Cứ 3 người trẻ lại có 1 người đầu cơ, Hàn Quốc thành sòng bạc tiền mã hóa

Thứ hai, ngày 21/06/2021 07:05 AM (GMT+7)
Giao dịch tiền mã hóa trở thành trò đỏ đen khiến nhiều thanh niên Hàn Quốc lao vào vòng nợ nần và mắc các chứng bệnh tâm thần.
Bình luận 0

Khi nhắc đến Hàn Quốc, các bạn sẽ nghĩ đến điều gì?

Đó có phải là một ngành văn hóa và giải trí phát triển vượt bậc, là kỹ thuật phẫu thuật thẩm mỹ phi thường, là kim chi hay là nguồn gốc của vũ trụ?...Đằng sau những cái mác quen thuộc đó, Hàn Quốc giờ đây có thể có thêm một danh xưng nữa, đó là đất nước đầu cơ tiền mã hóa.

Đầu năm 2018, Koreanclick, một cơ quan nghiên cứu thị trường tại Hàn Quốc, đã thống kê rằng 5,09 triệu người Hàn Quốc đã sử dụng các dịch vụ tiền mã hóa. Đây không phải là một con số nhỏ đối với Hàn Quốc, quốc gia có tổng dân số chỉ 50 triệu người.

Nói cách khác, cứ mười người Hàn Quốc thì có một người đầu cơ tiền mã hóa, và nếu loại trừ trẻ em và người già, thì cứ ba người trẻ tuổi Hàn Quốc sẽ có một người đầu cơ.

Nhưng đây chỉ là con số từ ba năm trước. . . Trong quý đầu tiên của năm nay, có hơn 2,5 triệu tài khoản mới được thêm vào trên bốn sàn giao dịch tiền ảo nội địa lớn ở Hàn Quốc. Cụ thể hơn, 33% lượng tài khoản đó được mở bởi những người đang ở độ tuổi 20 và 31% chủ tài khoản đang ở ngưỡng tuổi ngoài 30.

Người Hàn Quốc đua nhau đầu cơ tiền mã hóa

Chính phủ Hàn Quốc đã từng công bố kế hoạch ngăn chặn tiền mã hóa và thậm chí có kế hoạch đóng cửa các sàn giao dịch. Tuy nhiên, nhiều người dân Hàn Quốc không hài lòng với kế hoạch này và họ đã đưa ra một bản kiến nghị trên trang web chính thức của Phủ Tổng thống để phản đối, và số người ký ngay lập tức lên tới 200.000 người. Do đó, các kế hoạch ngăn chặn tiền mã hóa của chính phủ Hàn Quốc bị xóa bỏ.

Cứ 3 người trẻ lại có 1 người đầu cơ, Hàn Quốc thành sòng bạc tiền mã hóa - Ảnh 1.

Các quán game ở Hàn Quốc được trang bị cấu hình mạnh, quy mô lên đến hàng trăm dàn máy. Ảnh: Koreaboo.

Vào đầu năm 2021, 20% quán game của Hàn Quốc đã trực tiếp đóng cửa và bắt đầu khai thác Bitcoin. Trong điều kiện thị trường hiện tại và dịch bệnh, lợi ích của các hoạt động khai thác cao hơn nhiều so với hoạt động bình thường của các quán cà phê Internet. Trung bình, một quán game ở Hàn Quốc với 200 máy tính, khai thác Bitcoin liên tục 15 giờ một ngày có thể tạo ra lợi nhuận khoảng 900 USD, cao hơn nhiều so với thu nhập thông thường.

Nói chung, nếu bạn phản đối đầu cơ tiền tệ ở Hàn Quốc, bạn có thể bị coi là kẻ ngoại lai.

Theo Forbes, Hàn Quốc thúc đẩy làn sóng tiền điện tử vào năm 2017. Đây là một trong những thị trường lớn nhất thế giới của Ether và Bitcoin. Các công ty game và công nghệ hàng đầu của nước này như Nexon, Smilegate, Netmarble và NHN Entertainment đều đặt cược lớn vào tiền ảo.

Cùng với sự phổ biến bất thường của tiền mã hóa ở Hàn Quốc, giá tiền mã hóa ở quốc gia này đã cao hơn giá thị trường của các quốc gia khác bên ngoài.

Cơn sốt giao dịch cũng là khởi nguồn cho thuật ngữ "Kimchi Premium", ám chỉ tới giá trị tăng thêm một đồng tiền điện tử có thể đạt được tại thị trường Hàn Quốc, có thời điểm vượt mốc 20% giá trị thực của đồng tiền đó.

Lấy ngày 19/5 năm nay làm ví dụ, "Kimchi Premium" của Bitcoin vào ngày hôm đó đạt 5.000 USD, có nghĩa là Bitcoin ở Hàn Quốc đắt hơn 5000 USD so với các quốc gia khác.

Và ngày hôm đó, khối lượng giao dịch của 4 sàn giao dịch tiền ảo lớn ở Hàn Quốc đạt gần 40 tỉ USD, cao hơn khối lượng giao dịch của chứng khoán Hàn Quốc ngày hôm đó.

Theo phân tích của QQ, mức độ phổ biến của đầu cơ tiền mã hóa tại Hàn Quốc thậm chí còn cao hơn so với cổ phiếu Bluechip.

Với "Kimchi Premium", nhiều thương lái nước ngoài cũng đã nhắm đến thị trường Hàn Quốc. Họ đã lợi dụng một số kẽ hở trong quy định để chuyển tiền mã hóa từ bên ngoài vào Hàn Quốc với giá thấp, sau đó bán với giá cao để kiếm "Kimchi Premium".

Cơ quan Hải quan Hàn Quốc đã điều tra và truy tố những người đã sử dụng đầu cơ ngoại hối và các phương tiện khác để trục lợi mua bán bất động sản tại nước này.

Giấc mộng đổi đời của giới trẻ Hàn Quốc

Cứ 3 người trẻ lại có 1 người đầu cơ, Hàn Quốc thành sòng bạc tiền mã hóa - Ảnh 2.

Ảnh: QQ

Mặc dù đầu tư vào tiền mã hóa không phải hành vi phạm pháp nhưng có thể thấy rằng thói nghiện đầu cơ của người Hàn Quốc thực sự quá lớn.

Tất nhiên, thực tế có nhiều lý do xã hội và kinh tế đằng sau người Hàn Quốc, đặc biệt là giới trẻ, những người nghiện đầu cơ vào tiền mã hóa.

Lấy ví dụ như thủ đô Seoul của Hàn Quốc, khoảng 20% dân số tập trung đông đúc vào trung tâm chính trị, văn hóa và kinh tế của đất nước. Tiêu dùng cao, giá nhà đất đắt đỏ, phân chia giai cấp càng lớn và áp lực việc làm khiến nhiều người trẻ không thể ngẩng cao đầu, thêm vào đó là sự bất lực của chính phủ trong việc quản lý tiền mã hóa.

Làm thế nào để giải tỏa lo lắng, chỉ có thể làm giàu! Nó đã trở thành tín ngưỡng của mọi người và họ bắt đầu tin tưởng chắc chắn rằng tiền mã hóa là cơ hội cuối cùng để có được vị trí trong xã hội và "cơ hội đổi đời" nhanh hơn.

Đồng thời, nhiều câu chuyện về đầu cơ tiền bạc và làm giàu bắt đầu lan truyền trong xã hội.

Trong đó, lan truyền rộng rãi nhất là việc nhân viên Samsung kiếm được 40 tỉ won (khoảng 35.5 triệu USD) từ việc đầu cơ tiền mã hóa. Những câu chuyện làm giàu tương tự đều đang kích thích thần kinh của giới trẻ Hàn Quốc.

Theo một cuộc khảo sát với 1.750 sinh viên đại học của cổng thông tin tìm kiếm việc làm Alba Heaven, 53% số đó bày tỏ quan điểm tích cực về việc đầu tư vào tiền điện tử. 24% thừa nhận đã đổ tiền vào hình thức đầu tư này. Trong số những người ủng hộ, 33% cho biết tỷ lệ lợi nhuận cao là lý do họ quan tâm.

Tuy nhiên, cơn sốt tiền mã hóa ở Hàn Quốc tạo điều kiện cho những kẻ lừa đảo và họ đã bắt đầu thu hoạch rầm rộ trên xứ kim chi.

Cách đây không lâu, Hàn Quốc đã phá vỡ một kế hoạch Ponzi trị giá gần 19 triệu USD và gần 70.000 người đã bị lừa.

Kế hoạch này chủ yếu nhắm vào người già và những người có hiểu biết hạn chế về tiền mã hóa. Các CEO đã thiết lập một trang web mua sắm cũng như một sàn giao dịch chỉ dành cho các thành viên. Các thành viên được khuyến khích tìm thêm những người khác tham gia vào chương trình và được thưởng M-Coin, một loại tiền điện tử giả được tạo ra bởi những kẻ lừa đảo. Vụ lừa đảo đã được thực hiện ở khoảng 200 văn phòng khác nhau tại Seoul và những nơi khác.

Tuy nhiên, khi cảnh sát tìm thấy nạn nhân, họ vẫn khẳng định rằng mình sẽ không gọi cảnh sát và mình không hề bị lừa! Họ chờ đợi tiền sẽ quay trở lại.

Bệnh tâm thần

Cứ 3 người trẻ lại có 1 người đầu cơ, Hàn Quốc thành sòng bạc tiền mã hóa - Ảnh 3.

Ảnh: BTC Manager

Điều đáng buồn nhất là nhiều thanh niên ở Hàn Quốc đã mắc bệnh tâm thần do đầu cơ tiền mã hóa.

Theo BTC Manager, 68% các nhà giao dịch tiền mã hóa trẻ tuổi của Hàn Quốc đã gặp phải các vấn đề tâm lý, bao gồm lo lắng và mất tập trung.

Do tiền ảo biến động theo thời gian thực 24 giờ một ngày và không có ngày nghỉ, nếu bạn liên tục xem biểu đồ giá và niềm tin không đủ mạnh, bạn sẽ phải căng thẳng thần kinh từng phút từng giây.

Nhiều người thậm chí sử dụng số tiền đã vay mà không hiểu rõ kiến thức về blockchain hay một số cách phân tích kỹ thuật, rồi trực tiếp mở đòn bẩy cao trên thị trường tiền ảo, chờ vận may của thần tài đến. Tuy nhiên, trong cuộc đua đỏ đen này, người thua nhiều hơn người thắng.

Giao dịch tiền ảo trở thành trò cờ bạc khiến nhiều thanh niên Hàn Quốc nghiện ngập. Sự lao dốc gần đây của thị trường tiền mã hóa cũng khiến nhiều thanh niên mới bước chân vào xã hội sớm phải gánh nợ. Mặc dù công nghệ blockchain thực sự đầy hứa hẹn, nhưng hãy giữ đầu óc tỉnh táo.

Tiền mã hóa luôn tồn tại một con dao sắc bén với hành động tàn nhẫn - đó là chặt chém, do đó, nếu không hiểu gì về thị trường tiền mã hóa thì đừng đánh cược gia đình mình vào những giấc mộng đổi đời viển vông.

Thanh Hà (Theo QQ/Viettimes)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem