Cử tri giáo viên TP.HCM bức xúc: Thu nhập của giáo viên không bằng công nhân

Bạch Dương Thứ ba, ngày 17/10/2023 13:46 PM (GMT+7)
Ngày 17/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM đã có buổi tiếp xúc cử tri ngành giáo dục, ngành y tế trước kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV. Trong nhiều ý kiến của cử tri giáo dục thành phố, vấn đề tiền lương, thu nhập vẫn là chủ đề nóng.
Bình luận 0
Cử tri giáo viên TP.HCM bức xúc: Thu nhập của giáo viên không bằng công nhân - Ảnh 1.

Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM tiếp xúc cử tri ngành giáo dục, ngành y tế trước kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV. Ảnh: B.D

Thầy Lê Văn Lực, Hiệu trưởng trường THCS Đặng Tấn Tài (TP.Thủ Đức) chia sẻ, thời gian qua đã có những sửa đổi, bổ sung trợ cấp ưu đãi, thâm niên theo nghề, phụ cấp đặc thù theo ngành; đổi mới cơ chế tài chính đối với đơn vị hành chính, sự nghiệp… Tuy nhiên, quá trình điều chỉnh, triển khai chính sách tiền lương hiện hành vẫn còn nhiều bất cập, cần tiếp tục được quan tâm, tháo gỡ.

Mức lương của giáo viên trong 5 năm đầu có thu nhập bình quân từ lương và phụ cấp khoảng 5,5 triệu đồng/tháng, không bằng công nhân lao động phổ thông 8-10 triệu đồng/tháng. Trong khi chi phí tất yếu cho cuộc sống rất cao, không đủ trang trải cuộc sống. Điều này khiến một số giáo viên nghỉ việc, chuyển sang làm việc khác.

"Hiện nay vẫn còn tình trạng trả lương mang tính cào bằng, "làm nhiều, làm ít lương cũng như nhau", tiền lương chưa phù hợp với mức độ cống hiến, chưa phản ánh đúng năng lực, kết quả của cán bộ, công chức, viên chức. Nhìn chung, chính sách tiền lương dù trải qua nhiều lần "cải cách" nhưng vẫn chưa tạo ra động lực đủ mạnh cho người hưởng lương phát huy năng lực và cống hiến. Mặt khác, tiền lương thấp cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tiêu cực", thầy Lực nhấn mạnh thêm.

Từ đó, Hiệu trưởng Trường THCS Đặng Tấn Tài đề nghị Quốc hội quan tâm tới chính sách tiền lương và các chế độ ưu đãi khác của viên chức giáo dục để tiền lương và thu nhập của viên chức giáo dục cơ bản đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống. Đối với giáo viên mới vào nghề, giáo viên hợp đồng, cần có chính sách hỗ trợ để đảm bảo thu nhập không thấp hơn lương tối thiểu vùng, được hưởng phụ cấp ưu đãi, các khoản hỗ trợ học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ… Tiếp tục mở rộng quan hệ tiền lương (tối thiểu – trung bình – tối đa) nhằm khắc phục triệt để tính cào bằng trong chi trả lương hiện nay; có chính sách ưu đãi hợp lý đối với nhân viên bảo vệ, thư viện, thiết bị, kế toán, văn thư…

Cũng liên quan đến vấn đề tiền lương, thầy Lương Văn Minh, Hiệu trưởng trường THPT Cần Thạnh, (Cần Giờ), Luật BHXH được thông qua mang ý nghĩa lớn, tuy nhiên hiện nhiều người vẫn còn băn khoăn việc Luật BHXH quy định những người lao động từ 1 tháng trở lên phải đóng BHXH bắt buộc, nhưng có những hợp đồng thời vụ 1-2 tháng mà yêu cầu đóng thì chắc chắc người lao động không đóng, điều này cần thời gian để điều chỉnh lại.

"Quan hệ tiền lương tối thiểu – trung bình – tối đa chưa hợp lý, hệ số trung bình quá thấp nên chưa cải thiện được đời sống, chưa khuyến khích cán bộ, công chức, người lao động có hệ số lương thấp", thầy Minh nhấn mạnh và nêu ví dụ: Khoảng cách giữa các bậc lương chênh lệch không đáng kể so với thời gian nâng bậc; một số chế độ phụ cấp chưa phù hợp, hệ số lương khởi điểm các ngạch có trình độ đại học là 2,34; ngạch nhân viên văn thư 1,35; nhân viên phục vụ 1,0 là quá thấp.

Cô Trần Thị Lợi, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lâm Văn Bền (Nhà Bè) cho rằng, theo quy định, đối với vị trí nhân viên văn thư, kế toán, y tế, thủ quỹ ở các trường từ 28 lớp trở lên được bố trí tối đa 3 người, các trường từ 28 lớp trở xuống được bố trí 2 người, gây khó khăn trong việc bố trí nhân sự đảm bảo đúng chuyên môn, nghiệp vụ. Đề nghị tất cả các trường đều được bố trí tối đa 3 người.

Chức danh nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật và công nghệ thông tin các trường chưa tuyển dụng được do không có ứng viên đáp ứng trình độ, lương, phụ cấp của các vị trí này thấp. Đề nghị tất cả các viên chức làm việc trong ngành giáo dục đều được hưởng thâm niên nghề, kể cả nhân viên văn phòng.

Cử tri giáo viên TP.HCM bức xúc: Thu nhập của giáo viên không bằng công nhân - Ảnh 3.

Thầy Lê Văn Lực, Hiệu trưởng trường THCS Đặng Tấn Tài (TP.Thủ Đức). Ảnh: B.D

Đồng tình với các ý kiến cử tri, ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM cho rằng, để tạo bước đột phá các đơn vị tự chủ, cần có nhiều cơ chế giúp cho các đơn vị quản lý sử dụng tài sản công, cơ chế tiền lương, cơ chế đối với quản lý sử dụng biên chế các hợp đồng lao động tại các đơn vị.

"Chúng ta chỉ nói ở khu vực tư thục và công lập. Đối với trường tư thục, lực lượng nhân viên rất đông, tất cả các vị trí ở tư thục quy mô càng lớn thì càng đông, từ khâu tuyển sinh đến khâu chăm sóc. Trong khi đơn vị công lập chúng ta vẫn đang thiếu hụt nhân lực, một người phải kiêm nhiệm nhiều vị trí. Chúng ta đang đi tới chuyển đổi số, nhưng kiêm nhiệm nhiều vậy rất khó thực thi nhiều nhiệm vụ phức tạp. Đồng thời, việc thu hút nhân lực CNTT, giáo viên ngoại ngữ, âm nhạc, kỹ thuật... với mức tiền lương như hiện nay rất khó, đặc biệt là trường ở ngoại thành", ông Dũng nhấn mạnh thêm.

Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM nhận định, chính sách tiền lương hiện tại còn nhiều bất cập, tiền lương thấp nên nhiều trường không tuyển được đủ giáo viên, đặc biệt là những giáo viên như âm nhạc, mỹ thuật... Các quy định hiện nay, Luật giáo dục sửa đổi đều quy định tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ đối với ngành giáo dục và y tế cao, trong khi lực lượng sẵn có không đáp ứng được yêu cầu. Trong thời gian tới, những kiến nghị thực tế này sẽ tiếp tục trình lên Quốc hội khoá XV.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem