Có lẽ ai cũng nhớ, khi bầu Đức giới thiệu lứa cầu thủ đầu tiên của Học viện HAGL – Arsenal ra công chúng, điều ông mong muốn là họ sẽ là “thế hệ vàng” mới của bóng đá Việt Nam. Mục tiêu cũng được bầu Đức nói rõ: Năm 2017 sẽ "lấy HCV SEA Games".
Dù cách nói chuyện của bầu Đức có gây sốc thế nào đi nữa, mong ước của ông rất đỗi bình thường. Bất kỳ ông bầu bóng đá nào cũng sẽ nghĩ như ông bởi ai cũng muốn các cầu thủ của mình sẽ trở thành ngôi sao, đóng góp nhiều cho các đội tuyển quốc gia. Không phải tự dưng mà bầu Đức đầu tư tiền của cho U19 đi tập huấn châu Âu, đấy là cách để chuẩn bị cho tương lai chứ không chỉ cho các giải U19. Thậm chí, việc ông đôn họ lên V.League cũng thế bởi đấy là lý do thích hợp nhất để bảo đảm các cầu thủ của ông đủ tiêu chuẩn mặc chiếc áo đỏ lên người.
Công Phượng và Tuấn Anh chuẩn bị sang Nhật Bản thi đấu.
Giờ thì sao, Công Phượng và Tuấn Anh có thể sang Nhật thi đấu. Đây chỉ mới là 2 người, nếu có cơ hội thì có lẽ bầu Đức sẽ đưa cả dàn U19 ra nước ngoài. Không ai phải ở lại Việt Nam cả. Vì sao?
Đơn giản, ở lại để làm gì?
Cũng không khác mấy cuộc tranh luận về vấn đề các du học sinh khi ra nước ngoài tu nghiệp thường ít quay về Việt Nam làm việc, câu chuyện về Công Phượng, Tuấn Anh cũng vậy. Hãy thử nghĩ xem, đích đến của mọi cầu thủ có tài năng là gì nếu không phải là cống hiến cho đội tuyển quốc gia. Đỉnh cao như Messi, Ronaldo luôn thèm muốn được đá cho đội tuyển dù ở môi trường đó, họ hầu như chẳng có gì cho riêng mình. Ngạo mạn như Ibrahimovic, cũng chưa từng làm cao khi về đá cho Thụy Điển. Thế nhưng, tại Việt Nam, hãy xem kế hoạch tập luyện của các đội tuyển trong năm 2016 sẽ thấy các tài năng đang bị đối xử ra sao: Cả năm đá chưa đến chục trận, theo kiểu làm nghĩa vụ quốc gia chứ không có lấy được 2-3 trận giao hữu có đẳng cấp cao để họ thể hiện mình với thế giới.
Câu hỏi đặt ra: Chúng ta cần những thế hệ vàng để làm gì? Thành lập đội U23 để làm gì khi mà từ V.League cho đến cấp độ đội tuyển đều luôn trong tình trạng nghỉ nhiều hơn đá. Nhà nghèo thì phải chăm học, đội yếu thì phải thường xuyên cọ xát, tích lũy thì mới mạnh được, đằng này với bóng đá Việt Nam, tất cả chỉ dồn vào thời điểm diễn ra các trận đấu chính thức. Cứ như thể người ta chỉ cần cầu thủ phấn đấu cả năm chỉ để làm cho xong một vài việc phải làm, kết quả ra sao, thì ông Miura gánh hết.
Kiểu lên kế hoạch của bóng đá Việt Nam, nói xin lỗi, cấp 1 cũng làm được. Nó không có một chút chuyên môn nào. Không thời điểm tích lũy. Không điểm rơi phong độ. Không có cả những bước chuẩn bị cần thiết cho các trận đấu. Ví dụ, trước khi đá AFF Cup thì tập huấn nước ngoài là ở đâu? Đá với các đội Đông Nam Á không lẽ đưa sang Nhật hay châu Âu để tập hoặc đá giao hữu với các ông "Tây"? Thử hỏi, một giải đấu đã biết rõ đối thủ như vậy mà khi lên kế hoạch người ta còn không thể chi tiết quá trình chuẩn bị thì các bộ phân mang tính chuyên môn của VFF lập ra để làm gì?
Hãy giả sử: Công Phượng, Tuấn Anh sang Nhật chơi tốt, họ nên ở lại đó đá luôn, đừng về nữa. Hãy học cho thành tài, có được đẳng cấp cao, đợi khi nào tại Việt Nam có những kế hoạch nghiêm túc và mang dấu ấn đẳng cấp hơn thì hãy về phục vụ. Còn với những gì mà VFF chuẩn bị cho các đội tuyển trong năm 2016, học cho giỏi rồi về để làm gì?
Hồ Việt (Báo Sài Gòn Giải Phóng)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.