Nhà bé P. ở phường Tân Kiểng, quận 7, TP.HCM, ba chạy Grab, mẹ ở nhà, trước em còn có 1 anh trai. P. thích ở nhà nhưng số tiền xin được và những hộp cơm từ thiện kiếm được mỗi đêm đã khiến người thân đẩy P. ra đường.
Ngày có cha mẹ, đêm đến "mồ côi"
P. có cả cha lẫn mẹ nhưng để lấy được những đồng tiền thương cảm của người qua đường, P. bị chính người thân buộc phải "vào vai" trẻ lang thang, cơ nhỡ. P. là cô bé xin ăn hằng đêm trên cầu Ông Lãnh mà chúng tôi đã nhiều lần gặp và làm quen được. Đi chung với P. còn có 2 đứa trẻ khác (một đứa 10 tuổi, một đứa 9 tuổi). Chúng là anh, chị em họ của P. Đám trẻ gây ấn tượng với chúng tôi bởi khuôn mặt sáng.
P. xòe xấp tiền lẻ được xếp gọn gàng ra trước mặt chúng tôi: "Hôm nay được ít quá!". Cô bé thoáng buồn rồi phóng mắt nhìn về phía đại lộ tấp nập, lung linh dưới đèn sáng rực của thành phố. P. kể mỗi đêm đều được ba đưa đón đến cây cầu này ăn xin. Ngày rằm, mùng 1 thì chạy sang ngôi chùa K.L (đường Nguyễn Hữu Hào, phường 6, quận 4, TP.HCM) kế bên để xin. Bị chùa đuổi vì làm phiền người đến viếng thì lại chạy về cầu Ông Lãnh đứng. Cứ như thế cho đến sau 22 giờ mới được ba đón về.
Hơn 21 giờ, trên cầu Ông Lãnh, phía đối diện chỗ chúng tôi đứng xuất hiện 3 thanh niên quần áo xộc xệch, lấm lét ngồi chụm lại với nhau, chưa đến 5 phút cả 3 đã vật vạ, ngã ngửa bên thành cầu. P. nói: "Tụi nó chích ma túy đó, có bữa còn xin tiền tụi con". "Con có cho không?" - chúng tôi hỏi. "Bữa nào chạy thoát thì không cho, bữa nào chạy không kịp thì phải cho, không cho tụi nó đánh" - P. nói vẻ thản nhiên, rành rọt như chuyện đã quen gặp hằng ngày. Mà dường như thái độ thản nhiên chừng cũng hợp lý. Ở cái tuổi của các em làm sao có thể ý thức được hết những nguy hiểm đang phải đối mặt đáng sợ đến nhường nào. Bởi mối quan tâm hàng đầu của P. từ năm lên 7 tuổi đến nay là số tiền kiếm được cho mẹ mỗi đêm. Để em ngoan ngoãn "đi làm", mỗi ngày P. đều được ba mẹ "nhắc nhở": "Không đi xin thì không có tiền đi học".
22 giờ, từng làn gió lộng trên cầu luồn vào da thịt, lạnh ngắt. Vài người xin ăn trên cầu đã tản ra các hướng, trên cầu thưa người. Chúng tôi rời đi khi 3 đứa trẻ vẫn còn mòn mỏi đợi người nhà đến rước.
Thắt tim nghe chuyện của đứa trẻ lên 10
Lúc này, ở đầu cầu dẫn xuống đường Nguyễn Thái Học (quận 1, TP HCM), sự xuất hiện của một cậu bé ăn xin ngồi thu mình bên chiếc xe đạp dựng ngay vệ đường giữ chân chúng tôi lại. Sự tươm tất, gọn gàng của một đứa trẻ ăn xin khiến chúng tôi tò mò.
Bé P. (áo chấm bi) đang xin tiền trước cổng chùa K.L Ảnh: Ý Linh
Cậu bé tên là L.M.N (10 tuổi). N. cũng là đứa trẻ ăn xin có người thân, nhà N. ở quận 4. Cậu bé ngoan và rất mực lễ phép. N. kể em có một chiếc xe đạp, đêm đến N. đều đặn đạp xe lang thang khắp các quán nhậu để bán kẹo. 22 giờ bắt đầu ghé lại cầu Ông Lãnh ngồi để… ăn xin. Đến khuya, khi trên cầu vắng hẳn bóng người qua lại, N. lại tiếp tục rong ruổi bán cho hết số kẹo còn trên người.
Cứ như vậy, đều đặn hằng ngày, N. chỉ trở về nhà vào lúc 3 giờ sáng. Sau giấc ngủ vỏn vẹn 2 tiếng, 5 giờ sáng, N. được ba gọi dậy để chuẩn bị đưa em gái đi học. Trên chiếc xe đạp chừng rệu rã của mình, N. chở em đến lớp rồi một mình đạp xe đến lớp học tình thương của Mái ấm A.S (nằm tại quận 3, TP HCM) nơi cậu bé đang theo học lớp 4.
Nhắc đến ước mơ, N. nói: "Em chỉ mong ngày nào cũng xin được nhiều tiền, bán hết kẹo để được về nhà ngủ sớm" - cậu bé lí nhí. "Chỉ vậy thôi sao?" - chúng tôi hỏi. Cậu bé ậm ờ giây lát, rồi hồn nhiên đáp lại: "Em còn muốn được ăn ngon".
Lời bộc bạch của đứa trẻ lên 10 làm chúng tôi giật mình rồi thảng thốt nhận ra, trên đôi bàn tay nhỏ xíu hiện rõ sự thiếu vắng tình thương và sự chăm sóc của N. lúc này là chiếc bánh mì ăn dở lộ rõ phần ruột chỉ được chan xì dầu.
Đám người chúng tôi nhìn nhau, tim quặn thắt. Thử hỏi hồi ức tuổi thơ em còn gì ngoài những ngày mưu sinh nhọc nhằn sáng đêm?
Hình ảnh không cần lời bình
Vì mưu cầu kiếm tiền của người lớn, những đứa trẻ được "hô biến" thành những tay ăn xin "thứ thiệt", trở thành nạn nhân của chính người thân bên cạnh. Không cần dùng đến bất kỳ nghiệp vụ điều tra nào, chỉ cần dành một ngày dạo quanh các điểm chờ đèn đỏ, chân cầu vượt… từ ngoại thành cho đến nội đô, ai cũng có thể bắt gặp được không ít những trường hợp trẻ em bị ép ra đường ăn xin dưới sự giám sát, quản lý của những người lớn núp bóng sau lưng.
Cậu bé L.M.N và chiếc bánh mì chan xì dầu ngồi xin tiền ở chân cầu Ông Lãnh Ảnh: Phương Trinh
18 giờ ngày 28/10, tại chung cư Ngô Gia Tự, quận 10, TP.HCM xuất hiện một phụ nữ dắt theo 2 đứa con gầy rạc, lẽo đẽo theo chân. Chúng cúi lạy người qua đường và liên tục xin xỏ như bài học đã nằm lòng.
21 giờ, tại điểm dừng chờ đèn đỏ ở nút giao cầu vượt Cát Lái (phường An Phú, quận 2, TP.HCM) hướng về Khu Công nghệ cao quận 9, có một nhóm 3 đứa trẻ chân trần, đen nhẻm đợi xe dừng đèn đỏ lập tức lao ra cúi đầu xin xỏ. Dưới ánh sáng chập choạng, nhìn không rõ mặt người, những đứa trẻ vẫn liều mạng len lỏi giữa đám đông xe cộ dày đặc để van nài từng đồng tiền thương cảm của người đi đường. Để rồi khi xin được tiền thì lập tức đem giao cho người mà chúng gọi bằng mẹ.
23 giờ, tại phố Tây Bùi Viện (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1), một phụ nữ đặt một đứa trẻ bụ bẫm, xinh xắn (cư dân nơi đây nói đứa trẻ là con người phụ nữ - PV) ngồi giữa đường, chực chờ những đồng tiền thương hại của người qua lại. Cạnh đó, một phụ nữ khác cũng đang bế đứa con ngủ ngật ngưỡng trên tay để xin tiền du khách.
2 giờ ngày 29-10, dưới trời sương khuya lạnh lẽo, chúng tôi bắt gặp một người đàn bà có dấu hiệu lên cơn thèm ma túy, nước dãi chảy dài đang ngồi trên đường Phạm Ngũ Lão, quận 1. Bên cạnh là đứa trẻ ngủ lịm trên chiếc xe nôi. Chúng tôi hỏi: "Sao chị lại để con mình bị lạnh như vậy?". Đáp lại chúng tôi là một ánh mắt vô hồn và những cái ngáp dài thườn thượt trong đêm.
Bỗng dưng nỗi bất an về tương lai của đứa trẻ khiến chúng tôi sởn hết da gà. Thử hỏi những đứa trẻ lọt vào tay những người cha, người mẹ hay chưa chắc là cha, mẹ thật của chúng (dù những đứa trẻ gọi họ bằng mẹ) thì tương lai sẽ ra sao? Ai sẽ bảo vệ chúng trước những hiểm nguy chực chờ giữa chợ đời nhiều thua thiệt?
Ý Linh - Phương Trinh (Người Lao Động)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.