Theo Huang Qiaoquan – giám đốc quan hệ công chúng của Văn phòng Quản lý Tang lễ Bắc Kinh, kể từ năm 2006, yêu cầu tuyển dụng tối thiểu là phải tốt nghiệp đại học. Mỗi năm đều có sinh viên từ các trường đại học hàng đầu như Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh làm việc trong ngành này và chưa có ai bỏ nghề cả.
“Năm ngoái, khoảng 500 sinh viên đã nộp đơn xin việc cho 5 vị trí tại văn phòng quản lý tang lễ, cạnh tranh thực sự gay gắt”, Huang nói.
Tháng trước, Shanghai Business Daily đưa tin 30% chuyên gia trong ngành dịch vụ tang lễ có bằng đại học, trong khi năm 2007 mới là 15%. Chỉ 15% số cử nhân trên bỏ việc.
Đa số các ứng viên đều có những lý do thực tế để khởi nghiệp bằng công việc dịch vụ tang lễ. Song Jiajia có thể đã trở thành một giáo viên lịch sử sau khi nhận bằng thạc sĩ tại một trường đại học ở Bắc Kinh, nhưng cuối cùng cô đã chọn Nghĩa trang Cách mạng Babaoshan để làm việc.
|
Ngành dịch vụ tang lễ ở Trung Quốc đang thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm của cử nhân đại học - Ảnh: Xinhua |
Song giải thích lý do cô chọn nghề này là vì “mức lương khá, công việc không quá bận rộn, và chỗ làm gần nhà”.
Cô nói thêm cử nhân đại học ngày nay rất thực tế: “Kể từ khi thị trường lao động đi xuống thì điều kiện làm việc ổn định và lương cao trở thành những mối quan tâm hàng đầu cho đa số cử nhân như tôi.”
Ông Huang cho biết mức lương trung bình tại các nghĩa trang ở Bắc Kinh “cao hơn lương của công chức nhà nước”. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng sinh viên ngày càng lưu tâm đến ngành dịch vụ tang lễ có thể là do sự cạnh tranh mạnh mẽ ở các chuyên ngành truyền thống.
Theo Li Qingzhi – giám đốc nhà tang lễ ngoại thành phía đông Bắc Kinh, ngành dịch vụ tang lễ đã có những thay đổi đáng kể trong vài năm trở lại đây: “Trước đây, nghề này không có chuyên ngành đào tạo, nhưng bây giờ môt số trường đại học ở Bắc Kinh, Trùng Khánh và Vũ Hán đã mở một vài chuyên ngành liên quan đến tang lễ.”
Ngọc Thúy
Theo China Daily
Vui lòng nhập nội dung bình luận.