Cộng đồng ASEAN - dấu ấn đặc biệt của Việt Nam

Đăng Thúy Thứ bảy, ngày 02/01/2016 06:00 AM (GMT+7)
“Tham gia Cộng đồng ASEAN, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh nhờ tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất do nguồn nguyên liệu đầu vào phong phú và giá thành rẻ hơn” - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung nhận định trong cuộc trả lời phỏng vấn dành riêng cho Báo NTNN trước thềm năm mới 2016.
Bình luận 0

Nhiều kỳ vọng mới

Xin ông cho biết, dấu ấn của Việt Nam trong việc hình thành Cộng đồng ASEAN?

img

Với việc tham gia Cộng đồng ASEAN, Việt Nam có cơ hội  tiếp cận với thị trường  625 triệu dân. Ảnh: Gia công hàng dệt may tại một công ty ở Hà Nội. Ảnh: T.L

- Cộng đồng ASEAN 2015 hình thành có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với khu vực nói chung và với Việt Nam nói riêng.  Đóng góp ấn tượng đầu tiên của Việt Nam phải kể đến là việc ta đăng cai Hội nghị Cấp cao ASEAN 6 tại Hà Nội năm 1998 chỉ sau 3 năm gia nhập ASEAN. Thời điểm đó, ASEAN đang bộn bề với những lo toan của hậu khủng hoảng tài chính khu vực 1997-1998, những chỉ trích, nghi ngờ về hiệu quả, thậm chí sự tồn tại của ASEAN. Với nỗ lực của các nước thành viên và Việt Nam là nước chủ nhà, hội nghị đã thông qua Tuyên bố Hà Nội và Chương trình Hành động Hà Nội, củng cố quyết tâm cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Ba năm tiếp theo, với vai trò Chủ tịch ASEAN 2000-2001, chúng ta đã thúc đẩy và đưa nội dung thu hẹp khoảng cách phát triển trở thành một ưu tiên hàng đầu và thường xuyên của ASEAN với việc thông qua Tuyên bố Hà Nội 2001 về thu hẹp khoảng cách phát triển. Trong quá trình xây dựng cộng đồng, thu hẹp khoảng cách phát triển là bước đi quan trọng để hỗ trợ các nước thành viên hội nhập đầy đủ, hiệu quả và mang lại thịnh vượng chung cho cả khu vực.

Dấu ấn đánh dấu sự trưởng thành vững vàng và được các nước đánh giá cao là Việt Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2010. Với chủ đề “Hướng tới cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn đến hành động”, Việt Nam đã chủ động dẫn dắt, góp phần đưa bộ máy mới của hiệp hội sau khi Hiến chương ASEAN ra đời vận hành trôi chảy, đẩy mạnh tiến trình xây dựng cộng đồng theo hướng thực thi và thực chất.

Việc xây dựng một Cộng đồng ASEAN sẽ mang lại lợi ích gì cho 90 triệu người Việt Nam?

- Tham gia Cộng đồng ASEAN, các doanh nghiệp của ta có cơ hội được nâng cao năng lực cạnh tranh nhờ tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất do nguồn nguyên liệu đầu vào phong phú và giá thành rẻ hơn. Môi trường kinh doanh cũng hứa hẹn trở nên thuận lợi, công bằng và minh bạch hơn cho các doanh nghiệp nhờ các hiệp định tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa,  các cơ chế, biện pháp tạo thuận lợi cho thương mại, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, luật cạnh tranh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài ra, Cộng đồng ASEAN hỗ trợ các doanh nghiệp trong khu vực phát triển nhờ việc tạo ra liên kết chuỗi giữa các doanh nghiệp thông qua phân công lao động, trao đổi hàng hóa và các hoạt động trung gian.

Mỗi người dân các nước ASEAN cũng sẽ thụ hưởng những thành quả cụ thể của Cộng đồng ASEAN. Kế hoạch hành động về trụ cột văn hóa – xã hội của Cộng đồng ASEAN “hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm” đã đề ra các biện pháp cụ thể nhằm góp phần nâng cao phúc lợi, an sinh xã hội cho người dân; tăng cường hiểu biết, tin cậy lẫn nhau và ý thức cộng đồng giữa nhân dân các nước thành viên…

Đề cao các nguyên tắc trong xử lý xung đột

ASEAN sẽ xử lý vấn đề Biển Đông ra sao, thưa ông?

- ASEAN đã có nhiều nỗ lực nhằm xử lý các thách thức đặt ra, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định và an ninh khu vực. Về vấn đề Biển Đông, ASEAN đã và đang chủ động thúc đẩy xây dựng và phổ cập những quy tắc, chuẩn mực ứng xử ở khu vực trên cơ sở của Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) và các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế và Liên Hợp Quốc, đề cao các nguyên tắc về xử lý tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS); thúc đẩy cùng Trung Quốc ký và thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đang tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử (COC) hiệu quả và mang tính ràng buộc.

ASEAN cũng chủ động nêu quan ngại về các hành động làm gia tăng căng thẳng tại Biển Đông tại các văn kiện như tuyên bố của các bộ trưởng ngoại giao ASEAN về tình hình Biển Đông ngày 10.5.2014 và nhiều văn kiện khác ở cấp lãnh đạo cấp cao và Bộ trưởng. ASEAN cũng chủ động đưa ra lập trường chung của ASEAN về vấn đề này, nhất là tại Tuyên bố Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông năm 2012.

Đồng thời, ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt cũng tạo điều kiện để các nước chia sẻ quan điểm và thảo luận về các biện pháp hợp tác xây dựng lòng tin và ngăn ngừa xung đột ở Biển Đông tại các cơ chế khác nhau. Các nước ASEAN cùng đối tác cũng triển khai các biện pháp xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa như thiết lập đường dây nóng về các vấn đề khẩn cấp trên biển giữa các bộ ngoại giao ASEAN và Trung Quốc, đường dây nóng về tìm kiếm cứu nạn giữa các cơ quan chuyên ngành, thúc đẩy hợp tác ASEAN – Trung Quốc trong các lĩnh vực tìm kiếm, cứu nạn, an ninh biển, chống tội phạm xuyên quốc gia, bảo vệ môi trường ở Biển Đông.

Sắp tới, Việt Nam sẽ phải làm gì để thực hiện đúng với cam kết trong lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN?

- Xây dựng Cộng đồng ASEAN là một tiến trình liên tục, do đó thời điểm 31.12.2015 không phải là đích cuối cùng của liên kết ASEAN mà là sự khởi đầu cho một giai đoạn phát triển mới của hiệp hội. Là thành viên “chủ động, tích cực và có trách nhiệm”, Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp xây dựng Cộng đồng ASEAN thông qua triển khai Tuyên bố Tầm nhìn ASEAN 2025 và các kế hoạch hành động liên quan, các chương trình về kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển, nhằm hiện thực hóa một Cộng đồng ASEAN.

Việt Nam sẽ cùng các nước thành viên khác xác định các mục tiêu, ưu tiên, biện pháp cụ thể để triển khai; xây dựng kế hoạch hành động triển khai ở các cấp, cơ quan chuyên ngành, đồng thời lồng ghép phù hợp vào các chương trình hành động quốc gia; rà soát các quy định, luật lệ, chính sách cần điều chỉnh để đảm bảo hài hòa hóa với các cam kết, thỏa thuận trong ASEAN.

Việt Nam cũng sẽ tăng cường xây dựng năng lực trong nước, huy động nguồn lực, thúc đẩy hợp tác với các nước thành viên và đối tác để đảm bảo thực thi các cam kết, thỏa thuận đã tham gia; đồng thời, phối hợp tích cực các nước thành viên khác rà soát những vấn đề phát sinh để điều chỉnh phù hợp. Bên cạnh đó, các cơ quan tham gia hợp tác ASEAN sẽ tăng cường phổ biến rộng rãi cho doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân về các cơ hội, thách thức cũng như các thỏa thuận đã đạt được.

Xin cảm ơn ông!

Với hơn 625 triệu dân, tổng GDP là 2.600 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng cao, Cộng đồng ASEAN mở ra cơ hội quan trọng để tiếp cận một thị trường tiêu thụ sản phẩm rộng lớn, với dân số đông, đồng thời là đối tác quan trọng nhằm xúc tiến thương mại và thu hút đầu tư.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem