Theo Bộ Công an, vào cuối năm 2012, để có tư liệu viết về đề tài “nạn bảo kê đường của cảnh sát cơ động - trật tự (CSCĐ-TT) tại TP.HCM”, PV Hoài Nam đã liên hệ với một tài xế quen biết tên là Trần Ngọc Phúc lên kế hoạch cài bẫy cán bộ, chiến sĩ CSCĐ-TT, CSGT quận 6, quận Bình Tân, huyện Hóc Môn trong xử lý vi phạm do chính PV Hoài Nam và tài xế Phúc cố tình gây ra, tạo tình huống để tiếp cận ghi âm, ghi hình việc đưa và nhận hối lộ.
Mỗi lần thực hiện việc hối lộ, PV Hoài Nam và tài xế Phúc đều chuẩn bị phương tiện để ghi âm, ghi hình việc thỏa thuận và đưa hối lộ CSCĐ-TT, CSGT tại trụ sở công an hay xử lý trên mặt đường. PV Hoài Nam cũng hướng dẫn tài xế Phúc về số tiền đưa hối lộ để không bị xử lý hình sự.
Bộ Công an cho rằng, hành vi của PV Hoài Nam là vi phạm pháp luật. "Hoạt động của anh Nam không phải là hoạt động tác nghiệp, không phải để thu thập tài liệu chứng cứ về một vụ nhận hối lộ đã xảy ra trước đó mà là cố ý, chủ động tạo tình huống để cài bẫy, đưa hối lộ nhằm ghi âm, ghi hình làm tư liệu đề tài viết bài. Việc tạo tình huống thúc đẩy người khác phạm tội là hành vi vi phạm pháp luật", Bộ Công an nhận định.
Tuy nhiên, trao đổi với PV Dân Việt, nhiều vị luật sư (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) khẳng định, sự việc trên không có dấu hiệu hình sự, bởi nếu có trong thẩm quyền của mình cơ quan Công an đã xử lý ngay. Bên cạnh đó cũng không thấy vi phạm vào Nghị định 167/2013, quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Theo LS Dũng, công văn kiến nghị của Bộ Công an nói hành vi của PV Báo Thanh Niên là vi phạm nhưng lại không nêu căn cứ pháp luật. Nếu vi phạm thì công văn phải chỉ ra rõ vi phạm vào điều nào, khung khoản trong các quy định pháp luật. Trên cơ sở đó mới kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý. Ở đây chỉ nêu chung chung, thiếu dẫn chứng, không thuyết phục, mang nặng ý chí chủ quan của người soạn thảo công văn.
Việc Bộ Công an "đá bóng" sang Bộ TT&TT để tìm sai phạm nhưng việc làm trên của PV không thấy vi phạm vào quy định nào của Luật Báo chí và Nghị định 51/2002 hướng dẫn thi hành Luật Báo chí. Theo LS Nguyễn Quang Tiến, việc đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực xã hội khác là nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí được quy định tại Điều 6 Luật Báo chí (sửa đổi, bổ sung năm 1999). Còn quyền của nhà báo là được khai thác và được cung cấp thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật.
"Để điều tra phanh phui đưa một việc sai phạm ra ánh sáng thì nhà báo phải sử dụng nghiệp vụ, tuy nhiên nghiệp vụ đó không được trái quy định của pháp luật. Nói là đưa hối lộ để "gài bẫy" nhưng người được đưa kiên quyết từ chối thì không thể có chuyện nhận hối lộ và lúc này chỉ người đưa còn bị xử lý. Người tạo tình huống thúc đẩy người khác phạm tội như đưa hối lộ, nhưng người đưa hối lộ không quyết định được việc người nhận phải nhận để họ phạm tội. Việc nhận hay không thuộc về ý chí chủ quan của người được đưa. Người thực thi pháp luật như công an mà nhận tiền hối lộ thì họ thừa biết hậu quả sẽ lớn thế nào, nhưng họ vẫn nhận khi được đưa thì không thể coi họ bị bẫy", LS Trịnh Anh Dũng phân tích.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.