Cục BVTV triển khai cơ chế một cửa quốc gia, nghìn bộ hồ sơ trước ký tay nay xử lý nhanh gọn

K.Lực Thứ ba, ngày 16/11/2021 14:00 PM (GMT+7)
Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cho biết, triển khai cơ chế một cửa quốc gia không chỉ giúp giải quyết hồ sơ của các doanh nghiệp, tổ chức một cách nhanh gọn, tiết kiệm thời gian và chi phí mà còn tạo ra những thay đổi tích cực cho chính các đơn vị tổ chức thực hiện.
Bình luận 0

Trong tháng 9/2021, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) đã đề nghị Tổng cục Hải quan chính thức vận hành phần mềm thực hiện cơ chế một cửa quốc gia đối với 2 thủ tục hành chính là: " Kiểm tra nhà nước về chất lượng thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu" và "Kiểm tra nhà nước về chất lượng phân bón nhập khẩu".

Như vậy, đến thời điểm hiện tại, Cục BVTV đã triển khai 6/7 thủ tục kiểm tra chuyên ngành trên cơ chế một cửa quốc gia.

Triển khai cơ chế một cửa quốc gia, Cục BVTV xử lý hồ sơ nhanh gọn, tiện lợi - Ảnh 1.

Đến thời điểm hiện tại, Cục BVTV đã triển khai 6/7 thủ tục kiểm tra chuyên ngành trên cơ chế một cửa quốc gia. Tất cả hồ sơ đều được tiếp nhận và xử lý trực tuyến cấp độ 3 và 4 để làm thủ tục kiểm dịch thực vật cho các doanh nghiệp. Ảnh: K.Lực

Tiện dụng cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý

Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật thông tin, trong Quyết định 1258/QĐ-TTg ngày 17/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Cục BVTV còn phải kết nối thủ tục "Kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm có nguồn gốc thực vật xuất khẩu".

Tuy nhiên, thủ tục này lại do nước nhập khẩu yêu cầu thì mới phát sinh thủ tục hành chính. Chính vì vậy, Cục BVTV đã báo cáo Bộ để trả lời Tổng cục Hải quan và báo cáo Chính phủ tạm thời chưa áp dụng thủ tục này. Bởi, nếu áp dụng thủ tục này thì sẽ phải đầu tư xấp xỉ 2 tỷ đồng trong khi thủ tục chưa phát sinh sẽ gây tốn kém.

Với 6 thủ tục triển khai trên cơ chế một cửa quốc gia, ông Dương đánh giá là rất thuận lợi, không chỉ đỡ vất vả, chi phí cho doanh nghiệp mà còn giúp chính các đơn vị giảm tải công việc khi phải cử cán bộ tiếp nhận, xử lý hàng trăm, hàng nghìn hồ sơ mỗi ngày.

"Trước đây ở những đơn vị phát sinh nhiều hồ sơ, ví dụ như Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng I, vùng II, riêng ký tay, ký giấy mà một ngày ký mấy trăm đến cả nghìn bộ hồ sơ. Có nhưng giấy 4 liên, một bộ hồ sơ ký đến 4 lần, anh em ký rất mệt mỏi, mất rất nhiều thời gian" – ông Dương thông tin.

Theo ông Dương, việc tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ giấy trước kia rất vất vả và mất nhiều thời gian chờ đợi. 

Về phía Cục, phải bố trí rất nhiều người để tiếp nhận, xử lý và thu tiền. Trong khi đó, doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian đi lại nộp và chờ kết quả xử lý hồ sơ.

 Có những doanh nghiệp ở trong phía Nam muốn nhập khẩu nông sản phải bay ra ngoài Hà Nội hoặc có văn phòng đại diện ở Hà Nội thì đến tận Cục xin cấp phép, thời gian trước đây theo Luật là 15 ngày.

Khi triển khai cơ chế một cửa quốc gia, mọi thứ đã thay đổi rất nhiều. Theo quy định, thời gian xử lý thủ tục đã giảm xuống chỉ còn 10 ngày. 

Về phía doanh nghiệp, từ bất cứ đâu có kết nối internet, ví dụ như trong TP. Hồ Chí Minh cứ gửi hồ sơ trực tuyến là giấy phép được cấp trực tuyến, rồi gửi lại cho doanh nghiệp và tất cả các đơn vị có liên quan nên rất thuận lợi, nhanh chóng.

Với số lượng hồ sơ xử lý trên cơ chế một cửa quốc gia dự báo sẽ tăng lên, ông Dương kiến nghị các ngành liên quan cần tiếp tục nâng cấp phần mềm, hệ thống máy tính cũng như đường truyền phải đáp ứng được. 

Đặc biệt, cần chú ý tới giải pháp để lưu trữ và bảo mật thông tin khi toàn bộ hồ sơ được gửi và xử lý trực tuyến.

Tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp

Trao đổi với Dân Việt, ông Lê Sơn Hà, Trưởng phòng Kiểm dịch thực vật (Cục BVTV) cho biết, trong những năm qua, lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu tăng nhanh, đa dạng chủng loại, phân bố không đều qua các tháng và các vùng. 

Cùng với đó, số lượng các cửa khẩu và lối mở ngày càng tăng và chủ yếu phân bố các tỉnh miền núi với cơ sở hạ tầng, giao thông hạn chế, dẫn đến khó khăn trong việc bố trí cán bộ và phương tiện để kiểm tra hàng hoá.

Triển khai cơ chế một cửa quốc gia, Cục BVTV xử lý hồ sơ nhanh gọn, tiện lợi - Ảnh 3.

Kiểm tra ngẫu nhiên vi sinh vật trên mẫu vải thiều trước khi đem đi chiếu xạ. Ảnh: K.Lực

Trong bối cảnh đó, lãnh đạo Cục BVTV áp dụng nhiều giải pháp để xử lý nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp, tổ chức. 

"Chúng tôi áp dụng công nghệ kết nối, giám định từ xa. Tất cả các kết quả từ biên giới có thể kết nối với các trung tâm kỹ thuật ở Hà Nội và trong vòng 5-7 phút có thể kết luận được ngay, thay vì phải chuyễn mẫu về giám định sau 24 giờ mới chuyển lên như trước đây" – ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV thông tin.

Theo ông Trung, tất cả các thủ tục về hành chính, đặc biệt về giấy tờ, hồ sơ đều được Cục BVTV rút gọn tới mức tối đa như: hàng nhập khẩu chỉ có 2 loại giấy tờ, hàng xuất khẩu chỉ có 1 loại giấy tờ. 

Đồng thời, thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4 để làm thủ tục kiểm dịch thực vật cho các doanh nghiệp.

Không chỉ có vậy, Cục BVTV còn chủ động liên lạc, làm việc với cơ quan kiểm dịch thực vật các nước đề nghị trong bối cảnh do gián đoạn các chuyến bay thương mại vì lý do giãn cách xã hội nên bản chính Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật chưa chuyển đến kịp, thì chấp nhận tạm thời sử dụng bản scan giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật Cục Bảo vệ thực vật gửi qua email công vụ để tạo điều kiện thuận lợi, thông quan nhanh chóng cho các lô hàng của Việt Nam xuất khẩu.

Theo thông lệ quốc tế và quy định kiểm dịch thực của các quốc gia, một lô hàng thuộc diện kiểm dịch thực vật đòi hỏi phải kèm theo một Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật của nước xuất khẩu cấp. 

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật không chuyển đến kịp thời để nộp cho cơ quan kiểm dịch thực vật nước nhập khẩu để làm thủ tục kiểm dịch thực vật và thông quan cho lô hàng.

"Trong trường hợp này, chúng tôi đã chủ động liên hệ và thông tin các giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật xuất khẩu đã cấp cho các lô hàng của Việt Nam cho cơ quan kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu để phía nước nhập khẩu chấp nhận và giải phóng nhanh các lô hàng của Việt Nam. Chúng tôi cũng sẵn sàng chấp nhận lô hàng tương tự của các nước. Như vậy, hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu hầu như không bị ách tắc" – ông Hà nói.

Thống kê qua số liệu kiểm dịch thực vật, trong 10 tháng đầu năm 2021, nông sản xuất khẩu của Việt Nam đã tăng hơn 18%, trong đó quả tươi xuất khẩu tăng hơn 25%.

Trong năm 2020 khối lượng hàng hóa đã qua kiểm dịch thực vật là khoảng 73 triệu tấn, tăng hơn 18 triệu tấn so với năm 2016. Công tác kiểm dịch thực vật đã hoàn thành tốt nhiệm vụ ngăn chặn triệt để đối tượng kiểm dịch thực vật đi theo hàng nhập khẩu cũng như đảm bảo hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam tuân thủ yêu cầu kiểm dịch thực vật của các quốc gia nhập khẩu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem