Cuộc chiến công khai mức lương

Thứ tư, ngày 25/01/2023 06:13 AM (GMT+7)
Khi các công ty ở Mỹ bị buộc công khai mức lương trên danh sách việc làm, người lao động tự tin biết rõ mức lương trong ngành nhưng cũng e ngại khi muốn thương lượng tăng lương.
Bình luận 0


Cuộc chiến công khai mức lương - Ảnh 1.

Từ tháng 1/2023, luật mới yêu cầu các công ty công khai mức lương trên danh sách việc làm bắt đầu có hiệu lực tại các bang California và Washington (Mỹ).

Tương tự quy tắc áp dụng ở New York và Colorado, các nhà lập pháp đã thông qua quy định với tiền đề rằng "tính minh bạch trong thanh toán giúp giảm khoảng cách tiền lương".

"Điều đó đúng 100% trong tất cả nghiên cứu tôi đã xem xét, với rất ít trường hợp ngoại lệ", Zoe Cullen, một nhà kinh tế tại Trường Kinh doanh Harvard, nói. Bà cho biết thêm rằng luật minh bạch về thanh toán là rất tốt trong việc giảm chênh lệch tiền lương.

Nhưng có nhiều vấn đề gây tranh cãi xung quanh quy định này.

Khi các công ty đề cao tính minh bạch về chi trả - hoặc vì luật pháp buộc họ làm vậy, hay nhân viên ngày càng thoải mái hơn trong việc tiết lộ mức lương của họ - cả người lao động lẫn người sử dụng lao động đều nhận thấy những tác động lan rộng. Nó cũng làm thay đổi cách các ông chủ ấn định mức lương.

Minh bạch tiền lương

Khi Ron Harman King, người sáng lập một công ty tiếp thị nội dung nhỏ có trụ sở tại Colorado, bắt đầu đăng mức lương trên danh sách việc làm để tuân thủ luật tiểu bang, ông đã rất ngạc nhiên về hiệu ứng của nó.

Các ứng viên phản hồi thông báo tuyển dụng của ông có vẻ phù hợp hơn so với trước đây. "Các cuộc phỏng vấn trở nên dễ dàng. Họ biết vị trí đó sẽ được trả bao nhiêu, và thực sự có quan tâm đến việc ứng tuyển với mức lương đã niêm yết", King nói.

Cuộc chiến công khai mức lương - Ảnh 2.

Công khai tiền lương có thể giúp người lao động biết rõ con số họ được trả. Ảnh minh họa: Artem Podred/Pexels.

Cách mà King ấn định mức lương cũng thay đổi. Thay vì nhìn vào dữ liệu ngành trên toàn quốc, ông có thể dựa vào mức đối thủ cạnh tranh trực tiếp với mình đang trả.

"Bạn biết đấy, mọi người phải thể hiện những gì họ có. Tôi cảm thấy dường như chúng ta đều được cung cấp thông tin tốt hơn về những thứ cần thiết để cạnh tranh với tư cách một nhà tuyển dụng".

Tyler Stodden (một kỹ sư phần mềm) nói rằng ông chủ của anh công bố mức lương cho mọi vị trí trước khi luật của thành phố New York có hiệu lực, nó đã tạo nên sự tin cậy đáng kể khi nhân viên nhận được lời đề nghị từ đối thủ cạnh tranh.

Giờ đây, Stodden tự tin rằng mình biết, và đang được cho biết, giới hạn của mức lương cho công việc của mình. "Tôi thấy khá tự tin rằng họ đang tuân theo những gì họ đã nói", anh bày tỏ.

Các luật và chính sách về minh bạch tiền lương nhìn chung nhằm mục đích giảm bất bình đẳng, nhưng ngày càng có nhiều nghiên cứu xem xét một số tác động gián tiếp của chúng.

Mặt trái

Một trong những thứ phải đánh đổi là một số hình thức thanh toán minh bạch dường như làm cho khoảng cách lương không còn rõ ràng giữa người có thành tích thấp và cao.

Trong một bài đăng trên tạp chí Nature Human Behaviour, các nhà nghiên cứu đã phân tích mức lương của 100.000 học giả trong hơn 20 năm.

Khi mức lương của họ dễ dàng được tìm kiếm trên web, khoảng cách về giới tính được cải thiện gần 50%. Nhưng khoảng cách lương giữa các học giả có thành tích tốt nhất - dựa trên nhiều thước đo như số ấn phẩm, giải thưởng, trợ cấp và bằng sáng chế - với những người có thành tích kém hơn cũng bị thu hẹp.

Cuộc chiến công khai mức lương - Ảnh 3.

Mức lương công khai có thể khiến người lao động e ngại thương lượng tăng lương. Ảnh: New York Times.

Tomasz Obloj, phó giáo sư tại Trường Kinh doanh Kelley thuộc Đại học Indiana, đồng tác giả của bài báo cho biết: "Dường như sự minh bạch đang làm giảm mức độ khích lệ dựa trên hiệu suất".

Với sự minh bạch về lương, bà Cullen lưu ý một số khác biệt liên quan đến hiệu suất có thể bị xóa nhòa, nhưng điều tương tự cũng có thể xảy ra với những vấn đề liên quan đến phân biệt đối xử.

Minh bạch tiền lương có xu hướng làm giảm mối liên hệ giữa thu nhập và hiệu suất khi khiến khả năng thương lượng của từng cá nhân giảm xuống.

Nếu tiền lương được công khai, việc người sử dụng lao động tuyên bố tăng lương cho một nhân viên có thể đồng nghĩa với sẽ phải tăng lương cho toàn bộ nhân viên. Người lao động cũng có thể không cố gắng thương lượng từ đầu nếu có mức lương công khai cho một vị trí.

"Họ nhìn thấy mức lương niêm yết và nghĩ: 'Tôi sẽ không thể yêu cầu mức lương cao hơn vì họ sẽ chẳng thể toàn bộ quy định, vốn áp dụng cho tất cả, chỉ vì tôi'", Cullen nói.

Bà là đồng tác giả của một bài báo cho Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia, trong đó cho thấy tiền lương trung bình giảm 2% khi luật bảo vệ tính minh bạch của tiền lương được đưa ra ở Mỹ.

Người sử dụng lao động có thể hưởng lợi từ sự minh bạch trong tiền lương theo nhiều cách. Ví dụ, theo nghiên cứu, khi lương được công khai, người lao động có xu hướng làm việc chăm chỉ hơn.

Trong thử nghiệm tại một ngân hàng thương mại lớn ở châu Á, bà Cullen và một đồng tác giả đã phát hiện kết quả tương tự: Người lao động có xu hướng đánh giá thấp mức lương của người quản lý trên họ. Nhưng khi ngân hàng công khai mức lương, họ biết rằng sẽ kiếm được nhiều tiền hơn hiện tại nếu thăng tiến và nỗ lực hơn nữa.

Tránh bẫy "cào bằng" lương

Các công ty trả lương công bằng có thể hưởng lợi nhiều nhất từ hiệu ứng này.

Trong một dự án đang diễn ra, giáo sư Obloj và các đồng tác giả đã xem xét năng suất và mức chi trả cho 20.000 học giả. Họ phát hiện ra rằng các trường đại học trả lương công bằng, tăng tính minh bạch trong tiền lương có năng suất tổng thể tăng.

Song, khi tiền lương trở nên minh bạch, một số nhà quản lý có thể tinh chỉnh hệ thống bằng cách "đền bù" cho nhân viên theo những cách ít công khai, chẳng hạn thông qua tiền thưởng và phúc lợi. Điều đó có thể khiến mục tiêu giảm khoảng cách tiền lương không đạt được.

Peter Bamberger, giáo sư tại Đại học Tel Aviv cho biết: "Nếu chúng ta chuyển phần thưởng sang các hình thức khác ít minh bạch hơn và chúng ta cũng biết rằng có sự bất bình đẳng giới, thì không thực sự giải quyết được bất cứ điều gì với sự minh bạch trong trả lương".

Để tránh bẫy trả lương giống nhau cho mọi người, bất kể hiệu suất làm việc, hoặc các công ty sử dụng hệ thống kém minh bạch, ông Bamberger gợi ý các công ty cần tìm ra cách đánh giá hiệu suất và giải thích sự khác biệt về lương.

Cảm xúc tiêu cực tuổi 20

The Inner Game of Tennis là tác phẩm nổi tiếng được viết bởi Gallwey - một huấn luyện viên tennis chuyên nghiệp ở miền nam California. Đây cũng là cuốn sách giúp Bill Gates thoát khỏi thói quen tự trách khi gặp thất bại và hình thành phong cách lãnh đạo của ông. "Đó là cuốn sách hay nhất về tennis mà tôi từng đọc, và những lời khuyên sâu sắc trong đó có thể áp dụng cho nhiều khía cạnh khác của cuộc sống", nhà sáng lập Microsoft viết.

Theo Đinh Phạm (zingnews.vn)
Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem