Thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Ảnh: B.D.
Nên bỏ thi
GS.TS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, cho rằng nên bỏ kỳ thi THPT quốc gia 2020. Theo GS Xuân, với tình hình hiện nay, dù có tổ chức thi đi nữa thì vẫn khó bảo đảm chất lượng mong muốn vì học sinh không học đầy đủ chương trình, cách học trực tuyến không bảo đảm hoàn hảo vì cách biệt khả năng số trong học sinh các vùng miền, trong các môn học thi. Theo GS Võ Tòng Xuân, việc xét tốt nghiệp nên để sở GDĐT từng tỉnh giải quyết, căn cứ trên học bạ các môn đã học thực sự.
TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, không nên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT thành kỳ thi quốc gia và để các trường ĐH chủ động việc tổ chức tuyển sinh. Mỗi trường ĐH có yêu cầu đầu vào khác nhau, cách thức đào tạo khác nhau. Vì thế, họ có thể chủ động để ra các đề thi hoặc có phương thức tuyển sinh phù hợp.
"Tuy nhiên, nếu các trường tự tổ chức thi đề riêng, để đảm bảo chất lượng cũng như kiểm soát đồng bộ được thì Bộ phải quản lý chứ không thể để các trường muốn làm đề thế nào cũng được", ông Chức nói.
Theo TS Chức, Bộ nên tập hợp các đề thi từ các trường cùng lĩnh vực đào tạo trong cả nước thành một ngân hàng đề thi. Từ đó, Bộ chọn ra các đề thi phù hợp nhất làm đề thi chung cho khối ngành. Các đơn vị liên quan làm nghiêm túc, có sự giám sát của Bộ.
TS Nguyễn Thanh Trọng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM cho rằng, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, Bộ nên giao các sở GD-ĐT triển khai việc thi và đánh giá phù hợp với điều kiện, tình hình từng địa phương.
Bỏ thi – các trường ĐH tuyển sinh như thế nào?
Theo TS Nguyễn Thanh Trọng, việc không có kỳ thi sẽ khó khăn cho các trường xét tuyển dựa vào kỳ thi. Quan điểm cá nhân ông, nếu không tổ chức kỳ thi thì các trường ĐH phải chủ động và có sự đầu tư cho phương án tuyển sinh riêng. Có thể một trường tự đứng ra thực hiện kỳ thi riêng, hoặc nhiều trường cùng tổ chức hoặc tham gia xét tuyển kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM.
"Hiện nay luật đã giao cho các trường ĐH quyền chủ động trong tuyển sinh. Các trường có thể linh hoạt trong hình thức xét tuyển, đặc biệt có thể thực hiện tuyển nhiều lần trong năm", ông Trọng bày tỏ.
PGS-TS Trần Hoàng Hải, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Luật TP.HCM, cho rằng mọi việc đều có thể linh hoạt. Trong trường hợp bất khả kháng không có kỳ thi chung, trường sẽ điều chỉnh lại đề án tuyển sinh cho phù hợp. Cụ thể, theo phương án tuyển sinh đã công bố năm 2020, trường xét tuyển thí sinh dựa vào 2 cột điểm (thi THPT quốc gia và học bạ). Khi không còn điểm kỳ thi chung, trường buộc phải chuyển sang xét học bạ và chỉ dựa vào điểm 5 học kỳ (trừ học kỳ 2 lớp 12) để học sinh không bị ảnh hưởng kết quả học tập.
Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết, hiện phương án xét tuyển của trường đã dựa vào 2 kỳ thi năng lực (do trường và Đại học Quốc gia TP.HCM) tổ chức. Nếu không có kỳ thi chung toàn quốc, trường sẽ dựa chủ yếu vào các kỳ thi riêng. Đặc biệt là có thể điều chỉnh tăng chỉ tiêu của phương án ưu tiên xét tuyển học sinh giỏi các trường THPT tốp đầu mà Đại học Quốc gia TP.HCM đang thực hiện (thay vì 5% như mọi năm thì tăng lên trong khoảng 5 - 15% tổng chỉ tiêu).
Nhìn xa hơn, GS Võ Tòng Xuân nêu quan điểm nên thành lập một số Trung tâm thi kiểm tra trình độ vào đại học, cao đẳng tại các vùng, tổ chức 2 kỳ thi kiểm tra quốc gia mỗi năm. Thí sinh có thể nộp đơn xin nhập học vào nhiều trường đại học/cao đẳng cùng một lúc đúng theo ngành nghề mơ ước của mình. Các trường tổ chức tuyển sinh mỗi đầu học kỳ. Kết quả tuyển sinh sẽ được tất cả các trường công bố cùng một ngày.
Danh sách trúng tuyển sẽ có nhiều thí sinh ảo (đậu vào nhiều trường cùng lúc). Thí sinh trúng tuyển sẽ có một tuần để quyết định học trường nào, và đúng ngày tựu trường, ai không có mặt kể như đó là thí sinh ảo (đã chọn học ở trường khác rồi). Nhà trường sẽ loại thí sinh ảo đó ra và thay vào bằng cách cho đôn lên thí sinh có điểm cao kế tiếp. Theo phương pháp này, các trường sẽ chọn đúng đối tượng, xã hội ít tốn kém và giảm căng thẳng, không lãng phí thời gian như hiện nay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.