Thanh tra đột xuất mới phát hiện vi phạmĐáng chú ý trong Dự thảo luật lần này đã mở rộng phạm vi không gian áp dụng, không chỉ trên “lãnh thổ” mà còn trên “thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế” của đất nước; mở rộng khái niệm về môi trường; bổ sung thêm nguyên tắc coi bảo vệ môi trường là lĩnh vực được ưu tiên; làm rõ hơn một số nội dung bị nghiêm cấm trong bảo vệ môi trường.
Khai quật hiện trường Công ty Nicotex Thanh Thái (Thanh Hóa) chôn lấp thuốc trừ sâu.
Góp ý cho dự thảo luật, ĐB Huỳnh Minh Thiện (TP.HCM) cho rằng: Rừng có một vị trí hết sức quan trọng trong đời sống xã hội, phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng mà dự luật không có một chương riêng là thiếu. “Chiến lược là tăng độ che phủ rừng lên 45%, rừng không chỉ có cây mà còn có tài nguyên khoáng sản khác, nếu không dành một chương riêng để quy định là không tương xứng” – ĐB Thiện nói.
Ô nhiễm môi trường từ hoạt động của các khu công nghiệp, doanh nghiệp xả thải bừa bãi là vấn đề được nhiều ĐB quan tâm góp ý kiến xây dựng dự thảo luật nhằm xử lý nghiêm và siết chặt vấn nạn này.
“Hiện nay, chúng ta đang sống mòn trong môi trường ô nhiễm. Luật đã có nhưng vì xử lý chưa nghiêm, có nơi vi phạm bị 9 lần xử lý hành chính như Công ty Hào Dương nhưng vẫn chưa cá thể hóa để xử lý hình sự” - Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) nói.
ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) cho rằng công tác thanh tra môi trường hiện có nhiều bất cập. ĐB Trang cho biết, theo quan sát các cuộc thanh tra chủ yếu mang tính định kỳ, có báo trước. Điều này chỉ thuận lợi cho công tác kiểm tra, còn các đơn vị bị thanh tra có thời gian đối phó.
“Nhiều doanh nghiệp có hệ thống xử lý xả thải nhưng chỉ mang ra làm lúc bị kiểm tra, khi đoàn thanh tra đi rồi, họ lại tìm cách xả thải ra môi trường bằng hệ thống khác. Cần bổ sung quy định trong 2 lần thanh tra theo định kỳ, có 1 lần thanh tra đột xuất như thế mới có thể phát hiện vi phạm” – ĐB Trang góp ý.
Hình thành văn hóa bảo vệ môi trườngĐB Phạm Huy Hùng (Hà Nội) kiến nghị: Sửa luật phải đảm bảo hình thành văn hóa bảo vệ môi trường, phải “cột chặt” hơn nữa trách nhiệm của mỗi người dân, doanh nghiệp. “Mọi dự án khi triển khai đều phải đảm bảo yếu tố môi trường. Chế tài xử phạt phải nghiêm khắc hơn nữa để phòng ngừa vi phạm” – ĐB Hùng nêu quan điểm.
“Mức phạt hiện nay nhẹ quá, không thấm vào đâu nên không đủ răn đe đối tượng vi phạm. Theo tôi, doanh nghiệp tái phạm nhiều lần phải rút giấy phép hoạt động, đóng cửa ngay”.
ĐB Phạm Huy Hùng (Hà Nội)
|
ĐB Nguyễn Văn Phụng (TP.HCM) cho rằng, những vụ phát hiện xả thải lớn như Vedan, Sonadezi, Tungkuang, Hào Dương chủ yếu mới xử phạt hành chính, chưa có vụ nào truy cứu trách nhiệm hình sự. ĐB Đỗ Văn Đương thì cho rằng luật hiện hành không vấn đề gì, vấn đề ở chỗ là thực thi xử lý. “Vi phạm ở mức phạt hành chính thì có luật xử phạt hành chính, còn ở mức độ nghiêm trọng thì đã có Luật Hình sự” – ĐB Đương nêu vấn đề.
Cho rằng hiện chưa có quy định ô nhiễm đối với phương tiện giao thông, chất thải bệnh viện, ĐB Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) đề nghị nên bổ sung chế tài và phải có chế tài xử lý. Cùng có ý kiến bổ sung đối tượng gây ô nhiễm, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP. HCM) cho rằng luật nên đề cập thêm vấn đề âm thanh, âm thanh ồn ào từ các quán hàng, karaoke, cửa hàng loa đài, quảng cáo… ở các thành phố hiện đang là vấn đề bức xúc, bởi nó tác động không nhỏ đến đời sống người dân.
Lương Kết (Lương Kết)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.