Nằm cách biên giới với Campuchia 6km, năm 1997, xã Khánh Hưng ở huyện Vĩnh Hưng được trung ương đầu tư xây dựng mô hình cụm dân cư vượt lũ trên diện tích 38ha. Đây là mô hình đầu tiên ở Đồng Tháp Mười và ĐBSCL.
|
Chị Lan với nghề may giúp chị thoát nghèo. |
Để đón khoảng 1.000 hộ dân trong vùng ngập lũ vào định cư ổn định, các đơn vị thi công vừa san lấp mặt bằng kết hợp với xây dựng hệ thống hạ tầng: Điện, cấp - thoát nước; trạm xá; trường học; trụ sở UBND; chợ; đường giao thông nội bộ…
Đến nay, cụm dân cư Khánh Hưng trở thành thị tứ sầm uất với hàng chục cửa hàng mua bán từ tạp hóa, thuốc Tây, vải sợi đến hàng điện tử, bếp ga...“Mùa lũ năm 2011 khốc liệt như vậy nhưng cụm dân cư Khánh Hưng vẫn an toàn, phát triển như một minh chứng thành công cho chương trình dân sinh vùng lũ”- ông Nguyễn Văn Mến - Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng khẳng định.
Nằm dọc kinh Dương Văn Dương, đến 10.10.2011 toàn bộ 6 ấp ở xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh bị ngập hoàn toàn, đường tỉnh lộ 837 đang nâng cấp trải nhựa cũng chìm trong nước. Nhờ có cụm dân cư rộng 7ha và tuyến dân cư trên bờ kinh Bùi Mới dài 2km đủ chỗ cho 550 hộ an cư.
Từ 2001-2011 tỉnh Long An đầu tư 1.197,243 tỷ đồng xây dựng 165 cụm-tuyến dân cư. Đến nay có14.440 hộ vào an cư.
Cụm dân cư Bàu Môn thuộc vùng sâu xã Thạnh Hưng, huyện Mộc Hóa thu hút rất nhiều hộ nghèo nhờ các chính sách hỗ trợ. Như hộ chị Nguyễn Thị Thu Lan, trước kia chị sống trong căn nhà lá tạm bợ trên bờ kinh Cả Gừa, năm 2000 bị lũ cuốn phăng toàn bộ gia sản. Năm 2009 vợ chồng chị được ngân hàng chính sách cho vay 9 triệu đồng mua căn hộ trong cụm dân cư, chị Lan mở cửa hàng may quần áo, chồng chị đi lái thuê máy xúc.
Chị Lan bày tỏ “Có cụm dân cư, vừa yên tâm sống chung với lũ lại tạo được việc làm, vợ chồng tôi phấn đấu xóa nghèo nhanh, bền vững”.
Khuynh Diệp
Vui lòng nhập nội dung bình luận.