Công ty, cá nhân kiểm toán độc lập sai phạm có thể bị truy cứu hình sự
Công ty, cá nhân kiểm toán độc lập sai phạm có thể bị truy cứu hình sự
An Linh
Thứ ba, ngày 29/10/2024 10:37 AM (GMT+7)
Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mức phạt tiền tối đa là 2 tỷ đồng đối với tổ chức, 1 tỷ đồng đối với cá nhân.
Sáng 29/10, tại Hội trường, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày trước Quốc hội Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia (Dự án 1 luật sửa 7 luật).
Nhà đầu tư cá nhân được được trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ
Liên đến sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung nhóm quy định về nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán, bao gồm: Các quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; quy định chào bán chứng khoán ra công chúng; quy định về chào bán chứng khoán riêng lẻ; quy định về công ty đại chúng.
Đáng chú ý dự thảo được Chính phủ trình Quốc hội sáng nay, bên cạnh bổ sung quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp gồm nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân nước ngoài (nhằm tạo điều kiện thuận lợi thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường vốn) thì đề xuất cho nhà đầu tư chuyên nghiệp là cá nhân được phép tham gia mua, bán trái phiếu riêng lẻ.
Dự thảo Luật quy định, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân được tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Tuy nhiên việc mua, giao dịch, chuyển nhượng của nhà đầu tư chuyên nguyện là cá nhân chỉ được thực hiện trong các trường hợp cụ thể.
Đó là doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có xếp hạng tín nhiệm và có tài sản bảo đảm. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có xếp hạng tín nhiệm và Doanh nghiệp có bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng.
Thẩm tra về nội dung này, Uỷ ban Tài chính Ngân sách cho biết cơ quan thẩm tra nhất trí việc bổ sung nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là tổ chức, cá nhân nước ngoài để tạo thuận lợi, tăng cường thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam, thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển và mở rộng kênh dẫn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
"Nhiều ý kiến đồng tình với đề xuất của Chính phủ quy định theo hướng nhà đầu tư được tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Tuy nhiên, đề nghị tiếp tục rà soát điều kiện đối với doanh nghiệp phát hành phù hợp với tình hình thị trường, bảo đảm phát triển bền vững thị trường, bảo vệ nhà đầu tư cá nhân khi tham gia vào thị trường", báo cáo của Uỷ ban Tài chính Ngân sách nêu.
Hôm qua (28/10), trao đổi với báo chí về Dự án 1 luật sửa 7 luật, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết để nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường, hạn chế rủi ro và đảm bảo quyền lợi trong hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư cá nhân trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, khắc phục những hạn chế của thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong thời gian qua, dự thảo Luật bổ sung quy định theo hướng nâng chất lượng của trái phiếu.
Theo đó, để các nhà đầu tư chuyên nghiệp bất kể là cá nhân hay tổ chức đều được đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thì Bộ Tài chính đề xuất doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ đó phải có xếp hạng tín nhiệm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đó phải có tài sản bảo đảm hoặc có bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng.
Theo ông Chi, Bộ Tài chính cũng đề xuất sửa đổi quy trình quyết định phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp đủ điều kiện được nhanh chóng xem xét, cấp chứng nhận phát hành trái phiếu ra công chúng huy động vốn. Đối với trái phiếu phát hành ra công chúng, tất cả các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức không phân biệt là chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp đều có thể tham gia.
Để thị trường thích ứng với các chính sách mới, Bộ Tài chính dự kiến trình Quốc hội cho phép Luật Chứng khoán sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2026.
Báo cáo mới công bố từ VNDIRECT cho biết, trong quý IV/2024, áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tăng gấp đôi so với quý III, khoảng 76,7 nghìn tỷ đồng. Trong đó ngành bất động sản và sản xuất chiếm tỷ trọng lớn nhất, lần lượt là 35,8% và 34,2%.
Xử phạt vi phạm kiểm toán tới 1-2 tỷ đồng
Liên quan đến Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán độc lập, dự thảo Luật quy định cụ thể những trường hợp người không được đăng ký hành nghề kiểm toán. Cụ thể, cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức; viên chức theo quy định của pháp luật về viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng, viên chức trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân… sẽ không được đăng ký hành nghề.
Đáng chú ý, dự thảo Luật quy định không được bố trí kiểm toán viên hành nghề ký báo cáo kiểm toán cho một đơn vị được kiểm toán quá 05 năm liên tục. Ngoài ra, doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam không được bố trí kiểm toán viên hành nghề thực hiện kiểm toán cho một đơn vị có lợi ích công chúng quá 05 năm liên tục
Ngoài ra cũng quy định các mức xử lý vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập. Theo đó, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chịu các biện pháp quản lý nhà nước.
Mức phạt tiền vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán độc lập tối đa là 2 tỷ đồng đối với tổ chức; 1 tỷ đồng đối với cá nhân. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán độc lập là 05 năm.
Trước đó, tại đại án xảy ra ở Ngân hàng SCB, hai công ty kiểm toán độc lập nước ngoài là Ernst & Young Vietnam (EY), KPMG và Deloit được xác định là đã bỏ lọt các sai phạm.
Về nội dung này, tại phiên chất vấn ở Hội trường ngày 5/6 (kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV), Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc thông tin, năm 2023, Bộ Tài chính kiểm tra 20 doanh nghiệp kiểm toán độc lập, trong đó 11 đơn vị đạt yêu cầu, 7 không đạt và 1 doanh nghiệp bị đánh giá yếu kém. Trong 62 hồ sơ kiểm toán được Bộ Tài chính kiểm tra, có 16 hồ sơ đạt, 26 không đạt và 20 hồ sơ yếu. Bộ cũng đình chỉ 7 kiểm toán viên, nhắc nhở 21 kiểm toán viên và phê bình các công ty kiểm toán yếu kém, không đạt.
Năm 2024, Bộ Tài chính có kế hoạch kiểm tra 20-24 doanh nghiệp kiểm toán, trong đó 8 đơn vị liên quan tới lĩnh vực chứng khoán.
Liên quan ngân hàng SCB, giai đoạn 2012-2016, SCB thuê E&Y thực hiện kiểm toán hoạt động; giai đoạn 2017-2019, SCB thuê Deloitte thực hiện; giai đoạn 2020-2022 thuê KPMG thực hiện.
Bộ trưởng Tài chính khẳng định trong quá trình thực hiện kiểm toán, "có những vấn đề thiếu sót, sai phạm và đã được cơ quan điều tra, xử lý vụ án".
Ông cũng khẳng định, Bộ Tài chính quản lý chất lượng kiểm toán độc lập thông qua ban hành chính sách, kiểm tra, cấp phép, thanh tra... một cách chặt chẽ.
"Thời gian tới sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng kiểm toán độc lập để phục vụ dịch vụ kiểm toán của các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.