Còng lưng gánh lỗ do giá thức ăn chăn nuôi tăng nhưng giá lợn hơi giảm, chăn nuôi nông hộ ngày càng teo tóp

Khánh Nguyên Chủ nhật, ngày 20/03/2022 12:42 PM (GMT+7)
Hiện đang có một nghịch lý là giá lợn hơi giảm, trong khi giá thức ăn chăn nuôi đã tăng đến lần thứ 10. Đây cũng chính là lý do khiến tỷ lệ hộ chăn nuôi nông hộ ngày càng teo tóp.
Bình luận 0

Còng lưng gánh lỗ do giá lợn hơi vẫn thấp

 Báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho thấy, đàn lợn của nước ta đạt 28,1 triệu con vào cuối năm 2021, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 4,18 triệu tấn. Tức, đàn lợn đã phục hồi hoàn toàn so với năm 2018 - thời điểm trước khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện.

Cả nước có 20.843 cơ sở chăn nuôi lợn từ 10 con trở lên, với tổng đầu con 11,7 triệu con chiếm 41,6% tổng đàn lợn cả nước. 

Song, người chăn nuôi lợn vẫn chưa thể thoát khỏi khủng hoảng, bởi giá lợn hơi bấp bênh và có xu hướng giảm dần.

Cụ thể, từ tháng 1-8/2021, giá lợn hơi xuất chuồng giảm 30-35%, duy trì ở mức thấp 43.000-49.000 đồng/kg. 

Đến tháng 11/2021, tăng nhẹ lên trên 50.000 đồng/kg và tháng 12/2021, giá dao động quanh mức 54.000-57.000 đồng/kg, duy trì đến trung tuần tháng 2/2022. Sang đầu tháng 3/2022, giá lợn hơi giảm còn 50.000-53.000 đồng/kg.

Trong khi đó, ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, mấy ngày trở lại đây, giá lợn hơi trên thị trường đang giảm, nhất là đối với những con có trọng lượng lớn, từ khoảng 130kg trở lên.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng phi mã: Nông dân còng lưng gánh lỗ - Ảnh 1.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá lợn hơi ở mức thấp, chăn nuôi nông hộ, nông trại gặp khó. (Trong ảnh: Công nhân chăm sóc lợn tại một nông trại ở Nam Định). Ảnh: P.V

Trong 2 tháng đầu năm, giá nguyên liệu sản xuất TĂCN thế giới tiếp tục tăng cao so với tháng 12/2021. Trong đó, giá dầu đậu tương tăng khoảng 22%, đậu tương tăng khoảng 21%, khô đậu tương tăng khoảng 16%, ngô tăng khoảng 9%.

Đơn cử như tại Đồng Nai, giá lợn hơi đối với những con có trọng lượng lớn trên 130kg/con có giá thấp nhất, chỉ 49.000 - 50.000 đồng/kg; loại 120kg có giá 50.000 - 53.000 đồng/kg; loại dưới 120.000 đồng/kg có giá 53.000 - 54.000 đồng/kg. Trong khi đó, sức mua tại các chợ tiêu thụ rất chậm.

Theo ông Đoán, mức giá này so với thời điểm các tỉnh miền Nam phải thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19 đã tăng đáng kể nhưng vẫn còn thấp so với chi phí người dân bỏ ra.

Nguyên nhân khiến giá lợn hơi không thể tăng cao hơn là do nhu cầu tiêu dùng vẫn thấp, trong khi một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn giảm giá lợn hơi và đưa ra mức chiết khấu tốt cho các thương lái, đơn vị duy trì mua đều hằng ngày.

"Với mức điều chỉnh giá thức ăn chăn nuôi lần này của các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, người chăn nuôi đã khó càng thêm khó. Với giá lợn hơi như hiện tại, tôi ước tính nông dân thua lỗ 300.000 - 400.000 đồng/tạ lợn hơi" - ông Đoán nói.

2 năm giá lợn hơi lên xuống thất thường, chăn nuôi nông hộ giảm 15 - 20%

Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, chăn nuôi đang chuyển dịch từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang chăn nuôi hộ có quy mô lớn hơn, tăng phát triển các mô hình trang trại, tập trung và hình thành các chuỗi giá trị chăn nuôi.

Năm 2011, cả nước có khoảng trên 4,13 triệu cơ sở chăn nuôi lợn thì đến năm 2020 chỉ còn khoảng 2 triệu cơ sở.

Trong 5 năm vừa qua, tỷ lệ chăn nuôi nông hộ giảm từ 5 - 7%/năm, riêng giai đoạn 2019 - 2021, cơ sở chăn nuôi quy mô nông hộ giảm 15 - 20%.

Hiện nay, sản lượng lợn sản xuất trong nông hộ nhỏ lẻ giảm còn 35 - 40%, sản lượng lợn sản xuất trong hộ chuyên nghiệp và trang trại chiếm 50 - 60%.

Đáng chú ý, năm 2021, tổng đàn lợn thuộc 16 doanh nghiệp và đơn vị chăn nuôi lợn quy mô lớn đạt 5,8 triệu con, chiếm 20,7% tổng đàn.

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), đây là sự phát triển tất yếu để hướng đến một nền chăn nuôi hiện đại, an toàn dịch bệnh.

Nhưng ở một góc độ nào đó, sự teo tóp của các nông hộ chăn nuôi cho thấy sự bấp bênh của thị trường đã khiến người chăn nuôi rơi rụng dần khỏi cuộc đua bởi không đủ lực, tổ chức sản xuất theo chuỗi còn yếu, thiếu bền vững.

Từ thực tế đó, Bộ NNPTNT đang chỉ đạo xây dựng ngành hàng thịt lợn theo các chuỗi liên kết, phấn đấu đến năm 2025 Việt Nam có 10 - 12 chuỗi sản xuất liên kết lớn.

Bộ NNPTNT đề nghị các địa phương trong bối cảnh ngành chăn nuôi chịu nhiều khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao cần tăng cường tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp song song với phòng dịch và duy trì phát triển chăn nuôi; chỉ đạo Sở NNPTNT chủ trì phối hợp với các cơ quan chuyên môn chuyển đổi nhanh diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây thức ăn chăn nuôi, trong đó có ngô.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem