Công ty Bình Điền với các buôn làng Tây Nguyên: Niềm tin gửi gắm nơi đại ngàn

Trần Đình Thế Thứ tư, ngày 22/02/2017 17:59 PM (GMT+7)
Hàng chục năm qua, Tây Nguyên là địa bàn kinh doanh chiến lược, Bình Điền xác định gắn bó nghĩa tình với đồng bào các dân tộc nơi đây.
Bình luận 0

Mang sản phẩm đến bán cho bà con nông dân, thu tiền…đó là công việc thường nhật của nhà sản xuất. Nhưng khi đi sâu, đắm mình vào đời sống của người nông dân giữa đại ngàn xa xôi này, lãnh đạo, nhân viên công ty Bình Điền thấy cần phải làm một cái gì đó lớn hơn hoạt động thương mại đơn thuần. Đó là cùng chung sức giúp bà con thoát nghèo, hướng tới khá, giàu cả về đời sống vật chất và văn hóa tinh thần.

img

Lễ kết nghĩa giữa Công ty Bình Điền và buôn Rlong Phe, thuộc xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong (Đắk Nông).

Kết nghĩa với các buôn

Đến với Tây Nguyên, đến với bà con đồng bào các dân tộc ít người, phải từ sự chân thành, chân thật và có tấm lòng. Cán bộ, nhân viên Công ty Bình Điền đã làm được điều đó. Họ coi buôn làng như quê hương mình, bà con dân tộc như người thân yêu, ruột thịt của mình. Bản thân ông Lê Quốc Phong, Tổng Giám đốc Công ty Bình Điền được đồng bào gọi bằng cái tên thân thương-Y Phong. 

Từ nhận thức này, 13 năm trước, Bình Điền đã đặt vấn đề với lãnh đạo, chính quyền tỉnh Đắk Lắk kết nghĩa với buôn Eana, huyện Krông Ana. Ông Lê Quốc Phong, Tổng Giám đốc công ty nói: “Bình Điền đặt vấn đề kết nghĩa không chỉ để tặng bà con chút quà, tặng các em học sinh vài mươi cuốn tập…mà phải góp phần tạo cho đồng bào cái “đà” để vươn lên trong đời sống…”.

Sau lễ kết nghĩa, Bình Điền bắt tay thực hiện, suốt 13 năm qua, Bình Điền đã cùng bà con buôn Eana nâng cấp đường giao thông nông thôn, xây dựng trường học, thư viện, phòng máy vi tính, sân bãi và phương tiện luyện tập thể dục thể thao. Cùng với địa phương, công ty còn xây dựng hệ thống lưới điện phục vụ tưới tiêu và thắp sáng sinh hoạt cho bà con…Bộ mặt nông thôn  buôn Eana thật sự đã thay đổi.

Để hỗ trợ bà con, Bình Điền đã triển khai hoạt động tập huấn, tư vấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hướng dẫn bà con áp dụng vào thực tiễn sản xuất; góp phần xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa, bảo vệ môi trường. Công ty cũng đã phối hợp với Bệnh viện Thiện Hạnh (Đắk LắK) khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho bà con. Thực hiện chương trình khuyến học, Bình Điền đã  chọn 3 em học sinh địa phương tốt nghiệp THPT gửi đi học tại Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên. Khi ra trường, công ty ký hợp đồng để các em phục vụ tại buôn, xã với mức lương 2 triệu đồng/tháng.…Hơn 7 tỷ đồng hỗ trợ các các dự án, chương trình luôn được Bình Điền tính toán kỹ, sử dụng chặt chẽ.

Niềm tin gửi gắm nơi đại ngàn

img

Lãnh đạo Công ty Bình Điền cùng chung vui với các già làng, người có uy tín ở buôn Rlong Phe, thuộc xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong (Đắk Nông).

Có được niềm tin và kinh nghiệm thành công từ Eana, tháng 11.2015, Bình Điền lại tiếp tục kết nghĩa với buôn Rlong Phe, thuộc xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong (Đắk Nông). Với quan điểm giúp đồng bào cái “cần câu”, chứ không chỉ mang cho “con cá”, Bình Điền đã tổ chức đưa các đoàn cán bộ từ Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên và Hội đồng cố vấn khoa học của công ty đến trực tiếp giúp bà con chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng. Các kỹ sư đã hướng dẫn bà con cách thức chăm sóc từng cây, con cụ thể để đạt năng suất cao, chất lượng nông sản tốt, gia tăng được lợi nhuận…Công ty và địa phương cùng phấn đấu đến năm 2020 số hộ nghèo trong buôn chỉ còn dưới 10%...

Hơn 1 năm kể từ sau ngày ký giao ước kết nghĩa, Bình Điền đã chi gần 1,5 tỷ đồng hỗ trợ bán phân bón Đầu Trâu trả chậm không tính lãi và phí vận chuyển cho nông dân buôn Rlong Phe; tặng học bổng cho học sinh nghèo; tặng sách cho thư viện của buôn; tặng quà hộ nghèo cùng tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, giúp thanh niên rèn luyện sức khỏe…

Rất tâm đắc với chương trình kết nghĩa, bà H’Ngăm Nie Kdăm, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên, khẳng định: “Tôi đã dự, theo sát  hoạt động kết nghĩa của Bình Điền với đồng bào  từ hơn 10 năm qua ở buôn Eana (Đắk Lắk) thấy rất hiệu quả. Cái quan trọng nhất mà Bình Điền mang đến cho bà con nơi đây là ánh sáng khoa học kỹ thuật, mở ra hướng làm ăn hiệu quả cho bà con. Không chỉ nhận quà tặng, nhận trợ cấp thiếu đói mà đồng bào được trang bị cái “cần câu”; được hướng dẫn cách câu-đó là niềm tin mà doanh nghiệp gửi gắm nơi đại ngàn Tây Nguyên…”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem