"Công chúa Huawei" Mạnh Vãn Chu. Ảnh: The Canadian Press
Theo SCMP, thỏa thuận bất ngờ hôm 24/9 cho phép "công chúa Huawei" Mạnh Vãn Chu - giám đốc điều hành của công ty công nghệ Huawei - trở lại Trung Quốc sau gần 3 năm bị quản thúc tại gia ở Canada.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, ngay cả khi Michael Spavor và Michael Kovrig - 2 công dân Canada bị Bắc Kinh bắt giữ sau khi bà Mạnh bị bắt ở Vancouver (Canada) vào tháng 12/2018 - được trả tự do, quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và Canada vẫn chìm sâu trong sự ngờ vực và gặp khó khăn.
Robert Daly, giám đốc Viện Kissinger về Mỹ và Trung Quốc - tổ chức phi chính phủ chuyên nghiên cứu về mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh - cho rằng, việc anh em nhà Michael được trả tự do ngay sau khi "công chúa Huawei" được thả là "tin tức đáng hoan nghênh ở Mỹ, Trung Quốc và đặc biệt là Canada. Tuy nhiên, "tốc độ của việc anh em nhà Michael được trả tự do ngay sau khi bà Mạnh được rời Canada là một sự thừa nhận ngầm những gì mà Bắc Kinh liên tục phủ nhận trong 3 năm qua: Việc bắt giữ anh em nhà Michael được cho là để gây sức ép với Canada".
Trước khi được trả tự do, Spavor bị kết án 11 năm tù, trong khi Kovrig đang chờ bị kết án.
Về phía Mỹ, các luật sư ở Brooklyn cho rằng, Washington vẫn nghi ngờ về Huawei. Dù việc truy tố bà Mạnh bị tạm hoãn, nhưng vụ án nhằm vào Huawei vẫn tiếp tục.
Về phần mình, Trung Quốc cho rằng, việc giam giữ bà Mạnh là một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn tầm ảnh hưởng lớn của Huawei với thị phần toàn cầu trong ngành viễn thông di động. Việc Canada bắt giữ bà Mạnh là để hỗ trợ cho nỗ lực này.
Các quan chức Trung Quốc cũng bác bỏ việc Mỹ cho rằng "công chúa Huawei" lừa dối ngân hàng HSBC, theo cách khiến ngân hàng này vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran. Hôm 24/9, bà Mạnh không nhận tội, nhưng thừa nhận đã cung cấp "một số lời khai không đúng", theo thỏa thuận với các công tố viên Mỹ.
Nicole Boeckmann, quyền công tố viên Mỹ ở Brooklyn, New York, Mỹ, cho biết, khi tham gia thỏa thuận với các công tố viên Mỹ, "bà Mạnh đã nhận trách nhiệm về vai trò trong việc thực hiện kế hoạch lừa đảo một tổ chức tài chính toàn cầu".
"Việc bà Mạnh được thả sẽ không giúp hạ nhiệt căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung", ông Daly nhận định. "Cả Bắc Kinh và Washington dường như không muốn nhượng bộ trong vụ việc này. Trung Quốc sẽ coi việc bà Mạnh được thả là minh chứng cho chính sách ngoại giao con tin".
Ethan Paul, một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu về lập pháp có trách nhiệm Quincy - tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, lưu ý rằng, thỏa thuận giữa các công tố viên Mỹ và bà Mạnh là động thái đầu tiên của chính quyền ông Biden thực hiện theo các điều trong "2 danh sách" mà Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong đã đưa ra với người đồng cấp Mỹ, Wendy Sherman, hồi tháng 7.
Theo Paul, các quan chức cấp cao Trung Quốc nhiều lần nhấn mạnh, "2 danh sách" này đại diện cho quan điểm đàm phán cốt lõi của Bắc Kinh.
Adam Segal, làm việc tại Hội đồng quan hệ đối ngoại - tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở Mỹ, cũng cho rằng, việc "công chúa Huawei" được thả không cho thấy bất kỳ sự cải thiện nào trong quan hệ Mỹ - Trung, nói rằng thỏa thuận liên quan tới bà Mạnh "không thay đổi các vấn đề cơ bản trong căng thẳng Mỹ - Trung".
"Chính quyền của ông Biden sẽ tiếp tục trừng phạt Huawei. Trung Quốc vẫn sẽ cảm thấy bị chèn ép trong vụ bắt giữ bà Mạnh. Sự ngờ vực vẫn còn, nhất là ở lĩnh vực công nghệ", Segal nhận định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.