Cục trưởng "mách nước" khi bỏ sổ hộ khẩu thì người dân nên làm thế nào?

Nguyễn Hoà Thứ hai, ngày 26/12/2022 20:10 PM (GMT+7)
Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực, Bộ Tư pháp vừa có những thông tin liên quan việc bỏ sổ hộ khẩu.
Bình luận 0

Chiều nay (26/12), tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tư pháp, trao đổi về vấn đề sắp bỏ sổ hộ khẩu từ ngày 1/1/2023, ông Nguyễn Thanh Hải - Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực cho biết, đây là vấn đề nóng, thu hút sự quan tâm của dư luận.

Bộ Tư pháp trước đó cũng đã ban hành quyết định bãi bỏ 37 thủ tục, không yêu cầu người dân phải xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy để làm thủ tục hành chính.

Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực cũng chia sẻ, Bộ Công an đã có hướng dẫn 7 phương thức để công dân dễ dàng thực hiện các thủ tục hành chính khi bỏ sổ hộ khẩu.

Cục trưởng "mách nước" khi bỏ sổ hộ khẩu thì người dân nên làm thế nào? - Ảnh 1.

Theo đại diện Bộ Tư pháp, khi bỏ sổ hộ khẩu, người dân áp dụng các phương thức đã được Bộ Công an hướng dẫn. Ảnh: Nguyễn Hòa

Theo vị lãnh đạo Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực, các hướng dẫn đó rất cụ thể và chi tiết. Khi bỏ sổ hộ khẩu thì người dân áp dụng các phương thức của Bộ Công an.

Mặt khác, Bộ Tư pháp cũng đã chủ động phối hợp với Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan triển khai thí điểm 2 dịch vụ công liên thông: Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí tại TP.Hà Nội và tỉnh Hà Nam.

Bộ Tư pháp cũng tiếp tục khai thác và sử dụng hiệu quả các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của Bộ, đặc biệt là Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử với hơn 58 triệu dữ liệu hộ tịch các loại.

Theo ông Nguyễn Thanh Hải, về cơ bản, sự kết nối giữa dữ liệu Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử (Bộ Tư pháp) và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an quản lý) đã sẵn sàng chia sẻ, kết nối.

Theo hướng dẫn của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), tổ chức, cá nhân thực hiện 1 trong 7 phương thức sử dụng thông tin công dân thay việc xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự gồm:

- Sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử chứng minh thông tin về cá nhân, nơi thường trú. Các thông tin trên mặt thẻ căn cước công dân gồm: Ảnh; số thẻ căn cước công dân (số định danh cá nhân); họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; quê quán; nơi thường trú; ngày, tháng, năm hết hạn; đặc điểm nhân dạng; vân tay; ngày, tháng, năm cấp thẻ; họ, chữ đệm và tên, chức danh, chữ ký của người cấp thẻ.

- Sử dụng thiết bị đọc mã QRCode trên thẻ căn cước công dân có gắn chip. Công dân, cơ quan, tổ chức sử dụng thiết bị đọc QRCode (theo tiêu chuẩn do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành) tích hợp với máy tính hoặc thiết bị di động để đọc thông tin công dân từ mã QRCode trên thẻ căn cước công dân.

- Sử dụng thiết bị đọc chip trên thẻ căn cước công dân. Công dân, cơ quan, tổ chức sử dụng thiết bị đọc thông tin trong chíp trên thẻ căn cước công dân phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, giao dịch dân sự… Thiết bị này do Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội nghiên cứu kết hợp sản xuất. Hiện nay, công an cấp huyện đã được trang cấp và đang sử dụng.

- Tra cứu, khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. Để sử dụng khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bằng cách truy cập trang web dân cư quốc gia theo địa chỉ: https://dichvucong.dancuquocgia.gov.vn. Sau đó, đăng nhập tài khoản/mật khẩu truy cập (sử dụng tài khoản Cổng DVC quốc gia); xác thực nhập mã OTP được hệ thống gửi về điện thoại. Thông tin cơ bản của công dân sẽ hiện thị trên màn hình gồm: Họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; quê quán; nơi thường trú; số định danh cá nhân; số chứng minh nhân dân.

- Sử dụng ứng dụng VneID. Thiết bị này hiển thị các thông tin trên các thiết bị điện tử để phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.

- Sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú. Công dân trực tiếp đến cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước không phụ thuộc vào nơi cư trú của công dân để đề nghị cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc gửi yêu cầu xác nhận thông tin về cư trú qua dịch vụ công trực tuyến khi cần thiết (Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú). Cơ quan đăng ký cư trú sẽ cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú cho công dân dưới hình thức văn bản hoặc văn bản điện tử theo yêu cầu của công dân.

- Sử dụng thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. Bộ Công an đã chỉ đạo thực hiện cấp thông báo số định danh và thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cho 100% người dân chưa được cấp căn cước công dân trên toàn quốc để người dân sử dụng giải quyết các thủ tục hành chính, các giao dịch dân sự cần chứng minh nơi cư trú của công dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem