Cúng giao thừa, cúng mùng 1, cúng hóa vàng: 3 lễ quan trọng không thể bỏ qua Tết Mậu Tuất

Thứ tư, ngày 14/02/2018 14:15 PM (GMT+7)
Dịp Tết năm nay, sau lễ cúng Ông Công Ông Táo và lễ cúng tất niên là 3 lễ cúng cực kỳ quan trọng mà bất cứ gia đình người Việt nào cũng phải chuẩn bị đầy đủ, chu đáo.
Bình luận 0

Lễ cúng giao thừa

Lễ giao thừa hay còn gọi là lễ Trừ Tịch, được cử hành vào thời khắc kết thúc năm cũ chuyển sang năm mới (hết giờ Hợi ngày 30 sang giờ Tý mở đầu ngày mùng 1 Tết). Theo quan niệm dân gian thì lễ cúng giao thừa được cử hành ở trong nhà và ngoài trời.

img

Lễ cúng giao thừa ngoài trời gồm: ngũ quả, hương, hoa, đèn nến, trầu cau, muối gạo, trà, rượu, tiền vàng, quần áo và mũ nón mũ thần linh, mâm lễ mặn với thủ lợn luộc hoặc gà trống luộc, xôi, bánh chưng ... Nếu là Phật tử có thể cúng mâm lễ chay. Tất cả được bày lên bàn trang trọng đặt ở trước cửa nhà. Mâm lễ cúng giao thừa phải chuẩn bị chu đáo, trang trọng với lòng thành kính.

Vào đúng thời điểm giao thừa, người chủ gia đình phải thắp đèn, nến, rót rượu, rót trà, rồi khấn vái trước án. Vì việc bàn giao, tiếp quản công việc hết sức khẩn trương nên các vị chỉ có thể ăn vội vàng hoặc mang theo, thậm chí chỉ chứng kiến lòng thành của chủ nhà.

Sau khi cúng giao thừa xong, các gia chủ khấn Thổ Công, tức là vị thần cai quản trong nhà (thường bàn thờ tổ tiên ở giữa, bàn thờ Thổ Công ở bên trái) để xin phép cho tổ tiên về ăn Tết.

Lễ vật tương tự như cúng ngoài trời, chỉ bỏ mũ chuồn. Cụ thể gồm: ngũ quả, vàng mã, hương, hoa, đèn nến, trầu cau, rượu, trà, bánh chưng (bánh tét), bánh giầy, bánh kẹo và mâm cỗ mặn hoặc cỗ chay đầy đặn, thơm ngon, tinh khiết. Sau khi cung kính bày lễ lên bàn thờ gia tiên thì đốt đèn nến, thắp hương thơm và thành kính cầu khấn.

Lễ cúng mùng 1

Lễ cúng mùng 1 Tết Nguyên Đán rất quan trọng, được thực hiện vào buổi sáng, đó là buổi sáng đầu tiên trong năm mới. Việc cúng mùng 1 Tết được gia đình nào cũng rất chú trọng, chuẩn bị rất chu đáo, để cầu mong cho gia đình một năm mới khỏe mạnh, bình an và hạnh phúc. Trong ngày này, người ta thường cúng tổ tiên và thần linh. Còn chiều mùng 1 các gia đình làm cơm cúng Tịch điện, gọi là cúng cơm chiều.

img

Chuyên gia phong thủy Hoàng Anh Hùng (Ông Ích Khiêm, Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: Việc sửa soạn lễ và cúng trong 3 ngày mùng 1, 2, 3 Tết cơ bản giống nhau. Tuy nhiên, sáng mùng 1 khá quan trọng vì là ngày đầu tiên của năm mới. Ông lưu ý, sáng mùng 1 nếu gia chủ cúng gà thì gà phải được làm thịt từ hôm trước. Mùng 1 là ngày đầu năm mới nên kiêng sát sinh. Ngoài ra, không nên để chung đồ lễ trên bàn thờ. Khi cúng, hoa quả nên để ở ban trên, còn đồ mặn thì nên kê thêm bàn ở dưới rồi thắp hương.

Còn chuyên gia nghiên cứu tâm linh Nguyễn Thị Nghĩa (Hà Nam) đưa ra lời khuyên: "Với các gia đình có bàn thờ Phật, trong những ngày mùng 1, 2, 3 cần tuyệt đối tránh việc để các đồ lễ mặn lên như nước mắm, thậm chí là để gần, bởi, bàn thờ này chỉ thờ các đồ chay, thanh tịnh".

Theo đó, mâm cỗ cúng truyền thống vào sáng mùng 1 Tết không thể thiếu đĩa thịt gà trống thiến, đĩa bánh chưng kèm dưa hành muối, canh măng hầm hoặc canh bóng, bát canh miến, đĩa xôi, đĩa nem rán và đĩa thịt đông.

Sau khi mâm cúng mùng 1 Tết đã được sửa soạn tươm tất thì chủ nhà bưng lên bàn thờ, rồi tiếp theo lần lượt những người trong nhà ra trước bàn thờ vái để tỏ lòng thành kính đối với tổ tiên. Hương tàn, chủ nhà lễ tạ, hạ cỗ xuống cho con cháu thụ lộc.

Các bữa còn lại trong 3 ngày Tết chỉ cần cúng bánh chưng, giò và các loại bánh mứt, kẹo. Trên bàn thờ ngọn đèn thờ (đăng hay nến) đỏ lửa liên tục trong 3 ngày Tết cùng với hương hoa thơm ngát sẽ tạo không khí Tết thêm đầm ấm, sum vầy...

Lễ cúng hóa vàng

Sau những ngày cúng Tết, lễ hóa vàng được người Việt Nam rất chú trọng. Tùy theo hoàn cảnh mỗi gia đình mà cách chuẩn bị khác nhau. Đó được gọi là lễ tạ gia tiên gia thần và chư vị thánh thần, phật. Theo quan niệm dân gian, có lễ tạ thì tấm lòng của chủ nhà mới được người âm chứng giám.

img

Chính vì ngày hóa vàng vô cùng quan trọng với người Việt cho nên mâm cơm cúng hóa vàng cũng rất đầy đủ như mâm cỗ chính của ngày Tết. Trong mâm cơm hóa vàng, con gà cúng phải to, tròn, chắc nịch, có đôi chân đẹp và được bày biện cẩn thận. Mâm cơm cúng cũng phải đủ món luộc, xào, canh, miến, cùng với bình rượu, ly nước sạch, lọ hoa, trầu cau, bánh kẹo và mâm ngũ quả (vẫn đầy đủ như mâm cỗ ngày Tết) để tiễn chân ông bà. Tiền âm, vàng mã cũng phải được chuẩn bị chu đáo để ông bà có hành trang, lộ phí để lên đường.

Lễ vật dâng cúng trong lễ tạ năm mới gồm: Nhang, hoa, ngũ quả, trầu cau, rượu, đèn nến, bánh kẹo, mâm lễ mặn hoặc chay cùng các món ăn ngày Tết đầy đủ, tinh khiết. Có cây mía để các cụ gánh hàng hóa về trời. Sau khi lễ xong, hóa vàng phải hóa riêng phần tiền vàng cho Gia Thần trước, sau đó đến Gia tiên.

Lễ hóa vàng, người ta thường đốt các loại vàng mã như giấy vàng, giấy bạc, vàng thoi tiền… cùng quần áo, giày dép, nhà cửa, xe… Sau khi đốt, người ta thường vẩy một chén rượu cúng vào đống tro vàng mã để đồ cúng được chuyển đến đúng người nhận. Một số nhà còn hơ các cây mía trên ngọn lửa hóa vàng để người dưới âm có gậy đi đường.

Tùng Anh (t/h) (Gia đình Xã hội)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem