Công trình Panorama Mã Pì Lèng: Thống nhất không phá dỡ, cải tạo thành điểm dừng chân

Huy Hoàng Thứ sáu, ngày 13/03/2020 18:06 PM (GMT+7)
Ông Trần Đức Quý – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, công trình kiến trúc Panorama Mã Pì Lèng sẽ được cải tạo với 3 tiêu chí, chỉ là điểm dừng chân mà không có phòng nghỉ qua đêm cho khách.
Bình luận 0

Ngày 12/3/2020, UBND tỉnh Hà Giang chủ trì hội nghị tư vấn xin ý kiến về phương án cải tạo công trình Panorama Mã Pì Lèng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang với sự tham gia của ông Trần Đình Thành – Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTTDL); ông Mai Tiến Dũng - Tổng thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam; ông Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam; PGS. TS Đặng Ngọc Khánh – Phó Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích; Kiến trúc sư Trần Đức Hợp và đại diện các cơ quan ban ngành...

img

Tại hội nghị, chủ đầu tư đã trình bày các phương án cải tạo công trình Panorama tại hẻm Tu Sản Mã Pì Lèng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Theo đó, chủ đầu tư đề xuất phần công trình trên cốt mặt đường giữ lại toàn bộ kết cấu, chỉ thay đổi vật liệu hoàn thiện cho phù hợp như tiêu chí của Bộ VHTTDL đã nêu. Phần cuối phía dưới của công trình cũng xin được giữ nguyên. Nêu lý do không dỡ bỏ, chủ đầu tư cho biết, nếu đập bỏ sẽ làm mất đối trọng neo giữ toàn bộ công trình, vì toàn bộ công trình nằm trên một triền dốc.

Chủ đầu tư xin được cải tạo và bổ sung cảnh quan như bố trí trồng nhiều cây tầm cao xung quanh để làm giảm quy mô công trình và làm tăng thêm chất thiên nhiên cho điểm dừng chân hẻm vực Tu Sản Mã Pì Lèng.

Cụ thể, khối nhà hàng ăn uống và giải khát 2 tầng sẽ được thiết kế tường ốp vật liệu giả gỗ mô phỏng nhà truyền thống người dân tộc Mông, làm thêm ngói âm dương theo truyền thống nhà của người dân tộc Mông. 

Với khối nhà nghỉ ngơi 1 tầng với diện tích khoảng 207m2, tường và lan can sân trời được ốp vật liệu gỗ mô phỏng nhà truyền thống của người Mông. Các trụ cột sắt đỡ sân trời được bọc lại bằng vật liệu cây trúc. Bên dưới những lan can sân trời trồng cây rủ lá mô phỏng như thác nước chảy trên những vách đá. Bậc thang được ốp đá tự nhiên đan xen những khóm hoa…

Chia sẻ với Dân Việt về các phương án cải tạo công trình Panorama Mã Pì Lèng, KTS Trần Đức Hợp - nguyên giảng viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Hội viên Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết: “Quan điểm của tôi, hẻm Tu Sản Mã Pì Lèng cần có điểm dừng chân, tuy nhiên kiến trúc công trình không cần phải to, hoành tráng. Tôi ủng hộ tồn tại công trình này và không nên đập đi, nhưng cố gắng sửa sao cho xứng đáng với vị trí, cảnh quan, môi trường của hẻm Tu Sản Mã Pì Lèng.

Chủ đầu tư đưa ra 4 phương án, trong đó từ phương án 1 đến phương án 3 có đưa ra giải pháp trồng cây xanh xung quanh, cho cây xanh bò lên tường để che bớt công trình, hoà nhập với thiên nhiên. Tôi cho giải pháp đó hoàn toàn sai lầm, gượng ép, gò bó và giả tạo. Còn với phương án 4, tầng 1 sẽ chỉnh sửa, đưa ngói âm dương của dân tộc Mông vào. Bên cạnh đó, gia tăng thêm chất liệu ốp tường, ốp cột bên ngoài cho gần gũi với thiên nhiên và văn hoá của người Mông. Đó là một xu hướng kiến trúc, nhưng tôi nghĩ không nhất thiết phải tạo kiến trúc với bề ngoài theo văn hoá của người Mông. Chúng ta vẫn có thể tạo ra một kiến trúc tương phản, nhưng đường nét, không gian, tầm nhìn, công năng có thể hiện đại.

Công trình tại Mã Pì Lèng theo tôi không nhất thiết bên ngoài cần phải làm theo lối kiến trúc nhà 1 tầng và lợp ngói âm dương, như vậy hơi bị gượng ép. Bên ngoài của công trình chúng ta xây dựng vừa phải theo lối kiến trúc hiện đại, bên trong công trình, phần nội thất chúng ta có thể đưa các nét văn hoá của đặc trưng của Hà Giang, để khi khách đến dừng chân, bước vào bên trong sẽ cảm nhận đây là Hà Giang, đúng là văn hoá vùng cao chứ không phải là văn hoá của Hà Nội, Hội An hay Tràng An – Bái Đính”.

img

Ông Phạm Thanh Tùng – Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam thì chia sẻ: “Về các phương án, tôi thấy khá nhất là phương án thứ 4, nhưng đáp ứng kiến trúc thì chưa đạt, vẫn cần chỉnh sửa. Nhưng Hội Kiến trúc sư Việt Nam ủng hộ quan điểm không phá dỡ và làm sao chọn phương án chỉnh sửa tốt nhất, nguyên tắc công trình phải thân thiện với cảnh quan. Thứ hai không lấn át cảnh quan, môi trường. Thứ ba công trình phải đại diện, tôi nói đại diện ở đây là đại diện cho khu vực đồng thời kiến trúc mang tính hiện đại, phù hợp với sự phát triển trong giai đoạn mới”.

Chia sẻ thêm về những điểm chưa được của phương án 4, ông Phạm Thanh Tùng cho biết, tại tầng 1 không nên làm mái sân rộng chìa ra ngoài. Tầng 1 ngôi nhà vẫn chiếm quá nhiều diện tích, choán hết cảnh quan, vẻ đẹp của hẻm Tu Sản. Nếu như phần diện tích ở bên dưới được xây dựng giật cấp như vậy, thì tầng 1 nên xây dựng nhỏ lại, để tạo thành điểm nhấn giúp du khách có thể nghỉ chân và ngắm nhìn cảnh quan mà không bị che tầm nhìn.

“Về nguyên tắc, trên một cung đường giao thông, càng hạn chế điểm nhìn càng tốt cho người tham gia giao thông. Mặt bằng của tầng 1 công trình Paronama đã chỉnh sửa ở phương án 4 chưa tính tới điều này, mặt bằng tầng 1 vẫn quá to. Tôi nghĩ UBND tỉnh Hà Giang cùng các cơ quan có liên quan cần xem xét và chỉnh sửa lại”, ông Phạm Thanh Tùng cho hay.

Còn PGS. TS Đặng Văn Bài – Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hoá Việt Nam nêu quan điểm: “Tôi ủng hộ dự án cải tạo kiến trúc công trình điểm dừng chân Mã Pì Lèng trên cơ sở giữ lại khung kết cấu kiến trúc đã có. Tuy nhiên, với các phương án cải tạo mà Công ty Cổ phần Kiến trúc Phong Phát đưa ra thì còn thiếu hai nội dung quan trọng: Thứ nhất, đó là đánh giá tác động môi trường và giải pháp khắc phục những tác động xấu có thể xảy ra. Đặc biệt tôi quan tâm tới phương pháp xử lý chất thải (rắn và lỏng) trong quá trình vận hành công trình. Trong vùng lõi di sản, việc xử lý rác thải và ô nhiễm môi trường cần được đặt ra một cách nghiêm túc.

Thứ hai, tôi chia sẻ ý tưởng của đơn vị tư vấn về giải pháp thiết kế quy hoạch tổng thể và giải pháp kiến trúc. Tuy nhiên, các phương án cụ thể do nhóm thiết kế đưa ra lại chưa hoàn toàn tương thích hoặc đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đặt ra. Tôi đề nghị, về tổng thể dự án cải tạo kiến trúc điểm dừng chân nên đi theo hướng kiến trúc xanh hay kiến trúc sinh thái. Thiết lập lối sống gần gũi với thiên nhiên, tiết kiệm nguồn năng lượng và bảo vệ môi trường trong lành, sạch đẹp theo tiêu chí phát triển bền vững. 

Trong tương lai, khu Công viên địa chất và danh thắng Mã Pì Lèng có thể còn xây dựng thêm các công trình kiến trúc mới đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng như du lịch ở Hà Giang. 

Vì thế, dù là dự án cải tạo 1 công trình sai phạm, chúng ta vẫn nên tạo ra một công trình mẫu về thái độ ứng xử với môi trường, triết lý môi trường hay đạo đức môi trường với một số tiêu chí cụ thể, phù hợp với điều kiện sinh thái – nhân văn trong khu Công viên địa chất.

Thứ ba, đơn vị tư vấn nên có thêm phương án mới tích hợp những ưu điểm đã có trong các phương án đã đề ra, để thể hiện rõ tính mới, tính sáng tạo, khác biệt hoặc đột phá trong tư duy về kiến trúc xanh. Xu thế hiện đại, người ta sáng tạo di sản mới nghĩa là tạo nên một công trình kiến trúc kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, có bản sắc địa phương để tương lai nó sẽ được bảo vệ như là một di sản”.

Theo PGS. TS Đặng Văn Bài, phương án cải tạo của nhóm tư vấn còn quá lệ thuộc hoặc hầu như sao chép yếu tố kiến trúc truyền thống của người Mông mà chưa có sự sáng tạo để nâng tầm mới. Nếu nhóm mạnh dạn tạo ra ở điểm dừng chân này một ốc đảo xanh thực sự với hạng mục kiến trúc độc đáo thì mới mang tính khả thi. 

Kết thúc hội nghị tư vấn xin ý kiến về phương án cải tạo công trình Panorama Mã Pì Lèng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, ông Trần Đức Quý – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang chia sẻ với Dân Việt: “Cuộc họp đã nhận được sự đồng thuận cao về việc cần thiết có điểm dừng chân tại hẻm Tu Sẻn Mã Pì Lèng, đồng thời không nên phá dỡ toàn bộ công trình Paranoma.

Bên cạnh đó, tất cả các ý kiến đều nhất trí chỉnh sửa, cải tạo theo phương án 4. UBND tỉnh Hà Giang đã giao cho chủ đầu tư cùng các cấp, ngành có liên quan như ngành xây dựng, công ty tư vấn phải thiết kế sao cho đáp ứng được tiêu chí đề ra: Đảm bảo về kiến trúc theo kiến trúc truyền thống văn hoá của đồng bào dân tộc trên cao nguyên đá Đồng Văn. Thứ hai đảm bảo an toàn, thứ ba là về vệ sinh. Ngoài ra UBND tỉnh Hà Giang cũng thống nhất công trình trên hẻm Tu Sản Mã Pì Lèng sẽ chỉ là điểm dừng chân và sẽ không có lưu trú”.

Theo ông Trần Đức Quý, trong tháng 3/2020, bản thiết kế công trình Paranoma sẽ tiếp tục được chỉnh sửa theo yêu cầu tại cuộc họp tư vấn ngày 12/3/2020. Dự kiến trong 10 ngày sẽ hoàn thành bản thiết kế chỉnh sửa, sau đó bản thiết kế sẽ được gửi lên Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Trường Đại học Kiến trúc, Ủy ban UNESCO, Cục Di sản Văn hóa. Nếu tất cả thống nhất bản thiết kế đó, đồng thời có đầy đủ ý kiến của các nhà khoa học thì chủ đầu tư mới được tiến hành triển khai sửa chữa.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem