việt Nam. Tuy nhiên, bà cũng là một người phụ nữ kiên cường, vượt qua mọi khó khăn để sống một cuộc đời trọn vẹn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.