Công nhận Taliban - bài toán nan giải

Đại sứ Trần Đức Mậu Thứ sáu, ngày 27/08/2021 08:50 AM (GMT+7)
Việc hiện chưa được để ý đến nhiều nhưng rồi sớm muộn cũng sẽ trở thành chuyện thời sự là các nước bên ngoài sẽ xử lý vấn đề công nhận hay không công nhận chính thể mới ở Afghanistan của Taliban ra sao.
Bình luận 0
Công nhận Taliban - bài toán nan giải - Ảnh 1.

Lực lượng Taliban ở thủ đô Kabul.

Sau khi phe Taliban kiểm soát được cả thủ đô Kabul ở Afghanistan, thế giới bên ngoài trước mắt để tâm đến hai chuyện là Mỹ và đồng minh di tản công dân của họ và những người Afghanistan làm việc cho họ ra khỏi Afghanistan như thế nào, có được an toàn và thuận lợi không cũng như có bị phía Taliban cản trở hay không và huyện tìm hiểu để nhận biết Taliban vào thời điểm năm 2021 vẫn như hồi cách đây 20 đến 25 năm hay đã có những thay đổi cơ bản.

Việc hiện chưa được để ý đến nhiều nhưng rồi sớm muộn cũng sẽ trở thành chuyện thời sự là các nước bên ngoài sẽ xử lý vấn đề công nhận hay không công nhận chính thể mới ở Afghanistan của Taliban ra sao.

Khác so với lần Taliban công chiến thủ đô Kabul năm 1996, Taliban vừa rồi chiếm được thủ đô này không bằng tấn công quân sự. Taliban không lật đổ chính quyền đương nhiệm ở Afghanistan như hồi năm 1996 và lên nắm quyền sau khi chính quyền và quân đội Afghanistan tan rã. Giành quyền bính quốc gia theo cách không bạo lực và không đổ máu là một trong những tiêu chí có ý nghĩa rất quyết định đối với bên ngoài khi xem xét việc công nhận hay không công nhận chính thể Taliban tới đây ở Afghanistan.

Trong những tuyên bố và phát ngôn chính trị đầu tiên sau khi kiểm soát Kabul, đại diện Taliban cho biết sẽ thành lập thể chế nhà nước Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan như hồi năm 1996 cho tới khi bị lật đồ vào năm 2001. Tabiban không đưa ra cam kết đảm bảo mọi tiêu chí về dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền như Mỹ và Phương Tây coi là tiêu chuẩn nhưng cũng có một số quan điểm cởi mở hơn theo hướng hoà hữu với bên ngoài và hoà giải dân tộc ở bên trong. Hiện tại, thế giới hoài nghi nhiều hơn là tin tưởng rằng Taliban đã thay đổi bản chất và định hướng cầm quyền sau 20 năm bị mất quyền.

Khi xưa, chính thể Taliban chỉ được có 3 nước công nhận về ngoại giao là Pakistan, Ả rập Xê út và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất. Trong suốt thời gian Taliban cầm quyền ở Afghanistan (1996-2001), ghế của Afghanistan ở LHQ được dành cho phe đối lập với Taliban. Sau khi chính thể của Taliban bị lật đổ và chính quyền mới được thành lập ở Afghanistan, việc công nhận chính quyền mới này ở Afghanistan không thành vấn đề nan giải đối với thế giới bên ngoài bởi chính quyền mới này tương thích với thế giới hiện đại và Taliban khi ấy không còn kiểm soát và quản lý đất nước trên thực tế. 

Bây giờ thì lại khác bởi việc công nhận chính thể mới của Taliban ở Afghanistan không còn là vấn đề pháp lý quốc tế nữa mà là vấn để chính trị mà đã là chuyện chính trị thì luôn có thể giải quyết được. Câu hỏi để ngỏ chỉ còn về thời điểm và điều kiện.

Về thời điểm, chắc chắn tất cả các nước bên ngoài, kể cả 3 nước hồi 1996-2001 đã công nhận  chính thể Taliban ở Afghanistan, đều sẽ không vội vàng. Nato cho biết Nato và Pakistan nhất trí không công nhận ngay chính thể mới của Taliban ở Afghanistan. Trung Quốc và Nga, Ấn Độ và Iran, Tajikistan và Uzbekistan đều mới chỉ ngỏ ý sẵn sàng quan hệ với Taliban hoặc tiếp tục quan hệ với Taliban chứ vẫn lảng tránh chuyện công nhận Taliban. Trên danh nghĩa chính thức, Nga vẫn coi Taliban là một tổ chức khủng bố. Những nước này có lo ngại sâu sắc và chính đáng về nguy cơ an ninh từ Afghanistan dưới thời Taliban, cụ thể như dòng người tỵ nạn, các lực lượng Hồi giáo cực đoan và thậm chí cả chính sách tới đây của Taliban đối với họ. Nhưng nhìn chung họ có thể đều dễ dàng công nhận chính thể của Taliban ở Afghanistan hơn các nước khác.

Mỹ, EU và các nước Phương Tây sẽ tuỳ thuộc vào Taliban thực thi chính sách như thế nào về dân chủ, nhân quyền, nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự cũng như Taliban như thế nào trên phương diện chủ nghĩa khủng bố để quyết định công nhận hay không công nhận Taliban cũng như nếu công nhận thì khi nào. Chắc chắn các bên này sẽ tìm kiếm sự thống nhất quan điểm và phối hợp hành động trong chuyện công nhận hay không công nhận Taliban, thời điểm và cách thức công nhận Taliban ở Afghanistan.

Những quốc gia Hồi giáo bị đẩy vào tình thế khó xử bởi trong chuyện này vừa phải hoá giải áp lực đối nội lại vừa phải lựa chiều thái độ của các đối tác bên ngoài, đặc biệt là Mỹ và Phương Tây. Vì thế, các quốc gia này giống như tất cả các nước còn lại đều sẽ chơi con bài thời gian, đều hiện không phê trách Taliban, tránh biểu lộ thiếu thiện chí với Taliban và chỉ công nhận Taliban khi thấy việc đó có lợi thiết thực cho họ.

Cũng vì triển vọng nói trên mà ghế của Afghanistan tại LHQ sẽ còn bị bỏ trống thời gian không ngắn. Khác so với ở vào thời trước, Taliban bây giờ không thể không cần và phải tìm kiếm sự công nhận của thế giới bên ngoài. Taliban sẽ chủ ý tạo hình ảnh là đã khác trước để có được sự công nhận kia. Để đạt được sự công nhận này, Taliban phải thay đổi và phải thích ứng với thế giới hiện đại hoặc phải biết diễn rất sâu trong thời gian dài.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem