Cộng đồng Startup Việt hướng tới giải pháp toàn cầu để bứt phá

Chủ nhật, ngày 06/03/2022 10:37 AM (GMT+7)
Các chuyên gia công nghệ nhận định việc định hướng, đẩy mạnh xu hướng để startup Việt hướng tới giải pháp toàn cầu là vấn đề trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế và đổi mới sáng tạo.
Bình luận 0

Trong bối cảnh khó khăn của dịch COVID-19, cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam (startup Việt) đã có sự bứt phá vươn lên.

Năm 2021 là năm cộng đồng khởi nghiệp bứt phá mạnh mẽ khi thu hút được số vốn đầu tư mạo hiểm dành cho khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam tăng vọt lên tới hơn 1,3 tỷ USD - mức kỷ lục gọi vốn đầu tư từ trước đến nay.

Điều này cho thấy sự năng động, chuyển mình rất nhanh, thích ứng trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khẳng định sự chống chịu, bứt phá và vươn lên của startup Việt.

Nhiều giải pháp công nghệ được các startup Việt đưa ra giải quyết những vấn đề của thị trường và cuộc sống

Cộng đồng Startup Việt hướng tới giải pháp toàn cầu để bứt phá - Ảnh 1.

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), nhấn mạnh trong bối cảnh dịch COVID-19 lan tràn và kéo dài, có rất nhiều đợt sóng lên-xuống, tất cả những bạn trẻ khởi nghiệp của các nước trên toàn cầu đều bị ảnh hưởng và Việt Nam cũng không nằm ngoài tác động đó.

Do điều kiện dịch, các startup không có điều kiện gặp trực tiếp để gọi vốn, tổ chức các sự kiện đông người để gọi vốn nên các startup hướng đến sử dụng các giải pháp công nghệ để phát huy tối đa khả năng kết nối trực tuyến, kêu gọi vốn đầu tư.

Trên thế giới cũng như tại Việt Nam, năm 2021 là năm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, việc tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ứng dụng công nghệ 4.0 và chuyển đổi số là nhu cầu tất yếu trong quá trình phát triển.

[Năm 2021, hơn 1,3 tỷ USD đầu tư vào các dự án khởi nghiệp ở Việt Nam]

Các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh, hợp tác xã đến từng hộ dân đều phải dùng đến chữ “phải” chuyển hướng, phải chuyển đổi số để thích ứng với tình hình mới, chính những xu hướng này giúp cho startup Việt có thị trường rất lớn và ngược lại.

Để thích ứng an toàn trong tình hình mới, các startup Việt và cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam đã đưa ra được nhiều giải pháp để thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả với dịch COVID-19, giải quyết những vấn đề của thị trường cũng như thực tế cuộc sống.

Đặc biêt, từ những nhu cầu trong nước sẽ giúp cho các startup Việt thử nghiệm những sản phẩm giúp chuyển đổi số và từ đó hướng tới giải pháp toàn cầu để đi ra toàn thế giới.

Theo các chuyên gia công nghệ, thực tế hiện nay, trong những công nghệ nền tảng, những công nghệ mới bây giờ hầu như mang xu hướng mã nguồn mở, nên cộng đồng khởi nghiệp Việt có mô hình kinh doanh tốt, có cách giải quyết vấn đề của thị trường tốt thì có thể tìm nguồn công nghệ rất sẵn có như các nguồn công nghệ trên mạng, thông qua mạng để kết nối công nghệ hay nguồn của các hãng, tập đoàn lớn của Việt Nam hoặc đang hoạt động tại Việt Nam...

Phương tiện không thiếu, nhưng người để chuyển công nghệ đó thành mô hình kinh doanh để giải quyết những vấn đề rất cụ thể của thị trường thì Việt Nam đang thiếu và yếu, vì vậy cần các startup cùng với các đội ngũ huấn luyện viên, cố vấn chuyên nghiệp để triển khai thành hiện thực.

Để thành hiện thực, các tập đoàn, các doanh nghiệp lớn vào cuộc cũng sẽ giúp các startup Việt chuyên sâu và có phương tiện để vươn xa, cạnh tranh được với các nước trong khu vực.

Hướng tới giải pháp toàn cầu

Nhìn nhận về sự phát triển của cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam trong năm 2022 với khát vọng dân tộc - đưa Việt Nam sánh vai cùng bè bạn quốc tế, ông Phạm Hồng Quất cho rằng năm 2022, Việt Nam tiếp tục phát triển trên đà của năm 2021, các bạn trẻ Việt Nam tiếp tục phát huy sự năng động và lắng nghe hơi thở của thị trường, lắng nghe nhu cầu của cuộc sống và mối quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế để vượt lên được chính mình.

Cộng đồng Startup Việt hướng tới giải pháp toàn cầu để bứt phá - Ảnh 2.

Lễ ký kết hợp tác qua hình thức trực tuyến. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Kinh nghiệm cho thấy startup Việt nhìn ra được những giải pháp mang tính toàn cầu và những xu hướng để chống chọi và bứt phá sau đại dịch này thì sẽ bứt phá và phát triển mạnh mẽ.

Để hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn nữa, ông Phạm Hồng Quất nhấn mạnh việc cần phải có đội ngũ huấn luyện viên, cố vấn chuyên nghiệp càng nhanh càng tốt.

Hiện nay, Việt Nam đã bắt đầu hình thành đội ngũ mentor - huấn luyện viên ở một số lĩnh vực công nghệ, nhưng để trở thành những huấn luyện viên, cố vấn chuyên nghiệp thì Việt Nam vẫn đang thiếu.

Thực tế, Việt Nam phải đẩy mạnh đào tạo đội ngũ nhân lực với tri thức, sự kết nối, việc rèn cả lý thuyết và thực hành hàng ngày càng nhanh càng tốt để Việt Nam có được đội ngũ tiên phong về công nghệ mở đường cho những mô hình kinh doanh mới.

Đặc biệt, Việt Nam phải tranh thủ học hỏi kinh nghiệm của những người đã có kinh nghiệm huấn luyện những đội startup thành công, cả trong phạm vi khu vực và quốc tế.

Bên cạnh đó, cần nhiều chính sách để hỗ trợ các startup phát triển hướng tới giải pháp toàn cầu bởi hiện nay, các nước trong khu vực cũng đang thúc đẩy rất nhiều chính sách hỗ trợ, có nhiều phương tiện, công cụ để chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa rất sâu các startup trong các lĩnh vực công nghệ.

Các chuyên gia công nghệ nhận định, trong thời đại hiện nay, việc định hướng và đẩy mạnh xu hướng để startup Việt hướng tới giải pháp toàn cầu là một vấn đề lớn và trọng tâm của quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia nói chung và lĩnh vực đổi mới sáng tạo nói riêng.

Thực tế, khi khởi nghiệp các startup chưa có tư duy toàn cầu ngay từ đầu mà chỉ làm việc ở các công ty IT tại Việt Nam và tập trung vào thị trường nội địa - thị trường mà họ hiểu nhất.

Vì vậy, việc định hướng và đẩy mạnh xu hướng để cho startup Việt hướng tới giải pháp toàn cầu là một hướng đi mới, phù hợp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam cũng như các giải pháp cho các startup Việt khi phát triển kinh doanh, mở rộng sang thị trường mới.

Thực tế, khi các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam bao giờ cũng hỏi các startup chuyên sâu về lĩnh vực gì và lĩnh vực này giải quyết vấn đề gì mang tính toàn cầu, vì vậy, các startup Việt với khát vọng dân tộc - đưa Việt Nam sánh vai cùng bè bạn quốc tế, bứt phá thì phải liên kết, hợp tác với nhau và cùng "sánh vai" với các tập đoàn lớn, các huấn luyện viên và các cố vấn chuyên nghiệp để startup Việt có thể vươn tầm quốc tế và đạt được thành tích cao hơn nữa trong năm 2022.

HL (Theo TTXVN)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem