"Cú hích" từ EVFTA: Doanh nghiệp Việt làm gì để tận dụng sau dịch Covid-19?

Quang Dân Thứ tư, ngày 25/03/2020 08:23 AM (GMT+7)
Có cơ sở để hy vọng là dịch Covid-19 sẽ sớm được dập tắt và hoạt động thương mại sẽ trở lại bình thường. Nhiều chuyên gia cho rằng, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chắc chắn giúp Việt Nam bù đắp được một phần mất mát tăng trưởng của những tháng đầu năm. Vấn đề còn lại là hành động của doanh nghiệp.
Bình luận 0

Ngày 12/2/2020, Nghị viện châu Âu (EU) đã chính thức bỏ phiếu phê chuẩn hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Dự kiến, từ thời điểm 1/7/2020, nếu Quốc hội thông qua và Việt Nam kịp làm thủ tục thông báo với EU, EVFTA sẽ chính thức được thực thi.

Đối với kinh tế Việt Nam, các chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu cho năm 2020 sẽ khó đạt do bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19, một số ngành xuất khẩu dự kiến được hưởng lợi lớn từ EVFTA như dệt may, da giày .. có thể sẽ gặp khó khăn do chuỗi cung ứng bị gián đoạn.

Ngành giày đã tự chủ được tới 60% nguyên liệu nhưng trong thời đại toàn cầu hóa này, không thể tự chủ 100% được, một số phụ liệu vẫn phải phụ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài. Nếu chuỗi cung cứng bị gián đoạn bởi dịch thì khả năng nắm bắt cơ hội sẽ giảm đáng kể.

Trong mọi trường hợp, những ngành ít phụ thuộc vào chuỗi cung ứng, thí dụ như nông sản, sẽ được hưởng lợi ngay từ khi hiệp định có hiệu lực và chúng ta đặt ra những kỳ vọng lớn cho những ngành này.

Tuy nhiên, có cơ sở để hy vọng là dịch sẽ sớm được dập tắt và hoạt động thương mại sẽ trở lại bình thường. Nếu được như vậy, Hiệp định EVFTA chắc chắn sẽ giúp chúng ta bù đắp được một phần mất mát tăng trưởng của những tháng đầu năm.

Trong khi đó, nhiều ý kiến bày tỏ quan điểm, việc Hiệp định EVFTA được thông qua chỉ là bước khởi đầu, quan trọng là các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng làm thế nào để đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm, minh bạch nguồn gốc xuất xứ mà EU đưa ra.

img

Hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ alf cú hích cho nền nông nghiệp và xuất khẩu Việt Nam hồi phục sau Covid-19

Doanh nghiệp, Hợp tác xã mơ hồ với EVFTA

Trao đổi với Dân Việt về việc chuẩn bị các tiêu chuẩn để tham gia vào thị trường cao cấp này trong thời gian tới, anh Nguyễn Văn Tú, Giám đốc HTX đầu tư sản xuất và thương mại phát triển Nấm sạch Việt Tú cho biết, đến thời điểm hiện tại, HTX của anh vẫn chỉ biết về hiệp định thương mại tự do EVFTA qua báo đài và khá mơ hồ về hiệp định này.

"Tôi nghe nhiều nơi nói về cơ hội mở rộng thị trường, tăng xuất khẩu qua thị trường châu Âu, tăng thu nhập, nhưng cũng biết qua thông tin báo chí. Còn làm cách nào để tiếp cận nó, để sản phẩm chúng tôi được tham gia vào thì chưa thấy các cấp chính quyền nào có thông báo hay hướng dẫn cụ thể để HTX biết, chuẩn bị và chủ động", anh Tú cho hay.

Tương tự, anh Nguyễn Tiến Thiều, Giám đốc HTX nông nghiệp Thắng Lợi (Hưng Yên) chia sẻ, mới đây có công ty nước ngoài muốn khảo sát và hướng dẫn HTX đạt tiêu chuẩn bên họ, tuy nhiên, liên quan đến hiệp định thương mại tự do EVFTA thì doanh nghiệp vẫn chưa nhận được hướng dẫn cụ thể nào về các điều kiện để chuẩn bị cho sự kiện này.

"Thị trường của HTX vẫn chủ yếu là nguồn hàng trong nước, và một số ít được xuất khẩu qua Trung Quốc. Trước tác động của dịch bệnh Covid-19 chưa ảnh hưởng nhiều đến tình hình sản xuất kinh doanh, nhưng trước diễn biến của dịch hiện tại sẽ ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu", anh Thiều nói.

Cũng theo anh Nguyễn Tiến Thiều, nếu có những hướng dẫn cụ thể và chi tiết về EVFTA, HTX sẽ có thêm cơ hội để mở rộng thị trường. Còn về tiêu chuẩn về chất lượng đầu vào của sản phẩm với thị trường cao cấp, chỉ cần có thông số cụ thể, HTX có thể điều chỉnh để sản phẩm có chất lượng tốt nhất ngay tại vùng sản xuất. Hiện tại, những vấn đề liên quan đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón.. nông dân vẫn chưa nắm được định mức cụ thể để điều chỉnh, mà vẫn chỉ làm theo phương thức truyền thống từ trước tới nay.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, đang có sự khác biệt về sự chuẩn bị giữa các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp lớn dường như có sự chuẩn bị tốt hơn so với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp xuất khẩu dường như tích cực hơn so với các doanh nghiệp phải chịu cạnh tranh từ EU sau khi Hiệp định được ký kết.

Do đó, để khai thác được tối đa lợi ích mà hiệp định này mang lại, các doanh nghiệp của chúng ta, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần chủ động nghiên cứu thông tin để có sự chuẩn bị tích cực.

Việc chuẩn bị nên được tiến hành toàn diện từ nghiên cứu cơ hội, thách thức của thị trường EU đến các giải pháp như nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất, v.v. 

Doanh nghiệp cần làm gì để tham gia vào EVFTA

Trao đổi với Dân Việt, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, khi các Hiệp định được thực thi sẽ đặt ra yêu cầu rất cao với Việt Nam, từ điều kiện lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm, sở hữu trí tuệ, công khai minh bạch, chống tham nhũng,… Chúng ta đã có một Hiệp định với những cam kết cao nhất từ trước đến nay.

Đây là tín hiệu rất quan trọng với Việt Nam. Về phía các doanh nghiệp, trong thời gian này, cần nghiên cứu kỹ các điều kiện của thị trường châu Âu. Đặc biệt, trong đó là những điều kiện về xuất khẩu.

img

Các doanh nghiệp cũng cần chủ động xây dựng các chương trình hành động đề mời các đối tác đến.

Theo TS. Lê Đăng Doanh, hiện tại, các doanh nghiệp cần cố gắng tham gia vào chuỗi giá trị của một tập đoàn, doanh nghiệp lớn, ký kết hợp đồng hợp tác lâu dài với các đối tác liên minh châu Âu.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần chủ động xây dựng các chương trình hành động đề mời các đối tác đến. Nâng cấp các công nghệ và quản trị để đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp đến từ Liên minh châu Âu.

Để doanh nghiệp có sự quan tâm đúng mức đến các Hiệp định, ông Doanh cho rằng, các hiệp hội cần tổ chức các lớp tập huấn. Cụ thể, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có Trung tâm WTO nắm vững về các tổ chức thương mại quốc tế.

"Tôi nghĩ doanh nghiệp không nhất thiết phải có hiểu biết chi tiết về mọi vấn đề. Những vấn đề gì doanh nghiệp cần quan tâm thực hiện phải được trình bày, hướng dẫn một cách rõ ràng. Trong đó, Bộ Công Thương và VCCI phải đi đầu về lĩnh vực này", ông Doanh nhấn mạnh.

Đặc biệt, đối với những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh về xuất khẩu như nông sản, thủy sản, dệt may, da giày, đồ gỗ,… Ngay từ bây giờ, các hiệp hội phải tổ chức, vào cuộc để doanh nghiệp phát huy thế mạnh ngay khi các Hiệp định có hiệu lực.

TS. Đào Thế Anh, Phó viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, EVFTA vốn là thị trường cao cấp và khó tính, nên muốn xất khẩu nông sản qua thị trường này bắt buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải có những sự chuẩn bị cụ thể.

Đầu tiên, nông sản Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là hàng tươi sống. Trong khi đó vấn đề của chúng ta là thiếu công nghệ, thiếu chuỗi giá trị sau thu hoạch như kho lạnh từ vùng sản xuất, kho lạnh đồng bộ suốt cả chuỗi, đảm bảo nhiệt độ phải ổn định.

"Kho lạnh có thể bảo quản được thực phẩm tươi, ngon sau thu hoạch. Giải quyết được vấn đề này chúng ta mới có thể xuất khẩu rải ra theo từng đợt, có thêm thời gian để tìm kiếm nguồn thị trường. Chứ bây giờ thu hoạch xong vụ mùa là phải đẩy đi một lần thì cũng là hạn chế cho các doanh nghiệp trong việc chủ động", ông Anh cho hay.

TS. Đào Thế Anh đánh giá, cái thiếu nhất của nông nghiệp việt nam hiện tại vẫn là dịch vụ, các hợp tác xã hay doanh nghiệp nào muốn suất khẩu thì phải tự đầu tư dây chuyền của mình. Trong khi, nông sản chỉ sản xuất theo vụ, chi phí lớn, rất đắt dẫn đến không hiệu quả.

Ngoài đẩy mạnh xuất khẩu, việc thu hút đầu tư FDI từ EVFTA vào nông nghiệp công nghệ cao cũng rất cần thiết. Lúc này, cần vai trò của HTX trong việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu đồng thời cũng cần tìm kiếm những doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào dây chuyền sau thu hoạch để tăng chất lượng hàng hóa cũng như giảm thất thoát sau thu hoạch.

Bên cạnh đó, ngành khuyến nông cũng cần phải thay đổi, thay đổi cách làm thị trường, công nghệ sau thu hoạch, những điều này khuyến nông chưa làm được. Đồng thời, áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin vào nông nghiệp cũng rất quan trọng. Truy xuất nguồn gốc đòi hỏi sự đồng bộ của công nghệ thông tin như quyét mã vạch, kiểm tra ngày sản xuất, hạn sử dụng…

"Trồng trọt tốt rồi, giai đoạn đầu chúng ta đầu tư các loại giống rất tốt. Tuy nhiên, giai đoạn sau thu hoạch thì chúng ta còn nhiều thứ cần phải cải thiện nếu muốn tham gia vào những thị trường cao cấp. Để làm được điều đó cần có vốn, có tín dụng đi kèm, có chương trình đào tạo, nâng cao năng lực cho HTX, cho người dân… Những việc này, chỉ Bộ Nông nghiệp, Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải không làm được mà cần sự vào cuộc của cả hệ thống", TS. Đào Thế Anh nói.

EVFTA được kỳ vọng là cú hích lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.

Rõ ràng, còn rất nhiều những vấn đề mà cả các cấp chính quyền, cả doanh nghiệp cần phải thay đổi để có thể có thể đón đầu con sóng EVFTA. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức để không chỉ ngành nông nghiệp Việt Nam phục hồi, nền kinh tế Việt Nam phát triền mà còn là thước đo để kiểm chứng cho thương hiệu Việt Nam trên thị trường sản xuất, xuất khẩu trên thế giới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem