Cùng nhau vượt cửa tử
Đôi bạn Văn - Cửu đã nhiều lần cùng nhau vượt qua cửa tử trong khi đi làm nghề trục vớt. Anh Cửu kể lại, năm 2007, hai anh đánh tàu ra cửa Tiếu ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ để trục vớt một con tàu đắm 2.000 tấn, ở độ sâu 25m.
|
Đội thợ lặn lành nghề của Công ty Mạnh Nam đang tiến hành trục vớt 1 con tàu đắm. |
Khi thợ lặn đã buộc xong các mối cáp thì họ chuyển qua tàu khác, vì lúc này nước ở cửa Tiếu chảy xiết vô cùng. Anh Cửu cầm cần tời, anh Văn cầm cần máy. Khi những vòng tời đang từ từ được cuộn lên, đầu mũi của con tàu cẩu chúi xuống, thì một con sóng bất ngờ lao tới, 4 sợi cáp to như cổ tay đứt phịch, con tàu cẩu 600 tấn mất đà quay tít rồi lật úp.
Đều là những người có nghề, anh Văn bảo anh Cửu cứ bám chắc ở trong khoang lái, khi nào để tàu chìm hẳn xuống đáy thì mới được chui ra, vì nhảy vội ra có khi bị chết oan vì bị tàu đè lên. Lúc này nhiều người đi trong đoàn trục vớt đã nghĩ phen này chắc là đôi bạn giám đốc này đã mất mạng rồi...
Khi con tàu cẩu nặng 600 tấn chạm tới đáy 30m nước, anh Văn và anh Cửu đều bình tĩnh chui ra, trồi lên mặt nước. Cả 2 cùng vượt qua cửa tử một cách nhẹ nhàng. Từ đó, cả 2 đều nghĩ chắc trời còn để họ làm bạn dài lâu, không bắt ai đi trước cả, nên công việc làm ăn của họ đều tin tưởng nhau tuyệt đối. Sau chuyến đó, anh Cửu đã giục anh Văn đi kiếm đất ở TP.Hải Phòng làm nhà, không để gia đình Văn sống trên những con tàu nữa.
Quyết chí làm giàu
Năm 2000, anh Văn mua lại được một con tàu cũ đưa về xưởng sửa chữa, gia cố thành tàu chuyên cứu hộ, cứu nạn. Có tàu trong tay, Văn tập hợp vài ba thợ lặn đều là họ hàng đi làm cùng. Vừa làm, nhóm thợ vừa tự nghĩ ra cách cải tiến công nghệ trục vớt bằng cẩu tời và “rùa” (khối bê tông 50-60 tấn) cố định để kéo tàu đắm.
Sau hơn 10 năm, bây giờ họ có 4 tàu trục vớt và hơn 20 thợ lặn xóm chài đầu quân vào công ty, lấy luôn tàu trục vớt làm trụ sở. Thợ lặn làm việc cho Công ty Mạnh Nam theo hình thức hợp tác, không trả lương mà ăn chia theo sản phẩm. Khi nào có việc, giám đốc gọi thì cả đội lên tàu ra biển. Sau mỗi hợp đồng, tiền công cứ bổ đầu chia nhau.
Anh Cửu nói: “Trước kia làm cực lắm, để vớt được một con tàu đắm có khi mất cả tuần, vì không có phương tiện tốt hỗ trợ. Thợ móc cáp tàu đắm toàn phải lặn “chay”. Bây giờ thợ lặn được trang bị thêm mũ, quần áo lặn và vòi hơi. Còn những máy móc để vớt tàu cũng đã hiện đại”.
Anh Văn cho hay, đội thợ công ty hiện tại có đủ khả năng để trục vớt những con tàu lên đến 5.000 tấn, có ngày vớt tới 3 con tàu loại 500 tấn ở cửa Rứa. Còn chuyện cứu hộ thì thợ Mạnh Nam cũng đã kéo cả tàu vạn tấn mắc kẹt, chỉ bằng mớ thiết bị tự chế, như vụ giải cứu tàu Đông Hoa ở vùng biển Quảng Ngãi khi các công ty nhà nước đã bó tay.
Những con sói biển
Đi theo anh Văn đến hiện trường trục vớt một con tàu chở đá đắm trên sông Kinh Thầy, đoạn chảy qua thị trấn Kinh Môn (Hải Dương), tôi đã bị bất ngờ bởi cứ nghĩ phải ít nhất có 1 tiểu đội thợ, nhưng thực tế chỉ có 3 người là anh Cửu lái tàu, Mạnh - con anh Văn, làm phụ và một thợ lặn tên Thủy. Thấy vẻ ngạc nhiên của tôi, anh Cửu nói chắc như đinh đóng cột: “Cái tàu 300 tấn này với bọn tôi chỉ như một con nhái, 3 người là đủ”.
Trời mưa tầm tã, anh Cửu lái tàu vào vị trí làm cáp. Chẳng cần phải mặc đồ lặn, Thuỷ đã lao ùm xuống dòng sông đang cuồn cuộn chảy, chụp mặt nạ lên đầu rồi lặn mất hút xuống đáy sông. Đứng trên tàu, tôi chỉ thấy những luồng bong bóng sùng sục nổi lên mặt nước.
Hơn 10 phút sau, Thuỷ ngoi lên, thì ra anh đã đi khảo sát một vòng quanh con tàu đắm. Mạnh thả 4 sợi cáp to như cổ tay người lớn xuống. Dưới làn nước đục ngầu chảy cuồn cuộn, Thuỷ bình tĩnh buộc từng mũi cáp cẩn thận vào cuống lái của con tàu chìm, rồi dòng một đường vắt ngang bụng tàu giống như người ta làm lưới để vớt cá lên.
Xong đâu đấy, Thuỷ lại ngoi lên ra tín hiệu cho anh Cửu kéo tời. Những vòng tời ken két chắc nịch đươc cuộn lại, con tàu 300 tấn đầy đá từ từ nhô lên khỏi mặt nước. Sau 2 giờ, tàu nổi hẳn...
Ngồi ăn bữa sáng, Thuỷ kể: “Nhà em bây giờ có 3 người làm thợ lặn. Bố em học nghề của ông nội, hiện vẫn đi lặn tìm đồ cổ ở các vùng biển. Còn em năm nay 23 tuổi, đã có 6 năm đi kiếm ăn bằng nghề thợ lặn này rồi. Thằng em út nhà em mới 13 tuổi cũng bắt đầu đi lặn. Ở ngoài biển bây giờ, em có thể lặn được 45m”. Thủy bảo, bây giờ cứ lên bờ khoảng 1 ngày không được ngâm nước là thấy mệt, cứ phải có nước mình mới khoẻ được.
(Còn nữa)
Gia Tưởng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.