Cộng điểm thí sinh có chứng chỉ TOEFL, IELTS vào lớp 6: Sai phương pháp giáo dục?

Thứ ba, ngày 25/05/2021 07:22 AM (GMT+7)
Trường THCS Chu Văn An, huyện Thanh Trì, Hà Nội dự kiến cộng điểm khuyến khích tuyển sinh vào lớp 6 năm học 2021-2022 đối với học sinh có chứng chỉ tiếng Anh TOEFL hoặc IELTS.
Bình luận 0

Trường THCS Chu Văn An vừa đưa ra dự thảo tuyển sinh lớp 6 năm học 2021-2022 với phương thức tuyển sinh gồm tuyển thẳng, xét tuyển. Với phương thức xét tuyển, trường đưa ra mức cộng 20 điểm cho học sinh có chứng chỉ tiếng Anh TOEFL iBT 450, IELTS 3.0.

Cộng điểm thí sinh có chứng chỉ TOEFL, IELTS vào lớp 6: Sai phương pháp giáo dục? - Ảnh 1.

Học sinh Trường THCS Chu Văn An, Thanh Trì, Hà Nội. Ảnh: THCS Chu Văn An

Trong khi đó, theo quy chế của Bộ GD-ĐT năm 2021, thí sinh được miễn thi tốt nghiệp môn ngoại ngữ nếu có một trong số chứng chỉ như TOEFL IBT 450, IELTS 4.0…

Như vậy, học sinh lớp 5 phải đạt điểm TOEFL IBT bằng với học sinh lớp 12 được miễn tốt nghiệp thì mới được cộng 20 điểm khuyến khích để vào lớp 6 Trường THCS Chu Văn An.

Ông Ngô Huy Tâm, Chủ nhiệm Chương trình Quốc tế của Trường ĐH Phenikaa, cho rằng, kỳ thi IELTS không phù hợp độ tuổi cấp tiểu học và những năm đầu cấp THCS. “Trên thế giới không tồn tại phương pháp sư phạm ôn luyện kỳ thi IELTS dành cho lứa tuổi tiểu học”, ông nói.

Theo ông Tâm, IELTS phục vụ vấn đề nhập cư, du học và làm việc chuyên nghiệp, không phù hợp với đo lường ngôn ngữ tiếng Anh dành cho tiểu học.

“Do tuổi nhỏ, các em cần phát triển năng lực sáng tạo và trí tưởng tượng phong phú. Đấy là lý do trong môn Language art, Creative writing (viết sáng tạo, viết tự do) luôn được dạy trước môn Academic writing (viết hàn lâm). Trẻ bị ép đọc, viết hàn lâm quá sớm dễ bị suy giảm động lực và suy giảm hứng thú với việc đọc, viết. Nội động lực không còn, chỉ còn ngoại động lực là thành tích, điểm số, khen thưởng, sự ngưỡng mộ bên ngoài vốn là những thứ không bền”, ông Tâm nói.

Các chủ đề trong các kỳ thi chuẩn hoá như IELTS chỉ ép trẻ học đối phó với định dạng có sẵn, còn các khảo sát đều chỉ ra là trẻ không có, hoặc rất ít cảm xúc với cái mình viết. Lâu dần, năng lực nắm bắt tâm lý khi giao tiếp trong đời thật bị ảnh hưởng nghiêm trọng do quá quen viết theo dạng đề mà không để tâm đến cảm xúc, đối tượng cần giao tiếp.

Trao đổi với báo chí, bà Trần Thị Thu, Phó hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (Thanh Trì, Hà Nội), nói rằng, nhà trường dự kiến đưa ra tiêu chí liên quan chứng chỉ tiếng Anh bởi thấy khi học sinh đạt các mức điểm đó thì cũng đạt trình độ tương đương việc đạt giải Nhất tại các kỳ thi cấp huyện môn văn hóa.

PGS.TS Nguyễn Thúy Nga, Phó chủ nhiệm Khoa Quản trị chất lượng -Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, nói rằng, bài thi IELTS có hai loại là bài thi học thuật và bài thi tổng quát.

Để làm được bài thi học thuật, người thi phải có sự chuẩn bị về kiến thức cơ bản về văn hóa và xã hội, có khả năng lập luận và có khả năng tập trung cao. Vì vậy, với độ tuổi tâm sinh lý và phát triển về tư duy, ngôn ngữ của trẻ em bậc tiểu học, sẽ rất khó khăn để đạt được kết quả mong muốn.

“Việc chín ép sẽ gây hậu quả về tâm lý và sự sợ hãi, thậm chí ghét bỏ môn tiếng Anh được học trên lớp”, bà Nga nhận định.


NGHIÊM HUÊ (tienphong.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem