Cử nhân về làng làm nông dân, giải “cơn khát” nhân lực trình độ cao tại các hợp tác xã
Cử nhân về làng làm nông dân, giải “cơn khát” nhân lực trình độ cao tại các hợp tác xã
Tuấn Minh
Chủ nhật, ngày 09/08/2020 12:57 PM (GMT+7)
Sau 2 năm triển khai thí điểm mô hình đưa trí thức trẻ về làm việc tại các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp tại tỉnh Lạng Sơn, chất lượng nguồn nhân lực ở nhiều HTX trên địa bàn đã được cải thiện. Qua đó, nhiều HTX có điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng doanh thu và thu nhập cho xã viên, người lao động.
Hiện nay, số HTX đăng ký thành lập trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn tuy có tăng nhưng chủ yếu vẫn ở quy mô nhỏ, hiệu quả thấp. Đa phần cán bộ lãnh đạo HTX là những “lão nông tri điền”, những kiến thức có được nhờ đúc rút từ trong thực tế lao động và sản xuất. Khi hình thành HTX, họ trở thành nhà quản lý “tay ngang”, do đó còn lúng túng, hạn chế trong điều hành hoạt động.
Sau khi đưa trí thức trẻ về làm việc, các HTX được bổ sung nguồn nhân lực có trình độ, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất được nâng cao hơn. Đây chính là lực lượng “trợ lực” cho các lãnh đạo HTX quản lý, điều hành từng bước hiệu quả hơn.
Trước đó, Lạng Sơn là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển HTX; thông tư Bộ Tài chính về hướng dẫn mức hỗ trợ và cơ chế tài chính hỗ trợ bồi dưỡng nguồn nhân lực của HTX, thành lập mới HTX giai đoạn 2015 - 2020. Theo đó, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành kế hoạch và phê duyệt danh sách 10 HTX nông nghiệp thực hiện thí điểm đưa trí thức trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc trong giai đoạn 2018 - 2020, bắt đầu từ ngày 1/6/2018.
Là 1 trong 10 HTX đầu tiên đưa trí thức trẻ về làm việc, HTX thủy sản Lê Hồng Phong (huyện Bắc Sơn) đã đạt được những thành công bước đầu sau 2 năm triển khai mô hình này.
Ông Dương Hữu Chức - Giám đốc HTX cho biết: "Tại HTX hiện có một trí thức trẻ đang đảm nhiệm vị trí kế toán. Nhờ có trình độ chuyên môn, có kiến thức nên công việc sổ sách thu chi của HTX luôn rõ ràng. Người trẻ, sức trẻ và công việc mới mẻ nên cũng năng động và nhiệt huyết hơn, mọi sổ sách, giấy tờ được thực hiện nhanh gọn. Chính vì vậy, ngoài hỗ trợ của nhà nước theo quy định, HTX trả thêm 1 triệu đồng/tháng cho trí thức trẻ làm việc tại HTX".
Tháo gỡ khó khăn nguồn nhân lực tại HTX
Chị Lương Thị Thúy Hoàn (SN 1992) là 1 trong 10 trí thức trẻ được lựa chọn tham gia mô hình thí điểm đưa trí thức trẻ về làm việc tại các HTX của tỉnh Lạng Sơn.
Chị Hoàn chia sẻ: "Sau khi biết đến mô hình thí điểm đưa trí thức trẻ về làm việc tại các HTX, tôi đã rất mong muốn được tham gia. Từ năm 2018 đến nay, mình đảm nhiệm vị trí kế toán tại HTX thủy sản Lê Hồng Phong. Không chỉ làm nhiệm vụ kế toán mà tôi còn hỗ trợ HTX thêm những nội dung khác như: Tham gia góp ý xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm của HTX...".
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Tuyến - Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NNPTNT tỉnh Lạng Sơn) cho biết, sau 2 năm triển khai mô hình thí điểm đưa trí thức trẻ về làm việc tại 10 HTX trên địa bàn tỉnh, các HTX đều hoạt động có hiệu quả.
Tuy nhiên, thời điểm cuối năm 2019, đầu năm 2020, do xuất hiện dịch bệnh trên các đàn lợn, cộng thêm ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các HTX cũng bị ảnh hưởng nhiều, đặc biệt là HTX chăn nuôi lợn.
"Vừa qua, chúng tôi tiến hành kiểm tra thực tế và đánh giá hiệu quả của việc đưa trí thức trẻ về làm việc tại các HTX. Nhìn chung, việc đưa những trí thức trẻ có kiến thức, năng lực và đã qua đào tạo đang mang lại hiệu quả cao. Họ được đào tạo bài bản, có chuyên môn tốt, khi bắt tay vào làm cũng hiệu quả và nhanh nhẹn hơn. Tuy nhiên do ảnh hưởng dịch bệnh, hoạt động của HTX bị ảnh hưởng nên hiện có 5 HTX xin rút khỏi dự án".
Theo ông Tuyến, các HTX trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đều có nhu cầu về nhân lực có chuyên môn về làm việc tại các HTX.
Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn về nguồn nhân lực chất lượng cho HTX nông nghiệp, tại Nghị quyết số 08/2019 của HĐND tỉnh Lạng Sơn ngày 10/12/2019 về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2020 - 2025 nêu rõ: Mỗi HTX được hỗ trợ thuê 1 lao động về làm việc tại HTX. Mức hỗ trợ bằng 1 lần mức lương tối thiểu vùng tại địa bàn trí thức trẻ làm việc và thời hạn hỗ trợ tối đa không quá 36 tháng.
Các HTX được tự chủ và tự quyết định trong tuyển dụng trí thức trẻ tham gia mô hình. Mỗi HTX được hỗ trợ 1 trí thức trẻ làm việc trong thời gian 36 tháng, mức hỗ trợ tối đa cho 1 HTX bằng mức lương tối thiểu vùng nhân với số tháng được hỗ trợ.
Sau khi nghị quyết được ban hành, Sở NNPTNT, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các sở, ngành liên quan đã tổ chức hội nghị triển khai, hướng dẫn thực hiện. Hiện nay, các huyện, thành phố đã và đang triển khai đến các xã.
Nhiều HTX nông nghiệp sau khi nắm bắt được nội dung hỗ trợ trí thức trẻ về làm việc theo Nghị quyết 08 đã rất phấn khởi và nhanh chóng bắt tay vào thực hiện.
Để tìm, giữ được trí thức trẻ phù hợp, làm việc lâu dài, bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước, các HTX cũng cần quan tâm, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để các tri thức trẻ tăng thêm thu nhập, phát huy năng lực, sở trường, qua đó giúp HTX nâng cao chất lượng hoạt động.
Nghị quyết 08/2019/NQ-HĐND tỉnh Lạng Sơn quy định các trường hợp ưu tiên về làm việc tại HTX là cán bộ kỹ thuật, cán bộ kế toán để hỗ trợ quản trị, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh; trí thức trẻ là con em trong các thành viên HTX, người dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn nhưng vẫn bảo đảm đáp ứng về năng lực, trình độ…
“Đây là bài viết tuyên truyền về Truyền thông về xây dựng nông thôn mới năm 2020 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.