Công chúa Ngọc Vạn giúp lưu dân người Việt thời xưa định cư, lập nghiệp thế nào?
Công chúa Ngọc Vạn giúp lưu dân người Việt thời xưa định cư, lập nghiệp thế nào?
Thứ hai, ngày 23/10/2023 14:33 PM (GMT+7)
Nhờ tài ăn nói, khéo thuyết phục vua và triều đình Chân Lạp và đức độ của công chúa Ngọc Vạn, lưu dân người Việt từ vùng Thuận Quảng trải qua năm tháng, lớp lớp vào định cư lập nghiệp ở vùng Đồng Nai - Gia Định một cách êm thấm, hợp pháp, sống chung hòa thuận với người dân bản địa.
Nặc Ông Xô được lên làm vua, hiệu là Batom Reachea (1660 – 1672), chấp nhận thần phục Phú Xuân. Năm 1664, Ông Xô phong em là Ông Tân làm Phó vương. Năm 1672, Sri Jayajetth (cháu đồng thời là rể của vua Ông Xô) giết vua để cướp ngôi.
Phó vương Ông Tân cho người chạy sang dinh Thái Khang (nay là Khánh Hòa) cấp báo. Chúa Hiền chuẩn bị cử quân sang trừng phạt kẻ soán nghịch, chưa kịp đi thì ở Chân Lạp kẻ soán vị đã bị công chúa Day Ksatri (vợ của Ông Tân) sai người giết chết.
Ang Chei (sử Việt gọi là Nặc Ông Đài) con của vua Nặc Ông Xô lên ngôi, rồi sai người giết Day Ksatri, gây nên mối thù với Ang Nan (sử Việt gọi là Nặc Ông Nộn) là con nuôi của Ông Tân và Day Ksatri. Ông Nộn chạy sang dinh Thái Khang cầu cứu. Dinh thần tâu lên, chúa Hiền bèn sai Nguyễn Dương Lâm làm thống binh, tướng thần lại thủ hợp Nguyễn Diên Phái làm tham mưu, Văn Sùng làm thị chiến, đem quân đi đánh.
Ông Đài lo sợ, một mặt cho làm cầu phao, xích sắt băng qua sông, xây thành Nam Vang, mặt khác cho người sang cầu cứu nước Xiêm, nói phao lên rằng vua Xiêm La đã phát 2 vạn quân bộ, 2 nghìn quân thủy, và một nghìn voi ngựa đến hỏi tội Nặc Nộn về việc cự mệnh.
Về phía quân ta, Dương Lâm chia binh làm 2 đạo, đương đêm đánh úp, phá các lũy Sài Côn (Trong thời gian nói ở đây xin hiểu địa danh Sài Gòn lúc bấy giờ là vùng Chợ Lớn ngày nay) và Bích Đôi, chặt đứt cầu phao và xích sắt, thẳng tiến vây thành Nam Vang. Ông Đài hoảng sợ bỏ chạy vào rừng rồi bị đồng đảng giết chết, Ông Tân cũng bệnh chết, giao binh quyền lại cho Nặc Nộn. Bấy giờ Ang Swur (sử Việt gọi là Nặc Ông Thu) là em Ông Đài đến quân môn xin hàng. Tin thắng trận đưa về đến nơi, triều đình bàn rằng: Nặc Ông Thu là dòng đích (con của vua Nặc Ông Xô) thì phong làm Chánh vương, đóng đô ở Oudong.
Nặc Ông Nộn là dòng thứ cho làm Nhị vương, đóng tại Sài Côn (Chợ Lớn) cùng coi việc nước, hàng năm tiến cống như thường lệ. Tình hình Chân Lạp được tạm yên. (Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục tiền biên, bản dịch của viện Sử học, NXB Sử học, Hà Nội 1962 tập I trang 122).
Cũng từ đó sử Chân Lạp và sử Việt không nói gì đến Thái hậu Ang Cuv, tức công chúa Ngọc Vạn nữa. Có lẽ thời gian này, bà cũng đã vào khoảng 70 tuổi, già yếu, hoặc có thể đã qua đời.
Có nguồn tin nói bà thấy cảnh chém giết lẫn nhau trong nội bộ hoàng gia Chân Lạp, trái với tinh thần hiếu sinh của Phật giáo, con bà cũng đã chết, bà chán cảnh trần tục, dời qua vùng Đồng Nai, nơi có nhiều lưu dân người Việt sinh sống, lập ngôi chùa Gia Lào trên núi Chứa Chan (Biên Hòa) tu hành đến cuối đời, sau khi đã đem hết tâm huyết phụng sự dòng họ, phụng sự dân tộc, phụng sự Tổ quốc.
Năm 1989 tại Đồng Nai, người ta phát hiện di tích ngôi chùa Kim Cang ở ấp Bình Thảo, xã Tân Bình, thị xã Vĩnh An. Ngôi chùa đã bị thiêu hủy năm 1946 trong kháng chiến chống Pháp. Nhưng 2 bên phía trước nền chùa vẫn còn 2 ngôi tháp, một bên là Bảo tháp của Tổ sư Nguyên Thiều – Siêu Bạch, bên kia là tháp Phổ Đồng.
Tháp của Tổ sư còn nguyên vẹn, tấm bia còn rõ nét chữ, ghi Tổ sư mất năm 1728, tháp xây năm 1729. Còn tháp Phổ Đồng thì đã hư hại nhiều, tấm bia mất hết chữ, không đọc được. Nhưng theo truyền thuyết thì tháp Phổ Đồng do Tổ sư Nguyên Thiều xây dựng để thờ bà công chúa Ngọc Vạn, các tướng sĩ và nhân dân Việt Nam đã có công hộ trì, phát triển Phật giáo ở xứ Đồng Nai – Gia Định.
Nếu đúng tháp Phổ Đồng được xây lên để thờ công chúa Ngọc Vạn thì đúng là vào cuối đời, công chúa đã về sống với đồng bào ở Đồng Nai và gửi nắm xương tàn tại đây.
Ăn quả nhớ người trồng cây
Chính nhờ tài ăn nói, khéo thuyết phục vua và triều đình Chân Lạp và đức độ của công chúa Ngọc Vạn, mà lưu dân người Việt từ vùng Thuận Quảng trải qua năm tháng, lớp lớp vào định cư lập nghiệp ở vùng Đồng Nai – Gia Định một cách êm thấm, hợp pháp, sống chung hòa thuận với người dân bản địa.
Đến năm 1698, năm mà chúa Nguyễn Phúc Chu cử Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào đặt nền hành chính tại đây, dân số đã có hơn 40 vạn hộ, trên một địa bàn rộng 1.000 dặm. Rất tiếc là công chúa Ngọc Vạn đã không thọ đến thời điểm đó để thấy tận mắt thành quả, công lao của mình.
Nhưng không phải những thành quả ấy đến đó là ngừng lại, mà còn đi xa hơn nữa. Nhờ có mối tình cảm công chúa đã khéo vun quén từ đầu mà tình hữu nghị giữa 2 dân tộc Đại Việt – Chân Lạp ngày càng gắn bó.
Trước sự đe dọa của quân Xiêm luôn rình rập, chực có cơ hội là sang xâm chiếm, hoặc khi có sự tranh chấp nội bộ mà không hòa giải được, có sự yêu cầu của phe chính thống, triều đình Thuận Hóa luôn sẵn sàng và nhanh chóng đem quân sang giúp đỡ Chân Lạp giữ vững nền độc lập và củng cố vương quyền.
Khi mọi việc đã xong, quân Đại Việt sẵn sàng rút về, không hề đòi hỏi một sự đền ơn đáp nghĩa nào cả, mặc dầu trong giao chiến không khỏi có những binh sĩ Đại Việt bỏ mình trên đất khách, không mang về bất cứ một vật gì của hoàng gia và dân chúng Chân Lạp, không có bất cứ nhân vật nào của hoàng gia Chân Lạp phải sang sống làm con tin ở Thuận Hóa. Nhiều lần như vậy, không phải một, hai lần.
Theo thiên tính của con người, mang ơn thì trả ơn mới không áy náy lương tâm. Đó là suy nghĩ và hành động của các vua chúa và triều đình Chân Lạp. Mỗi lần quốc gia hữu sự, nhờ đến sự giúp đỡ của Đại Việt, triều đình cũng như nhân dân Đại Việt không hề ngần ngại, huy động ngay hàng ngàn, hàng vạn quân lính, sử dụng hàng ngàn ghe thuyền chuyển quân, chuyển lương, hành quân hàng ngàn dặm đường, không kể nắng mưa, giông bão, đi ngày đi đêm, vì việc quân không thể chậm trễ. Khi lâm trận thì hăng say chiến đấu, không ngại nguy hiểm, không sợ hy sinh.
Chính vì nhận thấy như thế, nên mỗi lần được giúp đỡ giải nguy, vua và triều đình Chân Lạp lại cắt một vùng đất hoang hóa, dân cư thưa thớt không mặn mà gì đối với họ, biếu cho vua chúa Đại Việt, coi như món quà hữu nghị. Điều đó giải thích vì sao vùng đất Nam bộ lại thuộc về nước Việt Nam, mà tổ tiên ta trong quá khứ chưa hề đem quân đến đánh chiếm.
Ngày nay, ai cũng công nhận vùng đất Nam bộ là vựa lúa của cả nước, không những hằng năm thu hoạch được hàng chục triệu tấn lúa, đủ nuôi dân mà còn dư để xuất khẩu. Không phải tự nhiên mà được như vậy.
Khi được làm chủ vùng đất này, thì nơi đây là vùng sình lầy, chua phèn, hoang hóa, chỉ có cây năn, cây lác, cây dừa nước là sống được. Nhờ các lớp lưu dân người Việt, thế hệ này kế tiếp thế hệ khác, với bản tính cần cù, siêng năng, chịu thương chịu khó, chống chọi với rắn độc, thú dữ, đem sức lao động ra khai phá, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, đổ mồ hôi đổi lấy chén cơm mới được như ngày nay.
Ai là người dân Nam bộ, ai là người dân TP.HCM đang sống trong hạnh phúc, sung sướng, nhìn thấy những cánh đồng thẳng cánh cò bay, nặng trĩu lúa vàng, những đầm ao nuôi thủy sản tôm cá xuất khẩu hàng nghìn tấn, những vườn cây trĩu quả xuất khẩu hằng năm hàng ngàn tấn, thu về hàng tỉ ngoại tệ làm giàu cho đất nước; những tòa nhà chọc trời sang trọng, những con đường trải nhựa thênh thang, đêm đêm đèn điện soi sáng khắp hang cùng ngõ hẻm, có biết nhờ ai mà được như thế? Người đó là công chúa Ngọc Vạn, đã từng hy sinh tuổi thanh xuân đầy thơ mộng, đi tiên phong khai sơn phá thạch cho sự nghiệp mở mang bờ cõi của Tổ quốc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.