Covid- 19: Xe buýt Hà Nội từ chen chúc đến "vắng như chùa bà Đanh"

Hoà Nguyễn Thứ tư, ngày 11/03/2020 11:00 AM (GMT+7)
Những ngày này, khi dịch Covid -19 đang ngày càng diễn biến phức tạp, xe buýt - biểu tượng số 1 về vận tải hành khách công cộng ở Hà Nội cũng đang rơi vào cảnh "đói khách", "vắng như chùa bà Đanh".
Bình luận 0

Video: Người dân đi xe buýt giảm mạnh vì dịch Covid-19.

Những con số biết nói

Đã từ lâu, nhắc đến giao thông Hà Nội không thể không nhắc đến sự đóng góp của hệ thống xe buýt văn minh, tiện lợi. Hiện, Hà Nội có hơn 120 tuyến buýt được thiết lập, mạng lưới phủ khắp 30 quận, huyện, thị xã và phục vụ đến 453 trên tổng số 584 xã, phường, thị trấn; các bệnh viện, trường học, khu công nghiệp và khu đô thị mới đều có sự xuất hiện của xe buýt.

Năm 2019, chỉ tính riêng xe buýt đã vận chuyển hơn 510 triệu lượt hành khách công cộng trên toàn thành phố. Sự đông đúc, nhộn nhịp, chen lấn, xô đẩy là những ấn tượng đầu tiên khi ai đó nhắc tới xe buýt ở Hà Nội.

Nhưng đó là những cảm nhận trước đó của người dân về xe buýt. Ở thời điểm này, những chiếc xe buýt tại Hà Nội trông rất lạ lẫm, rất khác vì... dịch Covid -19.

“Có đến Tết cũng không vắng như thế này” – đó là lời nhận xét của Cảnh -  nhân viên phụ xe buýt tuyến 32 (1 trong các tuyến buýt đông khách nhất ở Hà Nội).

img

Dịch Covid-19 xảy ra đã ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. Trong vận tải công cộng, xe buýt tại Hà Nội những ngày này đang lâm vào cảnh "đói khách". (Ảnh: Phạm Hưng)

Tháng 12/2019, dịch viêm phổi cấp do virus corora (Covid-19) bùng phát ở Vũ Hán (Hồ Bắc, Trung Quốc). 1 tháng sau, loại virus nguy hiểm này được xác nhận lan truyền sang Việt Nam với ca dương tính đầu tiên.

Sự xuất hiện của Covid-19 làm đảo lộn tất cả mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Học sinh được nghỉ học để phòng chống dịch, người người hạn chế ra đường, nhà nhà hạn chế tụ tập đông người, tất cả đều tự “thu mình” lại trước dịch.

Covid-19 xảy ra báo hiệu một “chương” mới chẳng khả quan cho các phương tiện vận tải công cộng, xe buýt “đi đầu nước” trong việc này.

Có mặt trên tuyến buýt 32 có lộ trình từ bến xe Giáp Bát (Hoàng Mai) đến trạm xe buýt khu vực trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (Minh Khai, Bắc Từ Liêm) và ngược lại, chúng tôi đã không khỏi bất ngờ khi mục sở thị những gì đang diễn ra trên chuyến xe này.

Từ trước đến nay, tuyến buýt số 32 luôn luôn là tuyến có đông khách nhất bởi cung đường mà xe đi qua có rất nhiều trường học, công sở, nhưng hiện tại, thời điểm chúng tôi có mặt là vào giờ cao điểm, trên xe chỉ vỏn vẹn 10 người.

Tất thảy đều đeo khẩu trang, chẳng ai nói chuyện, mỗi người nhìn về một hướng khiến không gian như lắng lại bất chấp những âm thanh từ bên ngoài.

img

Trong 6 năm làm nhân viên phục vụ xe buýt, anh Cảnh chưa từng chứng kiến cảnh tượng vắng khách đến bất ngờ như hiện tại vì dịch Covid-19. (Ảnh: Phạm Hưng)

Đã làm nhân viên phụ xe bus được 6 năm, anh Cảnh cũng không thể tưởng tượng được có những ngày anh lại nhàn theo đúng nghĩa đen đến vậy. Cầm tập vé vẫn còn dầy cộp trên tay, anh Cảnh thốt lên “cả tuyến đến giờ mới được có 12 vé lượt”.

Tuyến buýt 32 dài 18,5 km, mỗi vé lượt tuyến buýt này được quy định là 7 nghìn đồng. Khi đoạn đường cách điểm cuối chỉ chưa đầy 1km nữa, nhẩm tính, chuyến buýt này chỉ thu được 84 nghìn đồng.

Trên xe lúc đó còn có cả những người đi vé tháng, tuy nhiên cũng chẳng khả quan hơn, phụ xe Cảnh nhẩm đếm cũng chỉ được khoảng 14 người cả tuyến.

Kể từ ngày có dịch Covid-19, đơn vị quản lý đã dán những tờ giấy hướng dẫn cách phòng tránh bệnh dịch do virus corona gây ra ở mọi chỗ dễ nhìn thấy nhất trên xe buýt.

Các tài xế, nhân viên xe buýt được phát khẩu trang vải, xe được trang bị nước rửa tay sát khuẩn, tuy nhiên hành khách dường như vẫn còn lấn cấn điều gì khi quyết định bước lên.

img

Trên chuyến xe của tuyến buýt 32 từ Giáp Bát về Đại học Công nghiệp Hà Nội, nhân viên phụ xe Cảnh thu được 12 vé lượt cho chặng đường 18,5 km. (Ảnh: Phạm Hưng)

“Dịch Covid-19 này lo lắm, sợ rằng mình chẳng may có bất cẩn một cái là nguy cơ lây nhiễm cao ngay. Đi làm tiếp xúc với quá nhiều người mà không thể lường trước được” – nam nhân viên phụ xe bộc bạch.

Hành khách của nhân viên Cảnh và tài xế đồng sự bây giờ, có chăng chỉ là số ít những người đi làm tự do, bán hàng nhỏ lẻ vì “xe buýt chủ yếu phục vụ cho sinh viên mà sinh viên giờ nghỉ học hết rồi, giờ chỉ còn phục vụ người dân đi lại”.

Thời chưa có dịch, Cảnh vẫn nhớ những lần nhắc nhở một vài bạn trẻ nhường ghế cho cụ già, cho em nhỏ lúc xe quá đông. Lúc đó xe luôn luôn hết ghế, giờ cao điểm thì phải đến 1, 2 trăm người, còn bây giờ điều đó chỉ tồn tại trong trí nhớ của nhân viên Cảnh.

Nguy hiểm rình rập

Với anh Hưởng – một nhân viên khác trên chuyến xe của tuyến buýt 32 chiều ngược lại, đi làm mùa dịch Covid-19 mặc dù đã chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng nhưng anh vẫn thường trực một nỗi băn khoăn.

“Đây mới là thời điểm nhạy cảm, nguy hiểm nhất. Vợ con mình ở nhà, mình về vợ bảo có việc gì (nhiễm Covid-19 – PV) thì chỉ có anh mang về thôi” – anh Hưởng nói.

Mỗi ngày đi làm với anh Hưởng, theo lời anh, đó đều là những ngày anh phải tập trung cao độ. Tối về đến nhà, nắm bắt thông tin không có người nào nhiễm Covid-19 anh mới thở phào nhẹ nhõm.

“Chả ai nói không sợ. Ông ở nhà thì ai nuôi ông, ai cho ông tiền, công việc phải làm. Cái gì lộ thiên còn biết, chứ virus thì biết thế nào.

Tiếp xúc thế này mình chả biết thế nào thật. Biết là khuyên hạn chế ra nơi đông người nhưng vì công việc vẫn phải đi, xe 1 người vẫn phải chở” – phụ xe Hưởng dãi bầy.

img

Cảnh tượng những chiếc xe buýt trống không khi vào các điểm đón trả khách trên đường phố Hà Nội không phải là điều xa lạ với người dân trong những ngày bệnh dịch do virus corona gây ra đang có diễn biến phức tạp. (Ảnh: Phạm Hưng)

Chuyến xe của phụ xe Hưởng và bác tài xế Đạo (49 tuổi) từ Đại học Công nghiệp về Giáp Bát lúc này là giờ cao điểm của buổi chiều, trên xe cũng chẳng đến 10 người.

Nhận định đó là thực tế chung vào thời điểm hiện tại, nhưng theo anh Hưởng, “làm sao cho xe buýt nghỉ được”, phải phục vụ cộng đồng.

Mặc dù khẳng định việc xe buýt vắng khách không ảnh hưởng tới thu nhập hàng tháng của mình và các đồng nghiệp vì giá xe buýt được trợ giá, tuy nhiên anh Hưởng lo lắng cho tình hình dịch bệnh hiện tại bởi như anh nói, Covid-19 đã ảnh hưởng quá nhiều tới đời sống của nhân dân, trực tiếp là những người làm việc như anh phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm hàng ngày.

Là tài xế có thâm niên 7 năm trong nghề, lái xe Đạo cũng đồng tình với người đồng sự Hưởng, rằng đi làm mùa dịch sợ cũng phải chấp nhận vì đó là công việc, nhưng cũng không nên quá lo lắng.

Tài xế 49 tuổi này nhận định, khách xe buýt năm nay vắng, vắng hơn cả chiều 30 Tết. Nhưng bác tài già cũng có một góc nhìn ngược lại, vắng khách vì dịch, nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch cũng có thể ít hơn.

img

Do ảnh hưởng từ Covid-19, những hành khách hay nhân viên, tài xế xe buýt đều phải trang bị khẩu trang để phòng tránh bệnh dịch nguy hiểm này mỗi khi lên xe. (Ảnh: Phạm Hưng)

Với bản thân, mỗi ngày đi làm về tài xế này luôn luôn quan tâm đến việc sát trùng bản thân mình trước. Điều này, theo ông Đạo, đó là để bảo vệ chính mình, bảo vệ vợ con và gia đình.

Được lái chiếc xe buýt đời mới, trang bị hiện đại có cả buồng kính cho khoang tài xế, tài xế Ngọc (tuyến buýt 16 từ bến Giáp Báp đến bến Mỹ Đình và ngược lại) vẫn chưa thực sự yên tâm.

img

Tài xế Ngọc chia sẻ, anh tự lên mạng, đọc báo để trang bị thêm kiến thức phòng tránh lây nhiễm Covid-19. (Ảnh: Ngọc Hải)

Trong không gian giới hạn của ô tô, người đông, theo tài xế này, buồng kín thì may ra chứ như hiện tại, nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 đối với anh, nhân viên phụ xe và cả hành khách vẫn là rất cao.

Để phòng tránh, cũng như anh Hưởng, anh Cảnh, bác tài xế Đạo, anh Ngọc cũng được phát khẩu trang vải, trên xe buýt trang bị nước sát khuẩn tiệt trùng. Tuy nhiên, chuyến xe của tuyến buýt 16 do anh Ngọc lái, trên xe cũng chỉ có lèo tèo vài hành khách.

img

Những lọ sát khuẩn được đơn vị quản lý trang bị trên mỗi chiếc xe buýt và treo ở các điểm dừng đón để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm từ dịch bệnh nguy hiểm. (Ảnh: Phạm Hưng)

“Bây giờ người ta sợ xe buýt, mọi người đều sợ. Người ta biết môi trường xe buýt nguy cơ lây nhiễm rất cao, người người đứng sát nhau mà, không biết thế nào” – anh Ngọc vừa hỏi vừa tự trả lời.

Việc vắng khách, vắng hơn cả “chùa Bà Đanh” trong đợt dịch bệnh Covid-19 hoành hành này, anh Ngọc nhận định, những “vệ tinh” xung quanh xe buýt cũng lao đao.

“Vệ tinh” lao đao

Từ bà bán nước đến anh lái xe ôm, xe công nghệ, xe taxi, tất thảy đều bị cuốn theo vào “vòng xoáy” ảnh hưởng của dịch bệnh.

“Hỏi sao xe ôm ít khách, taxi người ta còn chả đi nữa là xe ôm. Tất cả người ta hạn chế tiếp xúc với nhau” – tài xế Ngọc nói.

Anh Hoàng (Cổ Nhuế) đã ra đường Cầu Giấy làm xe ôm đã 6, 7 năm. Nơi anh đứng thường là những điểm dừng đón, trả khách của xe buýt trên đường Cầu Giấy.

Nhìn thấy 2 khách bước xuống từ chiếc xe buýt tuyến 16, lúc này anh đang lúi húi nhìn vào điện thoại giết thời gian ngẩng lên hớn hở ra mặt chạy ra mời chào.

Đứng ở điểm đón từ sáng, anh Hoàng nói cả ngày mới chạy được 3 cuốc xe. Dịch Covid-19 xảy ra, khách của anh giảm hẳn 1/3 so với trước.

img

Bến xe buýt khu vực Đại học Công nghiệp Hà Nội từng là địa điểm tấp nập người qua lại, chờ đón xe buýt, tuy nhiên điều này chỉ gói gọn trong 2 chữ "đã từng". Khu vực bến xe buýt này vào giờ cao điểm vắng lặng khác thường vì ảnh hưởng của dịch. (Ảnh: Phạm Hưng)

Khi được hỏi kế sinh nhai qua giai đoạn khó khăn, người lái xe ôm truyền thống này tặc lưỡi: Phải chịu thôi, chờ cho qua dịch thôi chứ có nghề nào thay đổi đâu, giờ chạy có ngày không được 100, ăn thì vẫn phải ăn.

Có thâm niên làm xe ôm hơn chục năm ở khu vực bến xe buýt trường Đại học Công nghiệp 10 năm, tài xế Bình cũng giật mình vì sự vắng vẻ của hiện tại.

Trước khi có dịch, “sinh viên đi rầm rập bụi mù cả đường”, tuy nhiên vào lúc trò chuyện, ông Bình đang nằm vắt vẻo trên chiếc xe máy của mình chờ khách.

img

Tài xế Bình quá quen với cảnh nằm vắt vẻo đến mỏi lưng trên xe chờ khách trong thời gian này. (Ảnh: Phạm Hưng)

Lúc này là 4 giờ chiều, bắt đầu vào giờ cao điểm như thường lệ.

“Sáng giờ được có mỗi cuốc đi về đây này, 25 nghìn” – ông Bình vừa nói vừa vê bi thuốc lào rồi kê lên miệng châm lửa.

Ông Bình nhớ về thời sinh viên chưa nghỉ học, “chúng nó còn đi chỗ nọ chỗ kia chơi, mình còn có khách, giờ đến xe buýt còn thế kia” – nói đoạn ông chỉ sang một chiếc xe buýt vừa về bến chỉ vỏn vẹn 1 hành khách.

Đồng tình với bác tài già, bà Nga (47 tuổi, bán hàng nước từ những năm 2000 ở khu vực bến xe buýt trường Đại học Công nghiệp) cũng than thở hành quán ế ẩm.

Trận dịch này ảnh hưởng bao nhiêu, đủ mọi thứ, buôn bán giảm 80%, chẳng bao giờ thấy đìu hiu thế này – người chủ hàng nước rầu rĩ nói.

img

img

Quán nước của bà chủ quán tên Nga ở khu vực bến xe buýt trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cũng không là ngoại lệ trước tình cảnh ế ẩm vì dịch Covid-19. (Ảnh: Phạm Hưng)

Cũng lâm vào tình trạng như ông Bình, bà Nga nói cũng chỉ bán được 20 nghìn trong vài tiếng đồng hồ. Một ngày bán hàng nước bây giờ của bà cũng chỉ bằng bán cho 2 tốp khách lúc còn chưa biết Covid-19 là gì.

Mấy hôm trước chẳng hiểu nghe thế nào, bà Nga cũng ùa theo người dân đi mua lương thực tích trữ vì sợ dịch diễn biến khó lường hết đồ ăn.

“Tôi cũng đi theo mua cả tạ gạo, 3 thùng mì tôm, giá gần gấp đôi. Ông chồng bảo rồ. Hôm sau siêu thị lại xếp đầy hàng hoá ra, đúng thật là” – bà Nga nói.

Không chỉ quán nước của mình bị ảnh hưởng, công việc chạy xe ôm công nghệ của chồng bà Nga cũng chẳng hề suôn sẻ từ khi có dịch.

“Ông chồng nhà này chạy Grab đấy, đáng nhẽ ngày được tiền triệu, nhưng giờ được vài trăm nghìn, không có khách đi, chết đói đến nơi rồi. Bình thường đánh xe ra ngoài là ứng dụng nổ quốc có khách ngay, giờ đánh xe ra đây đến 4h chiều không có khách nào đây. Ông chán ông về. Chẳng bao giờ đường phố lại vắng như bây giờ” – người phụ nữ nhìn xa xăm.

Ông Thái Hồ Phương, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết: “Do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 đã khiến cho vận tải hành khách công cộng sụt giảm rõ rệt.

Nguyên nhân dẫn tới sản lượng sụt giảm là do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, học sinh, sinh viên đang nghỉ.

Đối với công tác phòng dịch Covid-19, ông Phương thông tin, đơn vị đang thực hiện các biện pháp phòng dịch Covid-19 theo đúng khuyến cáo của Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh.

Hàng ngày đều tuyên truyền phổ biến trên loa phát thanh và tại các điểm chờ xe buýt để hành khách đeo khẩu trang và thường xuyên rửa tay bằng cồn sát khuẩn.

“Tại các điểm đón trả khách chúng tôi đều trang bị nước rửa sát khuẩn, dán baner và thường xuyên vệ sinh sạch sẽ. Đối với xe buýt thì chúng tôi luôn khuyến cáo hành khách đeo khẩu trang bố trí nước rửa tay ở cửa lên xuống xe, nhiệt độ trên xe luôn luôn để trên 26 độ C. Hiện tại, chúng tôi chưa triển khai kiểm tra thân nhiệt đối với hành khách” – ông Phương nói.

Đối với nhân viên phụ xe, lái xe và nhân viên phục vụ, theo ông Phương, những người này được yêu cầu bắt buộc phải đeo khẩu trang, nếu không thực hiện sẽ bị xử lý theo quy định.

(Thế Anh ghi)

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem