Lâu nay nông dân muốn chứng minh phải dựa vào hệ thống chứng nhận, chi phí chứng minh quá lớn. Doanh nghiệp thấy thương tài trợ để bà con được huấn luyện, cấp chứng nhận lần đầu, nhưng đến khi tái chứng nhận thì tiền đâu? Nông dân “xếp de” vì không có tiền, không ai tài trợ, vì chịu áp lực hàng sạch nhưng chẳng có gì làm bằng chứng. “Mấy ông làm ăn lớn hơn, giả tỷ như khi mua vật tư đầu vào, giữa thế giới hàng thật, hàng giả lẫn lộn, chỉ cần đại lý ranh ma thì thông tin đầu vào tới nông dân đâu có đầy đủ, trung thực; làm sao tụi tui có thể tự chứng minh đầu ra đàng hoàng? Một cách lý sự quá quen của bà con mình”, ông Trung nói.
TS Lê Đặng Trung, giám đốc điều hành công ty Real-Time Analytics đã giải phóng nông dân khỏi việc ghi chép tiến trình bằng phần mềm chạy trên smartphone.
Đọc xong nghị định 55/2017/NĐ-CP mới ký hồi 9.5.2017 về việc quản lý nuôi chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra, người nuôi thương phẩm phải quản lý ao nuôi, đăng ký theo biểu mẫu, phụ lục… thử đặt mình là người nuôi cá, phải làm sao để hoàn thành thủ tục này, để có mã nhận diện? Nếu trơn tru, ít nhất phải đi tới hỏi cách làm thủ tục, nghe hướng dẫn, khi có mã nhận diện rồi phải gọi điện hỏi để chạy lên, phải tới lấy giấy tờ. Nếu còn mắc lỗi, lên không gặp cán bộ thì số lần đi lại nhiều hơn. Thời gian xã hội mất bao nhiêu cho việc chạy lên chạy xuống? TS Trung tự đặt mình vào tình huống của nông dân và cách xử lý của ông là định dạng với những form dễ dàng truy cập từ smartphone, điền vào chỗ trống những thông tin đầy đủ, chính xác, ký tên, nhấn nút hoàn thành và ngồi tại chỗ kính gởi cơ quan quản lý mà không phải chạy lên, chạy xuống.
Chỉ cần làm đúng các bước trong phần mềm hướng dẫn được cài đặt, không chỉ có địa chỉ ao nuôi mà kèm theo đó là hình ảnh, toạ độ, định vị rõ ràng, và nếu cơ quan quản lý ứng dụng công nghệ điện toán toàn bộ thì đã có chữ ký điện tử. Ngược lại, cơ quan quản lý không chấp nhận thư điện tử thì in ra, ký là xong.
Cách làm mới sẽ giảm chi phí và thời gian của xã hội thay vì làm theo cách cũ, nếu cán bộ tiếp nhận hồ sơ mẫn cán thì lượng thời gian cho thủ tục giấy tờ quá lớn vì phải rà soát, kiểm tra trong tình trạng thiếu database. Đối với doanh nghiệp khi mua hàng của nông dân sản xuất theo quy trình an toàn, dù được chứng nhận VietGAP, nhưng người mua vẫn có thể nghi ngờ, làm sao để chứng minh? RTA đã có phần mềm miễn phí cho nông dân, nông dân chỉ cần lưu lại hình ảnh vào những nội dung đã cài đặt, ví dụ xịt thuốc, bón phân gì, bao nhiêu… chỉ cần bỏ ra 2 giây chụp tên loại phân, điền số phân bón vừa rải, thuốc vừa sử dụng trên diện tích đó, lưu lại.
Muốn có lòng tin phải làm rõ tiến trình, VietGAP, GlobalGAP yêu cầu ghi chép, nhưng ghi chỉ để đó. Cách làm mới là phân tích mỗi tiến trình sản xuất sau khi được ghi chép đầy đủ. Thông tin đó được tính toán xử lý bằng phần mềm trí tuệ nhân tạo, giúp nông dân nhận ngay điều phù hợp hay không và cách nào phù hợp hơn, có lợi hơn, dễ gây chú ý trên thị trường và làm sao tối ưu hoá lợi nhuận… TS Trung nói tiếp: “Ba mẹ nói Trung à, con ăn học rồi bây giờ giúp ba mẹ trồng cây nào, nuôi con gì cho hợp thị trường, giúp ba mẹ tự chứng minh… Cũng như nhiều nông dân khác, biết nhu cầu thị trường càng ít ba mẹ mình càng khó tiếp cận; ngược lại càng ít tiếp cận thì càng bị thiệt thòi, ngay cả khi làm sản phẩm sạch vẫn khó bán với giá bù đắp tương đương công sức. Không thể chuyển tải được thông tin xác thực theo thời gian, nên người mua nhìn mọi thứ như nhau, không có gì khác biệt, còn người bán không biết phải làm sao!?”
“Chắc chắn mình bỏ nhiều thời gian tìm kiếm thông tin cho ba mẹ, nhưng giá trị thực của những thông tin tới mức độ nào, ở đâu?”, TS Trung nói.
Vì vậy, công nghệ điện toán đám mây, internet kết nối vạn vật và tạo một thư viện “big data”, ứng dụng cảm ứng đặc biệt cho nông nghiệp là ý tưởng được ấp ủ suốt từ thời còn là nghiên cứu sinh, làm việc ở Copenhagen, Đan Mạch. Nếu kể thời gian ròng rã “ngày đàng” sang châu Phi, châu Á, lặng lẽ nghiên cứu, trải nghiệm, so sánh cách làm mô hình thống kê, ứng dụng kiến thức kinh tế học trên một thập niên… Cuối cùng TS Trung chọn nền tảng khoa học thống kê hiện đại ứng dụng vào quản lý quy trình, quản lý khảo sát, điều tra thực địa, biến kiến thức hàn lâm thành hữu ích, làm cho ý tưởng có chất “đời” để khởi nghiệp, đã đưa ông tới gần nông nghiệp từ hồi nào…
Hoàng Lan (Thế Giới Tiếp Thị)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.