Tăng lương, phụ cấp cho giáo viên là vấn đề cấp bách đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn nhiều lần kiến nghị. Tuy nhiên, nhìn từ thực tế hiện nay việc xếp lương giáo viên vẫn còn những điểm bất cập cần sớm được tháo gỡ.
Bà N.T.M., giáo viên một trường trung học cơ sở ở huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang chia sẻ, bà đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề dạy học với hệ số lương 3,96. Theo quy định mới, bà được chuyển xếp lương hạng III mới có hệ số lương 3,99. Trong khi đó, một giáo viên ra trường năm 2011 có bằng đại học, hiện có hệ số lương 3,33 thì nay được chuyển xếp lương sang hạng II mới có hệ số lương 4,0, cao hơn giáo viên đã dạy 20 năm.
Điều đáng nói, bà M. đã học bổ sung và tốt nghiệp đại học loại khá từ năm 2011 nhưng đến nay chưa được chuyển lương theo bậc đại học, vẫn đang hưởng lương cao đẳng. Trong khi nếu chờ lên lương theo quy định mới thì phải 9 năm nữa bà M. mới có cơ hội lên hạng II mới.
Đây là một trong số những bất cập thấy rõ trong quá trình thực hiện xếp lương giáo viên theo Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 20/3/2021. Trong gần 2 năm Thông tư này có hiệu lực, nhiều địa phương vẫn chưa thể chuyển xếp lương cho giáo viên và vẫn đang chờ Thông tư sửa đổi, bổ sung.
Một bất cập khác đó là ở những nơi đã triển khai, việc thực hiện xếp hạng giáo viên mỗi địa phương một kiểu. Nguyên nhân là vì dù đã có hướng dẫn thực hiện tại công văn 971/BGDĐT-NGCBQLGD về việc triển khai thực hiện mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các sơ giáo dục mầm non, phổ thông công lập song vẫn còn một số nội dung chưa được cụ thể hóa, dẫn đến mỗi nơi hiểu một cách.
Đơn cử, công văn này nêu: “Việc bổ nhiệm vào các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên ở từng cơ sở giáo dục phải đúng người đúng việc, bảo đảm đủ các yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp ở từng hạng…”. Tuy nhiên, mỗi chức danh nghề nghiệp đều bao gồm rất nhiều tiêu chuẩn. Như để được bổ nhiệm giáo viên hạng II mới giáo viên tiểu học phải đạt đến 22 tiêu chuẩn. Nếu thầy cô mới đạt 20-21 tiêu chuẩn thì có thể được xét hay không? Đây là băn khoăn của rất nhiều giáo viên, cán bộ cơ sở giáo dục bởi điều này ảnh hưởng trực tiếp đến lương, thưởng, đời sống giáo viên hiện nay.
Rà soát để gỡ “điểm nghẽn”
Liên quan đến vấn đề này, đại diện lãnh đạo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết Bộ đã thực hiện rà soát, xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT. Bộ cũng nghiên cứu các phương án bổ nhiệm, xếp lương để khắc phục các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện nhằm bảo đảm nguyên tắc công bằng giữa giáo viên lâu năm và giáo viên có thời gian công tác ít hơn khi chuyển xếp lương trên cơ sở tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật có liên quan.
Bên cạnh đó, từ ngày 1/7/2023 sẽ thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, tương đương tăng 20,8% so với mức lương cơ sở hiện hành là 1,49 triệu đồng/tháng.
Như vậy, giáo viên cũng nằm trong danh sách những đối tượng được tăng lương. Việc này giúp các thầy cô phần nào cải thiện được đời sống, yên tâm công tác. Nhiều chuyên gia cũng kỳ vọng việc tăng lương lần này sẽ thêm động lực giữ chân nhà giáo bởi tình trạng chuyển việc, bỏ việc thời gian gần đây trong đội ngũ giáo viên ở nhiều địa phương đã gióng lên hồi chuông báo động về việc này. Nguyên tắc ở đâu có học sinh, ở đó có giáo viên chỉ thực hiện được khi đội ngũ thầy cô trước hết đáp ứng được số lượng, chất lượng. Như tâm tư của người đứng đầu ngành Giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: “Cần có trường, lớp, có trang thiết bị, dụng cụ dạy học; đủ giáo viên, còn giáo viên trình độ như thế nào thì ngành giáo dục đào tạo lo”. Muốn vậy, tăng lương, phụ cấp cho giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, tiểu học là vấn đề cấp bách cần sớm được giải quyết.
GS Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục khi trao đổi về vấn đề xếp lương giáo viên luôn nhấn mạnh, cần làm sao để công bằng, khách quan, đúng nguyên tắc nhưng cũng phải có lý, có tình để giáo viên cảm thấy xứng đáng với công sức lao động mình bỏ ra. Muốn vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết nhất để việc áp dụng thống nhất trong toàn ngành, không thể để các địa phương hiểu thế nào thì áp dụng thế đó.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.