Báo cáo tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm tại kỳ họp trực tuyến với Chính phủ ngày 2.7, Bộ KHĐT cho biết tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt hơn 7%. Đây là mức cao nhất của 6 tháng từ năm 2011 trở lại đây, tạo đà thuận lợi để đạt mục tiêu cả năm 2018 là 6,7% đã đề ra.
Trong đó, động lực chủ yếu đóng góp vào tăng trưởng chung là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, với mức tăng 13%.
Tính đến ngày 20.6, tín dụng tăng trưởng tốt từ đầu năm, đạt 6,35%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng ước đạt 3,3%, vẫn nằm trong tầm kiểm soát so với mục tiêu phấn đấu là dưới 4%.
Thu ngân sách nhà nước ở mức khá, ước đạt gần 652.000 tỷ đồng; bằng 49,4% dự toán và tăng 14,3% so với cùng kỳ. Chi ngân sách nhà nước ước đạt trên 649.000 tỷ đồng, bằng 42,6% dự toán năm.
Động lực chủ yếu đóng góp vào tăng trưởng chung là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, với mức tăng 13%. Ảnh: JICA
Phát triển kinh tế tư nhân
Nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương; tốc độ giải ngân vốn đầu tư công đã được cải thiện rõ nét. Tính đến hết tháng 6, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước đạt 33,8% kế hoạch vốn đã giao; cao hơn so cùng kỳ năm 2017 (29,6%).
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt trên 747.000 tỷ đồng, bằng 32,9% GDP và tăng 10,1% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhất (41,3%) và có mức tăng cao nhất (17,5%).
Bộ KHĐT đánh giá những con số này phản ánh sự đúng đắn và đi vào cuộc sống của chủ trương phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào vào tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế và công cuộc phòng, chống tham nhũng tiếp tục được củng cố.
Nhờ đó, các chỉ số về đầu tư nước ngoài và phát triển doanh nghiệp vẫn tăng tích cực. Tính đến ngày 20.6, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký (bao gồm FDI) ước đạt 20,33 tỷ USD (tăng 5,7% so cùng kỳ). Giải ngân vốn FDI ước đạt 8,37 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ.
Trong đó có các dự án trị giá trên 1 tỷ USD đáng chú ý như: thành phố thông minh của Nhật Bản đầu tư tại Hà Nội (hơn 4 tỷ USD); nhà máy sản xuất chất dẻo PP và kho chứa LPG của Hàn Quốc tại Bà Rịa - Vũng Tàu (1,2 tỷ USD); dự án LAGUNA của Singapore tại Thừa Thiên Huế tăng vốn đầu tư thêm 1,12 tỷ USD...
6 tháng đầu năm, kinh tế tăng trưởng tích cực. Ảnh: Nguyên Vỹ
6 tháng đầu năm, cả nước có trên 64.500 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký đạt gần 649.000 tỷ đồng; tăng 5,3% về số doanh nghiệp và tăng 8,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.
Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong tháng 6 ước đạt 10,8 tỷ đồng, tăng 5,13% so với cùng kỳ. Những tín hiệu này cho thấy đã có sự dịch chuyển về chất và quy mô của doanh nghiệp.
Sản xuất công nghiệp vẫn giữ được mức tăng trưởng khá. Tính chung 6 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng khoảng 10,5% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7%). Trong đó, vị trí dẫn đầu vẫn là công nghiệp chế biến, chế tạo tăng khoảng 12,7% (cùng kỳ tăng 9,7%).
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 6 tháng ước đạt hơn 225 tỷ USD; tăng 13% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 114 tỷ USD, tăng 16%; nhập khẩu ước đạt 111 tỷ USD, tăng 10%. Cán cân thương mại 6 tháng duy trì xuất siêu, khoảng 2,7 tỷ USD, bằng 2,37% kim ngạch xuất khẩu. |
Những thách thức cuối năm
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt đạt được, Bộ KHĐT cũng chỉ ra một số tồn tại cần được quan tâm để tiếp tục đảm bảo thực hiện các mục tiêu đã đề ra.
Trước hết, mô hình tốc độ tăng GDP năm 2018 có xu hướng giảm dần; từ 7,45% của quý 1 đã giảm xuống còn 6,9% ở quý 2 và 7% của 6 tháng. Bộ KHĐT cho rằng để đạt được mục tiêu kịch bản tăng trưởng đề ra 6,7% cần có sự nỗ lực hơn nữa, cố gắng đạt khoảng 6,5% vào quý 3 và 6,4% vào quý 4.
Nhân tố tạo động lực tăng trưởng chủ yếu của năm 2017 là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với sự đóng góp của Samsung và Formosa trong 2 quý cuối năm. Đến quý 2 năm nay, nhà máy Formosa đã đưa lò cao số 2 vào hoạt động cho nên yếu tố đột phá của các quý cuối năm 2018 chưa rõ ràng. Dự án lọc dầu Nghi Sơn được nhắc đến để tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn đi vào hoạt động.
Lạm phát tuy vẫn trong tầm kiểm soát nhưng liên tiếp hai tháng 5 và 6, chỉ số CPI tăng mạnh so với tháng trước đó; tháng 5 là 0,55%, tháng 6 là 0,61%. Đây là mức tăng cao, ảnh hưởng đến việc kiểm soát mục tiêu CPI bình quân cả năm dưới 4%.
Nhiều chuyên gia cảnh dự báo tình hình kinh tế, thương mại thế giới 6 tháng cuối năm có dấu hiệu tăng chậm lại. Kinh tế thế giới sẽ không duy trì được đà tăng trưởng khá vào năm 2019 và tác động rất lớn đối với các nước đang phát triển, nước có xuất khẩu lớn, trong đó có Việt Nam.
Do vậy, Bộ KHĐT đề nghị việc dự phòng trước các phương án để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và mức tăng trưởng kinh tế hợp lý là rất cần thiết. Trong đó, tập trung đẩy nhanh cơ cấu lại nền kinh tế; phát triển về chất lượng trong tất cả các ngành, lĩnh vực; qua đó tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động khó lường của kinh tế và thương mại thế giới.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.