CTCP chè Lâm Đồng: Kinh doanh trà phế phẩm

Thứ hai, ngày 19/08/2013 13:39 PM (GMT+7)
Ngày 18.8, Chi cục Quản lý chất lượng nông – lâm – thủy sản Lâm Đồng (Sở NNPTNT Lâm Đồng) cho biết bước đầu đã có kết luận về việc kiểm tra 6 cơ sở kinh doanh trà đang bị “tai tiếng” kinh doanh trà bẩn trên địa bàn TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng) – “thủ phủ” của cây chè Việt Nam.
Bình luận 0
Kết quả của đợt kiểm tra mới nhất này khiến cho nhiều người không tránh khỏi bất ngờ: Công ty CP Chè Lâm Đồng lại là một trong những đơn vị trong thời gian qua đã tiêu thụ trà phế phẩm của các cơ sở kinh doanh trà bẩn!

Từ ngày 6.8 đến nay, Chi cục Quản lý chất lượng nông – lâm – thủy sản Lâm Đồng đã phối hợp với Phòng Kinh tế và các cơ quan chức năng của TP. Bảo Lộc thành lập đoàn kiểm tra liên ngành và tiến hành kiểm tra đột xuất 6 cơ sở sản xuất và chế biến trà trên địa bàn Bảo Lộc; trong đó, đoàn đã lấy mẫu trực tiếp tại 5 đơn vị là các công ty và cơ sở là Hồng Thoại, Ngọc Dung, Dũng Linh, Nam Thành và Công ty CP Chè Lâm Đồng.

Công ty CP Chè Lâm Đồng hiện nay có tiền thân là Công ty Trà cà phê Lâm Đồng (công ty nhà nước) được thành lập vào tháng 2.1976, sau đó là Công ty Chè Lâm Đồng và hiện là Công ty CP Chè Lâm Đồng. Đơn vị này được xem là một trong những doanh nghiệp sản xuất chè rất lớn của tỉnh Lâm Đồng – địa phương dẫn đầu cả nước về ngành sản xuất và chế biến trà.


Theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông – lâm – thủy sản Lâm Đồng, ông Lê Văn Lục, thì tất cả các cơ sở được kiểm tra đều có những vi phạm, không ít thì nhiều. Đặc biệt, trong số các đơn vị có Công ty CP Chè Lâm Đồng. Đoàn kiểm tra liên ngành đã đưa ra kết luận: “Công ty CP?Chè Lâm Đồng không có chức năng kinh doanh trà phế phẩm nhưng lại thu mua, kinh doanh trà phế phẩm”; và vì vậy, đơn vị này “kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký”.

Trong thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng rộ lên chuyện kinh doanh trà bẩn khiến cho dư luận và người tiêu dùng hết sức hoang mang. Bước đầu, cơ quan chức năng của TP.Bảo Lộc đã xác định được một vài “địa chỉ đen” trên địa bàn thành phố đã nhập trà thải loại từ tỉnh Bình Dương và một số tỉnh phía Bắc về đấu trộn với các loại trà khác để bán cho các cơ sở chế biến trên địa bàn Bảo Lộc; sau đó, các cơ sở chế biến này thêm một lần đấu trộn (hoặc để nguyên) và ướp hương rồi tung ra thị trường, trong đó không loại trừ thị trường nước ngoài.

“Nhiều cơ sở, qua kiểm tra cho thấy, đã sử dụng nguồn nguyên liệu chè có giá thành rất thấp để chế biến trong điều kiện không đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm” – một thành viên của đoàn kiểm tra cho biết. Tuy nhiên, nguồn hàng được chế biến từ chè thải loại này trong thời gian qua đã được tuồn vào Công ty CP Chè Lâm Đồng với số lượng không hề nhỏ. Theo báo cáo của đoàn kiểm tra, trung bình mỗi tháng, để chế biến ra trà thành phẩm, Công ty CP Chè Lâm Đồng đã thu mua bình quân 70 tấn chè khô nguyên liệu của cơ sở Hồng Thoại, 10 tấn chè cọng xay của cơ sở Ngọc Dung và 2 tấn trà phế phẩm của cơ sở Dũng Linh.
Võ Khắc Dũng (Võ Khắc Dũng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem