Danh phận cho “người ấy”
Chiều 7.12, tiếp chúng tôi tại nhà riêng ở Cư xá Thanh Đa (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), ông Mai Kim Sơn thổ lộ: “Tôi rất buồn và thất vọng khi Trung tâm hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM trưa hôm nay mới báo tin rằng chúng tôi không thể làm đám cưới tập thể.
Lý do họ đưa ra là chúng tôi đăng ký quá muộn trong khi đã có đủ số cặp tham gia như kế hoạch ban đầu”. Ông Sơn thanh minh: “Tôi viết thư đăng ký vào ngày 29.11, tức là còn 13 ngày nữa đám cưới mới diễn ra cơ mà”.
|
Cụ Mai Kim Sơn luyện tập thể dục mỗi ngày |
Trong “bức tâm thư” gửi Trung tâm hỗ trợ thanh niên công nhân (thuộc Thành đoàn TP.HCM) - đơn vị tổ chức lễ cưới tập thể ngày 12.12 sắp tới, ông Sơn bày tỏ nguyện vọng được thành hôn với góa phụ Lý Thị Thu (66 tuổi, dân tộc Tày, quê quán ở Lạng Sơn).
Ông đã viết: “Tôi thì cũng cô đơn, cảnh cơm niêu nước lọ, già yếu, không nơi nương tựa... Hai chúng tôi quen biết nhau, hiểu hoàn cảnh của nhau và thấy phù hợp để kết bạn cùng nhau suốt đời. Mục đích yêu cầu của tôi là được Trung tâm chấp nhận thêm một cuộc hôn nhân già này”.
Thật ra, cũng có nhiều người dị nghị, không hiểu vì sao bà ấy đến đây ở với tôi. Do đó, tôi còn muốn qua đám cưới này thông báo chính thức cho mọi người biết danh phận của bà ấy là vợ của tôi
Cụ ông Mai Kim Sơn
Giải thích vì sao phải là đám cưới tập thể chứ không phải đám cưới thông thường, ông Sơn bộc bạch: “Chúng tôi muốn có kỷ niệm đẹp trong những năm tháng cuối đời và muốn được chụp hình chung với những cô dâu - chú rể trẻ khác.
Đặc biệt, tôi muốn phát biểu ý kiến với những bạn trẻ về việc giữ gìn hạnh phúc lâu dài cũng như bí quyết sống thọ. Tôi hy vọng mình sẽ góp vui trong lễ cưới này”.
Ông Sơn cho hay, ông đã trải qua cuộc hôn nhân kéo dài 62 năm với người vợ đầu. Vợ chồng ông không có con ruột, chỉ có người con nuôi và anh này đã lập gia đình. Sau khi vợ mất khoảng 1 năm, ông thấm thía cảnh “cô quạnh không người chăm sóc lúc ốm đau” và “con chăm cha không bằng bà chăm ông”.
|
Cụ Mai Kim Sơn và bà Lý Thị Thu |
Trong tình cảnh đó, ông nhớ đến bà Lý Thị Thu - người hàng xóm mà ông từng quý mến lúc gia đình ông còn sống ở Hà Nội 15 năm về trước. Thế là ông Sơn nhờ một người bạn đang sống tại thủ đô kết nối liên lạc với bà Thu. Bà Thu xác nhận: “15 năm qua chúng tôi không hề liên hệ với nhau. Một hôm, ông ấy bỗng gọi điện tâm sự rồi mời tôi vào thăm TP.HCM một chuyến cho biết và thăm... nhà ông ấy.
Sau khi thấu hiểu mọi chuyện, tôi tình nguyện vào đây chăm sóc cho ông". Bà Thu chia sẻ thêm: "Chồng của tôi đã mất hơn 20 năm. Cả hai đứa con gái tôi đều đã yên bề gia thất, nên bây giờ không phải nặng gánh lo toan gì”. Bà nói nửa đùa nửa thật rằng, tuy chênh nhau 27 tuổi nhưng hai ông bà là một cặp “môn đăng hộ đối” bởi bà đã có chắt ngoại, còn ông Sơn cũng đã lên chức cố nội.
“Thật ra, cũng có nhiều người dị nghị, không hiểu vì sao bà ấy đến đây ở với tôi. Do đó, tôi còn muốn qua đám cưới này thông báo chính thức cho mọi người biết danh phận của bà ấy là vợ của tôi” - ông Sơn cởi mở hơn sau khi trải lòng về chuyện tình cảm của mình.
Tập tạ, chạy bộ và... lãng mạn
Trước ý kiến e ngại liệu ông Sơn có đảm bảo sức khỏe nếu được tham gia đám cưới tập thể bởi phải di chuyển khá nhiều, cụ ông 93 tuổi này lập tức gọi “người yêu”: “Em ơi, đem cho anh giấy chứng nhận sức khỏe!”. Bà Thu đáp ngay: “Vâng ạ”.
Rồi ông đưa cho chúng tôi xem phiếu khám sức khỏe, trong đó có ghi mức huyết áp là 130/80. Bà Thu cho hay, ông Sơn luôn duy trì chế độ tập thể dục và ăn uống rất điều độ. Sáng nào cũng vậy, ông dành khoảng 1 tiếng đồng hồ để tập tạ, chạy bộ trên máy, tập ưỡn bụng hay tập cơ tay với “chỉ tiêu” 1.000 cái/lần.
Ngoài ra, ông cũng tự đi đây đó bằng xe đạp điện. Các bữa ăn của ông cũng thường đúng giờ tăm tắp: 6 giờ 30 (bữa sáng); 11 giờ 45 (trưa) và 17 giờ 45 (tối). Trước và sau khi ăn, ông lần lượt uống một ly rượu bổ và ít trái cây, nước cam…
Đề cập đến cách xưng hô của hai người, bà Thu có vẻ ngượng ngùng: “Tình cảm lắm cô ạ! Chúng tôi gọi nhau là anh anh, em em. Ông ấy gọi thì tôi dạ, hoặc vâng”. Hai người còn khoe những bức hình ngoại cảnh rất lãng mạn của họ, do chính anh con nuôi của ông Sơn chụp nhân chuyến đưa ông bà tham quan hầm Thủ Thiêm và khu du lịch Bình Quới gần đây.
Lúc chúng tôi xin phép chụp hình, ông Sơn bảo bà Thu mang bình hoa nhỏ đặt trên bàn. Bà Thu đỏ mặt: “Lại lãng mạn thế anh”. Tạo cảnh xong xuôi, hai người tựa đầu vào nhau rất tình tứ. Tôi cứ ngỡ trước mặt mình là đôi vợ chồng son trẻ trong thời kỳ mặn nồng nhất.
Tiễn chúng tôi về, ông Kim Sơn nhắc đi nhắc lại: “Tâm nguyện cuối cùng lớn nhất của tôi là được tham gia đám cưới tập thể lần này. Thêm một cặp là thêm niềm vui. Chúng tôi sẵn sàng chịu tất cả những chi phí phát sinh”. Bà Thu cũng khẳng định: “Nếu được tham gia, chúng tôi phấn khởi còn gì bằng”.
Chúng tôi chuyển ước nguyện của cụ ông 93 tuổi này với đại diện Trung tâm hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM. Giám đốc Trung tâm, ông Huỳnh Ngô Tịnh nói: “Chúng tôi rất tiếc vì số lượng các cặp tham gia đã đủ, nên không bố trí để ông bà tham gia đợt này. Tuy nhiên, chúng tôi dự định mời ông Sơn đến nói chuyện, chia sẻ kinh nghiệm cho những cặp vợ chồng tiền hôn nhân vào ngày 9.12. Ông Sơn cũng là khách mời trong đám cưới tập thể ngày 12.12”.
“Chúng tôi từng là công nhân”Ông Mai Kim Sơn cho biết ông từng làm công nhân Nhà máy xe lửa Trường Thi ở Vinh - Nghệ An giai đoạn trước 1945. Sau khi tham gia đình công, ông bị sa thải. Từ đó ông đi theo cách mạng, trực tiếp tham gia nhiều chiến dịch lớn và được tặng thưởng nhiều huân, huy chương. Còn bà Lý Thị Thu cho biết, thời còn trẻ, bà là công nhân may. Ông bà dí dỏm: “Chúng tôi đều từng là công nhân. Thế là trúng ít nhất một tiêu chí của đám cưới tập thể này rồi còn gì. Đó là chưa kể, tình yêu thì đâu phân biệt tuổi già tuổi trẻ”.
Theo Thanh Niên
Vui lòng nhập nội dung bình luận.