Công nhiên múc cát dưới chân cầu Vàm Cống

Gia Tưởng – Hữu Danh Chủ nhật, ngày 13/03/2016 19:00 PM (GMT+7)
“Sát chân cầu Vàm Cống, gần chục chiếc xáng cạp trang bị gàu lớn từ 5 - 6m3 suốt ngày suốt đêm thọc gàu xuống lòng sông công nhiên múc cát. Nếu việc này kéo dài, cây cầu chắc chắn bị ảnh hưởng”, một kỹ sư thi công cầu Vàm Cống gọi điện cho đường dây nóng Báo danviet.vn thông báo...
Bình luận 0

Cát rẻ nhất Việt Nam!

Dự án cầu Vàm Cống được khởi công vào năm 2013, bắc qua sông Hậu, nối liền 2 tỉnh Đồng Tháp và Cần Thơ, dự kiến hoàn thành vào năm 2017. Tổng mức đầu tư của dự án là 270 triệu USD (khoảng 6.000 tỷ đồng) từ nguồn ODA chính phủ Hàn Quốc.

Để bảo vệ cây cầu trọng yếu này, chính quyền Đồng Tháp - Cần Thơ và tỉnh giáp ranh An Giang đã cấm tuyệt đối việc khai thác cát xung quanh dự án. Thế nhưng, cây cầu này lại nằm kề 3 mỏ cát đen trữ lượng hàng triệu mét khối đã biến cả khu vực này thành “sa trường” của cát tặc.

img

Một xáng cạp đang múc cát bên ngoài mỏ cát Định Yên vào chiều 10.3 (vào thời điểm này, ngay cả mỏ cát Định Yên cũng đã hết hạn khai thác).

Điều lạ là, việc khai thác này diễn ra ngày đêm, phương tiện múc cát còn lớn hơn phương tiện tham gia thi công cầu Vàm Cống khi các xáng cạp dùng gàu “khủng” loại 5 - 6m3, và các sà lan lấy cát cũng có tải trọng trên dưới 1.000 tấn. Bất kể đêm ngày, hàng chục sà lan cứ “xếp tài” xung quanh các xáng cạp để chờ tới lượt nhận cát.

Theo chân một thầu xây dựng đi mua cát tại đây nhiều ngày, chúng tôi được biết giá cát mà các chủ xáng cạp bán ra chỉ có 18.000 đồng/m3, trong khi các khu vực khác là 22.000 - 23.000 đồng/m3. “Ai cũng có lời hết. Các công trình nhà nước hiện nay đơn giá cát san lấp khoảng 70.000 - 80.000 đồng/m3, trong khi tiền công múc cát ngay tại mỏ là 7.000 đồng/m3, bán ra 18.000 đồng/m3. Giá cát ở đây là rẻ nhất Việt Nam, vì trữ lượng lớn mà không phải đóng thuế cho nhà nước”, một thầu xây dựng cho biết.

img

Một xáng cạp khác múc cát dưới đường dây 500kv vào ngày 10.3.

Theo khảo sát của chúng tôi, giá cát san lấp bán tại các mỏ có giấy phép như An Lạc (Cần Thơ) và Định An (Đồng Tháp) được xem là rẻ nhất hiện nay cũng vào khoảng 23.000/m3; tại Đồng Nai và các tỉnh miền Đông, giá cát khoảng 30.000 đồng/m3. Do đó, cát mà các xáng cạp đang công nhiên múc và bán ngay khu vực cầu Vàm Cống có thể coi là rẻ nhất Việt Nam hiện nay.

Xem thường lệnh cấm

Một kỹ sư xây dựng đang làm việc tại dự án cầu Vàm Cống cho biết, ban ngày, có khoảng 6 chiếc xáng cạp hoạt động phía hạ lưu cầu, từ đầu cồn Tân Lộc (phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, Cần Thơ) kéo dài đến đường dây 500Kv băng ngang cồn Tân Lộc. Trong khi đó, 4 - 5 chiếc xáng khác thì đậu cách các chân cầu khoảng 2km, đợi trời sập tối là nổ máy ra giữa sông, gần sát trụ cầu và vô tư cạp cát đến sáng thì nghỉ.

Liên tục từ ngày 9.3 đến 13.3, nhóm phóng viên đã tự đưa phương tiện đi khắp khu vực này và thấy việc mua bán cát ở đây hết sức thoải mái, chẳng ai phải dè chừng ai. Chúng tôi đã ghi hình các xáng cạp đang công nhiên múc cát tại đây. Theo đó, biển kiểm soát của các phương tiện chủ yếu đến từ Long An, TP.HCM và Cần Thơ. Một số phương tiện đang hoạt động tại đây chúng tôi không tìm thấy biển kiểm soát.

Ngày 13.3, trao đổi với PV Báo danviet.vn, ông Võ Thành Thống - Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết: “Xung quanh khu vực dự án cầu Vàm Cống, Cần Thơ không cho một phương tiện nào khai thác cát. Do đó, khai thác ban đêm là lậu mà ban ngày cũng là lậu vì chúng tôi không cho phép. Tôi sẽ chỉ đạo UBND quận Thốt Nốt kiểm tra ngay việc này”.

img

Chiếc sà lan chở khẳm cát và chiếc xáng cạp đậu sát trụ cầu Vàm Cống đang xây dựng.

Ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cũng cho biết, khu vực sông Tiền và sông Hậu, từ năm 2013 Tỉnh đã công bố 6 khu vực cấm khai thác cát. Cụ thể, khu vực  bị cấm trên sông Tiền gồm đoạn từ biên giới Việt Nam - Campuchia về hạ lưu dài 350m, đoạn bến phà Thường Phước, huyện Hồng Ngự qua Tân Châu (An Giang) dài hơn 3 km, đoạn chảy qua trung tâm thị xã Hồng Ngự dài hơn 3,5 km, đoạn chảy qua khu vực cảng Đồng Tháp dài hơn 1,5 km, đoạn chảy qua địa bàn thành phố Cao Lãnh và bến phà Cao Lãnh dài hơn 3 km; đoạn cấm trên khu vực trên sông Hậu gồm đoạn chảy qua cầu Vàm Cống, huyện Lấp Vò dài hơn 3 km.

“Khu vực sát cầu Vàm Cống là khu vực cấm tuyệt đối khai thác cát. Địa bàn Đồng Tháp từ trước tới nay nếu có cấp phép cũng chỉ cho khai thác ban ngày, không cấp phép ban đêm. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra ngay”, ông Hùng nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, bên ngoài khu vực cấm, Đồng Tháp có cấp phép cho Công ty TNHH Định Thành, được khai thác cát ở mỏ cát Định Yên (huyện Lấp Vò) với trữ lượng khai thác gần 1,3 triệu m3. Tuy nhiên, giấy phép gia hạn cho công ty này khai thác cũng đã hết hạn từ ngày 10.3.2016.

Ông Vương Bình Thạnh - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang khẳng định: “Phía thượng nguồn cầu Vàm Cống là khu vực cấm tuyệt đối việc khai thác cát. Ở những nơi được cấp phép cũng không có chuyện cho khai thác vào ban đêm”.

Trước tình trạng các xáng cạp công nhiên múc cát phía hạ lưu cầu Vàm Cống, chúng tôi đã liên lạc với ông Nguyễn Đình Viễn - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long (đơn vị thi công) để có thêm thông tin. Tuy nhiên, sau khi nghe phóng viên trình bày, ông Viễn chỉ nói ngắn gọn: “Có chốt công an gần đó, anh báo cho họ biết”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem