Công nghệ số giúp 'chính xác hóa' ngành chăn nuôi đến mức độ nào?
Công nghệ số giúp 'chính xác hóa' ngành chăn nuôi đến mức độ nào?
K.Nguyên
Thứ sáu, ngày 06/10/2023 20:20 PM (GMT+7)
Theo các chuyên gia, chuyển đổi số dần trở thành một động lực chuyển đổi chính trong ngành chăn nuôi, giúp tái định hình các mô hình chăn nuôi truyền thống và tạo ra những cơ hội tăng trưởng theo hướng bền vững nhờ áp dụng mô hình chăn nuôi tuần hoàn.
Công nghệ hỗ trợ người chăn nuôi giám sát, chăm sóc vật nuôi
Theo bà Lê Hải Yến, đại diện Công ty Cổ phần GREENFEED Việt Nam, trong những năm gần đây, chuyển đổi số dần trở thành một động lực chuyển đổi chính trong ngành chăn nuôi, giúp tái định hình các mô hình chăn nuôi truyền thống và tạo ra những cơ hội tăng trưởng theo hướng bền vững.
Tại Việt Nam, chuyển đổi số trong chăn nuôi chủ yếu diễn ra với việc thích ứng công nghệ chăn nuôi chính xác. Cảm biến, thiết bị đeo và công nghệ IoT được triển khai giúp giám sát và theo dõi sức khoẻ, phúc lợi của vật nuôi.
Các thông tin này cho phép người chăn nuôi phát hiện sớm bệnh tật, tối ưu quy trình dinh dưỡng và đảm bảo sức khoẻ toàn diện cũng như năng suất của đàn vật nuôi. Các hệ thống cho ăn tự động có thể kiểm soát chính xác khẩu phần dinh dưỡng của vật nuôi, đảm bảo vật nuôi hấp thụ đúng nguồn dinh dưỡng với mức độ cần thiết.
Thông qua việc thu thập và phân tích dữ liệu từ nhiều nguồn, bao gồm cảm biến, dự báo thời tiết và xu hướng thị trường, người chăn nuôi có thể hình thành các lựa chọn về phối giống, phòng ngừa dịch bệnh và thời điểm trên thị trường.
"Chuyển đổi số cũng góp phần nâng cao phúc lợi động vật. Các hệ thống tự động giúp giám sát các điều kiện chuồng nuôi, giúp đảm bảo sự thoải mái và sức khoẻ vật nuôi. Điều này không chỉ quan trọng về đạo đức, mà còn giúp nâng cao chất lượng sản phẩm chăn nuôi", bà Yến nhấn mạnh.
Theo TS. Sử Thanh Long, Khoa Thú y (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), việc tích hợp các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào thực hành chăn nuôi tuần hoàn giúp hướng tới mục tiêu bền vững, hiệu quả và đổi mới trong ngành nông nghiệp.
Các công nghệ như Internet vạn vật (IoT), cảm biến và hệ thống giám sát thời gian thực, cho phép “chính xác hoá” ngành chăn nuôi.
Công nghệ 4.0 hỗ trợ việc minh bạch hoá và tính thương mại của các chuỗi giá trị, cho phép người tiêu dùng xác nhận tính bền vững và nguồn gốc của các sản phẩm chăn nuôi. Điều này giúp xây dựng niềm tin của người tiêu dùng và khuyến khích thực hành chăn nuôi tuần hoàn để tạo ra các sản phẩm chăn nuôi bền vững.
Mỗi năm ngành chăn nuôi Việt Nam tạo ra khoảng 386 triệu tấn chất thải (trong đó, 62,2 triệu tấn chất thải rắn, 323,5 triệu tấn chất thải lỏng) nhưng các công nghệ, kỹ thuật chăn nuôi hiện nay phần lớn chỉ chú trọng vào nâng cao lợi nhuận, chưa hướng tới bảo vệ môi trường và phát triển chăn nuôi bền vững.
Do vậy, theo ông Long, phát triển nhân lực đóng vai trò nền tảng cho sự thành công của quá trình chuyển đổi sang chăn nuôi tuần hoàn. Các chương trình giáo dục và đào tạo có thể trao quyền cho người chăn nuôi bằng kiến thức và kỹ năng cần thiết để thực hiện các quy trình tuần hoàn một cách hiệu quả.
Chăn nuôi tuần hoàn là xu hướng tất yếu
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị khoa học Chăn nuôi - Thú y toàn quốc (lần thứ V), chủ đề: Chăn nuôi tuần hoàn trong kỷ nguyên số do Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức từ ngày 5-7/10, GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam khẳng định, ngành chăn nuôi đã và đang góp phần quan trọng vào an ninh dinh dưỡng quốc gia, tạo sinh kế gần 10 triệu hộ gia đình trên cả nước, với đóng góp hơn 25% vào GDP nông nghiệp.
Trong những năm qua, bất chấp những thách thức đến từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, dịch bệnh, ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn đạt được một số thành tựu và bước tiến quan trọng. Năm 2022 giá trị toàn ngành chăn nuôi ước tính đạt 23,7 tỷ USD (tăng 5,93%).
Trong 6 tháng đầu năm 2023, chăn nuôi gia súc, gia cầm tiếp tục phát triển ổn định, đàn gia súc, gia cầm được duy trì và phát triển, đảm bảo được nguồn cung thực phẩm cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi vẫn đạt 3,14%.
"Đặc biệt, ngành thú y đã có những đóng góp vô cùng quan trọng bảo vệ sức khỏe động vật, đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi thông quan các chương trình một sức khoẻ, phòng chống dịch bệnh, chẩn đoán, điều trị, kiểm tra an toàn thực phẩm... Những năm gần đây, đi đôi với các hậu quả của biến đổi khí hậu, dịch bệnh của đàn gia súc, gia cầm diễn biến hết sức phức tạp, ngành Thú y Việt Nam đã xây dựng được chiến lược phòng trừ dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái nổi và đặc biệt là các bệnh truyền lây giữa người và động vật một cách bài bản và có khả năng thực thi cao tại thực địa", GS.TS Nguyễn Thị Lan khẳng định.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định những bước tiến của ngành chăn nuôi, thú y. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi Việt Nam đang gặp nhiều vấn đề trong việc xử lý chất thải trong chăn nuôi. Do vậy, chăn nuôi theo hướng khép kín, hữu cơ, tuần hoàn là một đòi hỏi tất yếu. Tuần hoàn từ giống, thức ăn dinh dưỡng, quy trình nuôi dưỡng, thú y phòng bệnh, cho đến vận chuyển sơ chế, chế biến giết mổ, bày bán đều phải được triển khai một cách chặt chẽ.
Bộ NNPTNT là một thành viên trong Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26. Bộ cũng đã và đang làm việc với các tổ chức quốc tế để tiếp tục triển khai những mô hình giảm phát thải. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, cần phải triển khai, nhân rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi khép kín, tuần hoàn, hữu cơ.
Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Thị Lan cho rằng, phát triển chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn là việc triển khai các loại hình, phương thức, công nghệ chăn nuôi gắn với giảm tiêu hao nguyên liệu đầu vào, hạn chế phát thải đầu ra, xử lý tối ưu chất thải chăn nuôi làm đầu vào cho trồng trọt, thủy sản và lâm nghiệp.
Đây là hướng đi chủ đạo để ngành chăn nuôi Việt Nam phát triển bền vững thời gian tới, nhất là trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, nguồn tài nguyên dần hạn hẹp và nguy cơ ô nhiễm môi trường chăn nuôi vẫn hiện hữu. Thực tế đã chứng minh rằng nhiều địa phương đã thành công trong việc áp dụng mô hình chăn nuôi tuần hoàn 4F (Feed, Farm, Food, Fertilizer).
Được biết, Hội nghị Chăn nuôi – Thú y toàn quốc là diễn đàn khoa học công nghệ để các nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu sinh từ các trường Đại học, Viện nghiên cứu; các nhà quản lý về chăn nuôi thú y; các công ty, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi thú y; bà con chăn nuôi; các Hiệp hội liên quan trình bày, chia sẻ, trao đổi các kết quả, thành tựu nghiên cứu mới nhất, đồng thời thảo luận các ý tưởng nghiên cứu mới, chuyên sâu. Nhằm hướng đến sự phát triển lâu dài, bền vững cho ngành chăn nuôi và ngành thú y tại Việt Nam.
Hội nghị lần này có tổng số 179 công trình khoa học, trong đó có 124 công trình khoa học được đăng tải trên kỷ yếu toàn văn và 55 bài báo đăng trên các tạp chí.
Các chủ đề chính được trao đổi trong Hội nghị gồm: Khoa học công nghệ về lợn; khoa học công nghệ về gia cầm; Khoa học công nghệ về gia súc nhai lại; Khoa học công nghệ về thú cưng; Khoa học công nghệ về môi trường và chất thải; Khoa học công nghệ về chế biến bảo quản sản phẩm chăn nuôi; Phúc lợi động vật và đạo đức trong nghiên cứu vật nuôi; Bệnh truyền lây giữa người và động vật; Đào tạo ngành Chăn nuôi – Thú y trong bối cảnh hội nhập.
Nhằm nâng cao năng lực giáo dục đại học và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực chăn nuôi tại Việt Nam; Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc KOICA đã hỗ trợ Học viện Nông nghiệp VIệt Nam thực hiện dự án "Chương trình nâng cao năng lực đào tạo cho Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhằm nâng cao nguồn nhân lực ngành chăn nuôi Việt Nam. Dự án sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc đầu tư thông qua KOICA. Cơ quan chủ quản dự án là Bộ NNPTNT. Dự án có thời gian thực hiện từ năm 2021 - 2030 với tổng vốn ODA từ Chính phủ Hàn Quốc là 12,7 triệu đô la. Lễ khởi động dự án được Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Văn phòng đại diện tổ chức vào ngày 4/10/2023.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.