Công chức cờ bạc: Mưu cầu tư lợi, thích ăn may “tiếp tay” cho tệ nạn

Nguyệt Tạ (thực hiện) Thứ sáu, ngày 02/03/2018 09:27 AM (GMT+7)
Đến hẹn lại lên, đầu năm, tại nhiều đơn vị công quyền lại xuất hiện tình trạng cán bộ, công chức đánh cờ bạc, chơi tín dụng đen... Về vấn đề này Báo NTNN đã phỏng vấn ông Trịnh Hoà Bình – Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội học (Viện Xã hội học Việt Nam).
Bình luận 0

Thưa ông, vừa qua tại Gia Lai xuất hiện một số cán bộ, công chức nợ nần bỏ trốn. Điều này ảnh hưởng thế nào tới hình ảnh của họ và cơ quan công quyền?

- Chuyện một bộ phận cán bộ, công chức chơi cờ bạc, đặc biệt tham gia vào tín dụng đen là chuyện không có gì đáng ngạc nhiên. Xét về tổng quát, đó không phải là hình ảnh chuẩn mực, dù không muốn nhìn nhận thì cũng không thể chối bỏ.

Dường như đã trở thành một thói quen xấu, cứ đến dịp tết và sau Tết Nguyên đán, khi không khí vui chơi, xả hơi dịp đầu năm đang rộn ràng, nạn cờ bạc lại được dịp “nở rộ”.

Tệ nạn đánh bạc tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, ngoài các hình thức cờ bạc “truyền thống” quen thuộc như: Tổ tôm, xóc đĩa, chắn, tú lơ khơ còn có các trò chơi mới như độ bóng đá, bi-a, chơi game ăn tiền, lô đề… Đặc biệt, lợi dụng các lễ hội đầu năm, nạn cờ bạc cũng được dịp len lỏi dưới hình thức các trò chơi đỏ đen, may rủi.

 Đối tượng tham gia vào “sân chơi” tệ nạn này đang dần mở rộng, không chỉ là “dân chơi” chuyên nghiệp có “máu mặt” theo kiểu “cờ bạc gạo” mà nạn cờ bạc còn len lỏi cả vào các cơ quan công sở và cả chốn học đường vốn là những nơi có quy định chặt chẽ về việc cấm cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên đánh bạc và tổ chức đánh bạc dưới bất cứ hình thức nào.

img

Ngày 24.2, một số cán bộ xã Định Liên (huyện Yên Định, Thanh Hóa) đã bị kỷ luật vì đánh bạc tại trụ sở xã.
ảnh: Internet

Vì sao chúng ta nói nhiều, tuyên truyền nhiều nhưng nhận thức của một bộ phận cán bộ vẫn không thay đổi?

- Đúng là điều này được nói nhiều nhưng qua thời gian ít có sự đổi thay. Lý do: Đây là thời điểm thuận lợi bởi lúc này ai trong người cũng rủng rỉnh tiền bạc. Tiền nhiều, có cơ hội, người ta sẵn sàng vung tay tiêu tiền bạt mạng.

Thế mới có chuyện một anh công chức cả năm ky cóp, nhưng cuối năm hay đầu xuân ngồi với các đồng nghiệp đang xếp gối xòe bài chơi tổ tôm thì không dừng được cũng phải lột hết tiền trong túi để ngồi chơi.

Tiền bạc trong thời kỳ dư giả chỉ là một lý do nhỏ, lý do lớn hơn là cả xã hội đang sống trong thời khắc “tháng Giêng là tháng ăn chơi” nên ai cũng phải tham gia dù ít dù nhiều cho “có không khí”.

Dù là cờ bạc, hay tham gia tín dụng đen... đều là những hành vi xấu, không thể chấp nhận được. Thực chất, nó chỉ là những hành vi mưu cầu lợi ích, tư lợi cho bản thân. Vì vậy, dễ hiểu vì sao bức tranh của lao động và thu nhập nói chung của lao động Việt Nam thấp gấp bội so với các quốc gia trong khu vực và thế giới. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn biến nhưng lao động vẫn bình chân như vại, không chịu thay đổi, chỉ mong cầu trời, khấn phật phù hộ, hay sa vào cờ bạc để cầu may.

Vậy theo ông, cần làm gì để chấn chỉnh quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, tránh việc họ sa vào “vũng bùn” cờ bạc, tín dụng đen?

- Thực ra việc này khó, vì khó nên dù nói nhiều mà năm nào cũng diễn ra. Thường chỉ khi nào các hành vi này vi phạm pháp luật thì mới mới có cách xử lý, bằng không nếu chỉ lên án qua loa là không xử lý được. Riêng với cán bộ công chức theo tôi hoàn toàn có thể áp dụng nhiều thứ luật để xử lý.

Ví như Luật Cán bộ công chức; nội quy, quy chế đơn vị... Các cơ quan, đơn vị cần có những hình thức xử lý thích đáng đối với cán bộ, công chức tham gia đánh bạc và tổ chức đánh bạc.

Thủ trưởng cơ quan đơn vị nào để xảy ra tình trạng cờ bạc trong cơ quan mình cũng phải chịu trách nhiệm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem