Cty em Trịnh Xuân Thanh làm dự án điện ở Hậu Giang là nhờ NASA

Hải Phong – Hữu Danh – Hoàng Thắng (thực hiện) Thứ tư, ngày 14/09/2016 07:16 AM (GMT+7)
“Theo tài liệu nghiên cứu của NASA, trong đó tổng hợp những nơi nắng nhất, thì Hậu Giang là một trong những địa điểm thích hợp nhất ở Việt Nam để triển khai điện mặt trời”, đại diện PVSH – Công ty em ông Trịnh Xuân Thanh làm Tổng Giám đốc - giải thích lý do chọn Hậu Giang làm nơi triển khai dự án điện mặt trời.
Bình luận 0

Ngày 9.9, Dân Việt đã có bài viết “Hậu Giang thay đổi quy hoạch điện vì em ông Trịnh Xuân Thanh”. Để rộng đường dư luận, Dân Việt đã tới Công ty CP Đầu tư và Thương mại dầu khí Sông Hồng (PVSH), nơi ông Trịnh Xuân Tuấn – em trai ông Trịnh Xuân Thanh làm Tổng Giám đốc để tìm hiểu thêm thông tin. Rất tiếc là hôm đó, ông Tuấn đi công tác. Tuy nhiên, phía PVSH cũng cử đại diện của mình là ông Nguyễn Chiến Thắng – Phó Tổng Giám đốc và ông Nguyễn Mạnh Linh – Trợ lý Tổng Giám đốc – trao đổi với Dân Việt.

Vừa qua, một số tờ báo đăng tải thông tin ông Trịnh Xuân Thanh đưa em trai mình là ông Trịnh Xuân Tuấn về tỉnh Hậu Giang để xây dựng nhà máy điện mặt trời. Phía UBND tỉnh Hậu Giang cũng đã xác nhận thông tin này. Các ông có thể cho biết hiện dự án đã được triển khai tới đâu?

Ông Nguyễn Chiến Thắng – Phó Tổng giám đốc PVSH: - Công ty chúng tôi là đơn vị chuyên đầu tư dự án, hiện tại cũng làm ở một số nơi. Thời gian triển khai có dự án ngắn hạn và dài hạn. Bước đầu nghiên cứu dự án nhà máy điện mặt trời, từ các báo cáo thu thập được, chúng tôi thấy trên thế giới các dự án dạng này đã triển khai từ lâu, song vẫn rất mới mẻ đối với Việt Nam và hứa hẹn có tính khả thi. Sắp tới, nếu Chính phủ ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn cho phát triển hệ thống năng lượng sạch, sẽ tạo ra cơ hội đầu tư cho nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Xuất phát từ điều này, chúng tôi cũng muốn tìm ra một hướng đầu tư mới và lâu dài cho doanh nghiệp.  

img

Ông Nguyễn Chiến Thắng – Phó Tổng Giám đốc PVSH

Trên thực tế, việc triển khai dự án Nhà máy điện Mặt Trời tại Hậu Giang mới là bước đầu nghiên cứu để có căn cứ tiến hành các bước tiếp theo, còn có quyết định triển khai hay không còn phụ thuộc vào tính khả thi của dự án. Mà hiệu quả của dự án phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó giá bán điện là một yếu tố quan trọng. Bước đầu, chúng tôi vẫn đang nghiên cứu sơ bộ, còn việc có làm hay không thì chúng tôi vẫn chưa quyết định. 

Về thủ tục pháp lý, hiện công ty mới chỉ hoàn thành 2 giấy tờ cơ bản. Thứ nhất, xin được chủ chương của tỉnh Hậu Giang “về việc cho phép khảo sát nghiên cứu dự án Nhà máy điện mặt trời tại Hậu Giang”. Thứ hai, từ đó, công ty xin “phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2011-2015, có xét đến 2020”. Còn lại, toàn bộ các thủ tục đầu tư khác, công ty chưa thực hiện.

Hai thủ tục trên được Công ty hoàn thành thời điểm nào, thưa ông?

- Đều hoàn thành trong năm 2016, riêng quyết định “phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2011-2015, có xét đến 2020” do Bộ Công Thương duyệt. Theo quy trình, công ty làm hồ sơ, rồi gửi cho tỉnh Hậu Giang để các sở ban ngành thẩm định. Sau đó, hồ sơ được chuyển lên Tổng Cục Năng lượng, Bộ Công Thương phê duyệt theo quy định.

Như đã chia sẻ, sau hai bước trên thì công ty dừng lại, không triển khai thêm bất kì bước nào. Lí do là chúng tôi đợi Chính phủ ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn. Nếu không, dự án sẽ không có tính khả thi vì chưa thể biết giá bán điện sẽ ra sao? Đứng trên phương diện nhà đầu tư, chúng tôi cần một lượng thông tin đầu vào tương đối chính xác mới có thể lên phương án đầu tư, kinh doanh.

Nếu không có chính sách từ Chính phủ, chúng tôi không thể triển khai bất kì khâu nào nên dự án vẫn đang tạm chờ, chưa biết khi nào khởi động lại.

Hiện nay, có bao nhiêu nhà máy điện mặt trời ở Việt Nam và hiệu quả ra sao, thưa ông?

- Theo tôi được biết qua truyền thông, có một nhà máy nằm ở tỉnh Quảng Ngãi. Nhưng vì họ chưa làm xong nên chúng tôi cũng không rõ hiệu quả tới đâu.

Theo thông tin ban đầu PV nắm được, dự án có tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng?

- Đó chỉ là khái toán. Theo kinh nghiệm nghiên cứu từ các nước trên thế giới và các tài liệu tham khảo, việc tính toán mức đầu tư cho nhà máy điện mặt trời đang tạm tính theo công suất.

img

Trụ sở Công ty CP Đầu tư và Thương mại dầu khí Sông Hồng (PVSH)

Chủ chương đầu tư xây dựng nhà máy điện mặt trời của công ty tại Hậu Giang xuất phát từ đâu, thưa ông?

- Năm 2015, có những thông tin xuất hiện trên báo nói về việc khởi công xây dựng nhà máy điện mặt trời ở các địa phương. Bộ phận nghiên cứu thị trường đã có ý kiến đề xuất nghiên cứu phương án, lập dự án đầu tư xây dựng nhà máy điện mặt trời và đánh giá đây là một dự án có tính khả thi.

Thời tiết Hậu Giang theo chúng tôi nắm được có tới 6 tháng mùa mưa, liệu hoạt động của nhà máy điện mặt trời tại đây có khả thi?

- Công ty đã nghiên cứu sơ bộ, nhận được tư vấn về số giờ nắng/năm ở địa phương. Theo tài liệu nghiên cứu của NASA mà chúng tôi có được, trong đó tổng hợp những nơi nắng nhất, thì Hậu Giang là một trong những địa điểm thích hợp nhất ở Việt Nam để triển khai điện mặt trời. Giờ nắng/năm của Hậu Giang là 2561 giờ/năm, nằm trong top đầu của Việt Nam. Như vậy hoàn toàn đủ điều kiện để xây dựng nhà máy điện mặt trời. Chúng tôi sẽ phải tính toán lựa chọn phương án đầu tư và công nghệ phù hợp, chi phí đầu vào hợp lý để dự án có tính khả thi. 

Nếu chậm triển khai dự án, PVSH có lo lắng địa phương sẽ thay đổi chủ trương, thu hồi dự án không?

- Mọi thứ phụ thuộc vào phương án kinh doanh. Chúng tôi rất tâm huyết với dự án và mong muốn Chính phủ sớm có chính sách để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư trong lĩnh vực năng lượng sạch. Nếu dự án bị thu hồi theo chủ trương của tỉnh thì PVSH cũng phải chấp nhận, còn hơn cứ cố làm dù biết sẽ lỗ.

Xin cảm ơn các ông!

Ngày 9.9, nguồn tin từ UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, dự án nhà máy quang điện của Công ty CP Đầu tư và Thương mại dầu khí Sông Hồng (PVSH) tại huyện Phụng Hiệp đã tạm hoãn khởi công. Dự án này có vốn đầu tư hơn 1.100 tỷ, diện tích 40ha, dự định khởi công vào ngày 30.4.2016 và chưa có lịch khởi công mới. Giám đốc PVSH là ông Trịnh Xuân Tuấn, sinh năm 1970, là em ruột ông Trịnh Xuân Thanh.

Ngày 9.12.2015, PVSH có văn bản đề nghị thực hiện Dự án Nhà máy điện mặt trời, có vốn đầu tư hơn 1.131 tỷ đồng tại huyện Phụng Hiệp. Chưa đầy một tuần, ngày 17.12.2015, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hậu Giang đã có Văn bản số 251/BC-SKHĐT gửi UBND tỉnh Hậu Giang đề xuất chủ trương đầu tư dự án của PVSH. Quý I.2016, ông Trịnh Xuân Thanh, với tư cách Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư của Công ty em mình.

Điều làm dư luận bất ngờ là, trong quy hoạch phát triển điện lực của Hậu Giang trước khi ông Trịnh Xuân Thanh về hoàn toàn không có chuyện phát triển quang điện ở Hậu Giang. Sau đó, PVSH đề nghị bổ sung dự án Nhà máy Điện mặt trời vào Quy hoạch Phát triển điện lực tỉnh Hậu Giang. Từ đề nghị này, Hậu Giang tiếp tục trình Bộ Công Thương và dự án được bổ sung sau đó.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem