Cử tri lo ngại tình trạng bạo lực học đường, thuốc lá điện tử bủa vây học sinh: Sở GDĐT TP.HCM nói gì?

Mỹ Quỳnh Thứ ba, ngày 12/12/2023 12:58 PM (GMT+7)
Vấn nạn về thuốc lá điện tử, bạo lực học đường được cử tri TP.HCM quan tâm, đặt câu hỏi cho Sở GDĐT TP.HCM để đưa ra các biện pháp hạn chế.
Bình luận 0

Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu vừa có văn bản trả lời cử tri ở TP.HCM về một số kiến nghị liên quan đến giáo dục, đào tạo.

Lo ngại tình trạng bạo lực học đường, thuốc lá điện tử

Theo kiến nghị của cử tri, hiện nay, tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử trong độ tuổi học đường đang tăng nhanh. 

Cử tri mong muốn cơ quan có thẩm quyền tăng cường công tác quản lý việc bán thuốc lá cho nhóm trẻ vị thành niên, cấm bán thuốc lá ở khu vực quanh trường học, đặc biệt ngăn chặn việc tiếp cận và sử dụng thuốc lá điện tử đang ngày càng gia tăng.

Cử tri quan ngại tình trạng bạo lực học đường, thuốc lá điện tử bủa vây học sinh: Sở GDĐT TP.HCM nói gì? - Ảnh 1.

Vấn nạn học sinh sử dụng thuốc lá điện tử được cử tri TP.HCM đặc biệt quan tâm. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Đồng thời, đề nghị có sự phối hợp giữa nhà trường và các bậc phụ huynh, thường xuyên có nhiều buổi tọa đàm, tuyên truyền, giải thích cho học sinh hiểu tác hại của việc sử dụng thuốc lá nói chung và thuốc lá điện tử nói riêng.

Ngoài ra, cử tri cho rằng, vấn nạn bạo lực học đường đang được xã hội quan tâm khá nhiều. Cử tri đề nghị, các cơ quan chức năng có biện pháp giải quyết, ngăn chặn tình trạng này bằng nhiều hình thức khác nhau.

Trong đó cần nêu cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhà giáo trong công tác quản lý, bảo đảm an toàn cho học sinh tại các cơ sở giáo dục; xử lý nghiêm các hành vi phạm, xâm hại, bạo hành đối với học sinh.

Cử tri quan ngại tình trạng bạo lực học đường, thuốc lá điện tử bủa vây học sinh: Sở GDĐT TP.HCM nói gì? - Ảnh 3.

Hình ảnh một vụ bạo lực học đường tại TP.HCM. Ảnh cắt từ clip

Ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết, về vấn đề thuốc lá điện tử, Sở GDĐT đã có nhiều văn bản chỉ đạo, phối hợp, tuyên truyền. Ngành GDĐT cũng đã tổ chức tuyên truyền về việc thực hiện thực hiện nghiêm Luật phòng chống tác hại của thuốc lá trong các cơ sở giáo dục.

Các cơ sở giáo dục đều lựa chọn và tổ chức các hoạt động tuyên truyền phù hợp, thiết thực như treo băng-rôn, khẩu hiệu tại cơ quan; lồng ghép tuyên truyền thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề, các chương trình sự kiện văn hóa, thể thao,...; tuyên truyền trên trang thông tin điện tử của đơn vị về tác hại của các loại thuốc lá đối với học sinh, học viên; treo biển báo cấm hút thuốc tại các khu vực cấm...

Lãnh đạo sở cho biết, đơn vị cũng đã phối hợp địa phương để rà soát, không cho bán thuốc lá, chất kích thích, chất có cồn xung quanh trường học.

Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn cho học sinh các trường THPT công lập và ngoài công lập, học viên Trung tâm GDTX, TT GDNN-GDTX, giáo viên các trường THPT, THCS về phòng, chống tội phạm, ma túy và các chất gây nghiện trong trường học, trong đó có nội dung về thuốc lá mới, cách nhận biết và phòng chống tác hại của thuốc lá, thuốc lá mới (thuốc lá điện tử).

Cử tri quan ngại tình trạng bạo lực học đường, thuốc lá điện tử bủa vây học sinh: Sở GDĐT TP.HCM nói gì? - Ảnh 5.

Những vụ bạo lực học đường tại trường học khiến dư luận bức xúc. Ảnh chụp màn hình

Về vấn nạn bạo lực học đường, ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết, đầu mỗi năm học, Sở GDĐT đều triển khai các văn bản có liên quan đến công tác phòng, chống bạo lực học đường.

Trong đó, sở yêu cầu các cơ sở giáo dục chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên và gia đình về phòng chống bạo lực học đường và phát hiện, thông báo, tố giác, ngăn ngừa và can thiệp đối với hành vi bạo lực học đường.

Triển khai kế hoạch phòng chống bạo lực học đường tại đơn vị; phân công rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân tại đơn vị để thực hiện có hiệu quả; lựa chọn, bồi dưỡng giáo viên có kinh nghiệm, năng lực và trách nhiệm làm công tác chủ nhiệm để thường xuyên theo sát tình hình, quan tâm học sinh cá biệt, học sinh yếu thế để có biện pháp giáo dục, giúp đỡ, bảo vệ phù hợp.

Thiết lập kênh thông tin về bạo lực học đường tại đơn vị để kịp thời xử lý các thông tin về bạo lực học đường; cử cán bộ tư vấn tâm lý tham gia các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực, trách nhiệm, nhằm thường xuyên nắm bắt tâm lý học sinh, kịp thời phát hiện và xử lý những mâu thuẫn, xung đột trong nhà trường.

Bên cạnh đó, hàng năm, Sở GDĐT phối hợp cùng Công an Thành phố và Sở Lao động Thương binh và Xã hội và các cơ sở giáo dục địa phương tổ chức tập huấn cho giáo viên, học sinh về các thế võ tự vệ, công tác nghiệp vụ cho nhân viên làm công tác bảo vệ tại các cơ sở giáo dục, công tác tư vấn tâm lý lứa tuổi cho các bộ làm công tác tư vấn, báo cáo chuyên đề tại các cơ sở giáo dục.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem