Gang Dolly từng là nơi kiếm sống của vài trăm gái mại dâm và người môi giới (Ảnh: BBC)
Vụ việc chính quyền Indonesia vừa đập bỏ hàng trăm ngôi nhà trong quận "đèn đỏ" lớn nhất thủ đô gây chú ý không chỉ ở nước này. Nhưng đất nước với phần lớn dân số theo đạo Hồi còn có nhiều nơi “nổi tiếng” vì lý do tương tự.
|
Thành phố Surabaya được mệnh danh là "thủ phủ mại dâm" của Indonesia vì nơi đây có một trong những quận đèn đỏ lớn nhất Đông Nam Á. Nỗ lực của chính quyền nhằm đóng cửa khu vực này vấp phải hàng loạt cuộc biểu tình của người dân sống dựa vào nghề bán thân xác.
Gang Dolly (Ngõ Dolly) ban đầu chỉ là một khu nhà thổ nhỏ vào những năm 1970, nhưng ngày nay đã trở thành nơi hoạt động của vài trăm gái mai dâm và những kẻ dắt gái. Đó không chỉ là nơi nghề mại dâm phát triển, mà có cả một hệ thống kinh tế ăn theo. Gang Dolly tạo ra công việc và thu nhập cho người dân địa phương. Họ làm mọi việc từ bán thức ăn cho khách đến trông giữ xe.
Năm 2014, chính phủ Indonesia muốn chấm dứt mọi hoạt động mại dâm ở Gang Dolly. Giới chức lên kế hoạch trục xuất hàng trăm gái mại dâm và đóng cửa 60 nhà thổ, nhưng bị dân ở khu vực này phản đối. Chuẩn bị đến hạn phải di dời, người dân và các nhà hoạt động xã hội tổ chức biểu tình mỗi ngày để kêu gọi chính quyền cho Gang Dolly tiếp tục tồn tại.
Một cuộc biểu tình phản đối đóng cửa khu đèn đỏ Dolly (Ảnh: BBC)
Ông Saputra, một người dân đồng thời là nhà hoạt động xã hội, cho rằng việc đóng cửa sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới thu nhập của người dân.
“Chúng tôi sẽ chặn các khu phố và không cho họ vào phá việc làm ăn của chúng tôi”, ông Saputra nói.
Ngõ Dolly vào buổi tối thường náo nhiệt các hoạt động, nhưng vào những vào những ngày chuẩn bị đóng cửa vào giữa năm 2014 lại trở nên yên ắng khác thường.
Hàng chục gái mại dâm thơ thẩn trên lối đi bộ, chờ khách. Trong một ngôi nhà cạnh nhà thổ, một đứa trẻ đang ngồi trên thềm cùng bố mẹ. Dưới đường, lũ trẻ đang đá bóng. Ở Dolly, dân thường và gái mại dâm sống cạnh nhau.
Dù Indonesia là nước có dân số theo đạo Hồi nhiều nhất thế giới, Dolly đã tạo ra thu nhập cho nhiều người dân và giúp họ nuôi sống con cái, giúp đỡ gia đình.
“Ước tính có hơn 14.000 người dân trên khắp Indonesia phụ thuộc vào thu nhập kiếm được từ những khu phố đèn đỏ như Dolly”, BBC dẫn lời bà Anissa, chuyên gia của tổ chức Cộng đồng Giới trẻ Độc lập Indonesia.
Người dân và gái mại dâm sống cùng nhau ở Dolly (Ảnh: BBC)
Bà Anissa cho biết hàng ngàn đứa trẻ sống nhờ thu nhập của cha mẹ chúng kiếm được từ đây. “Chính phủ không hề nói chuyện với người dân và gái mại dâm trước khi quyết định đóng cửa khu vực – điều này sẽ ảnh hưởng tới tất cả những người sống ở đây”, bà Anissa nói.
Trước khi Dolly bị đóng cửa, chị Lis, 38 tuổi, đã cảm thấy tác động từ kế hoạch của chính quyền. Chị đã làm gái mại dâm 12 năm và đang nuôi 2 con ăn học.
“Tôi không được học hết cấp 1 và tôi muốn các con mình có tương lai tốt hơn tôi. Tôi kiếm tiền vì con và gia đình mình. Nếu tôi không làm việc nữa, tôi sẽ không thể có đủ tiền cho chúng”, chị Lis bộc bạch.
Người phụ nữ này cho biết chị kiếm được từ 250 đến 800 USD mỗi tháng, tùy thuộc vào lượng khách. Nhưng chị không được hưởng toàn bộ. Mỗi khách chị được trả khoảng 10 USD, chị giữa lại một nửa, còn trả cho chủ nhà thổ một nửa.
Chính quyền quyết tâm
Mại dâm là phi pháp ở Indonesia nhưng việc đóng cửa các khu phố đèn đỏ luôn là một thách thức với giới chức trách bởi rất nhiều người sống nhờ vào nghề này. Tuy nhiên, chính phủ rất quyết tâm trong việc đóng cửa khu Gang Dolly.
“Cộng đồng, những người không sống ở khu vực Gang Dolly, muốn đóng cửa nó”, Phó thị trưởng Đông Java, ông Saifullah Yusuf, nói. “Đó là mong muốn của họ - không phải của chúng tôi. Chúng tôi đồng ý đóng vì lũ trẻ sống ở đó và những ảnh hưởng của mại dâm đối với chúng. Chúng tôi cũng rất lo lắng vì tỉ lệ nhiễm HIV đang tăng cao”, BBC dẫn lời ông Yusuf.
Nhiều dịch vụ phát triển ở Dolly để phục vụ ngành công nghiệp tình dục (Ảnh: BBC)
Chính phủ định bồi thường khoảng 500 USD/người cho khoảng 1.400 gái mại dâm ở khu vực sau khi Dolly bị đóng cửa. Giới chức trách cũng khẳng định sẽ cho những cô gái này đi học nghề khác.
Nhưng những tổ chức phi chính phủ ở địa phương, những người đã dành nhiều năm giúp đỡ cộng đồng Dolly cho biết việc thay đổi nghề là vô cùng khó đối với gái mại dâm.
“Hầu hết gái mại dâm không được đi học, vì thế sẽ rất khó để họ tìm việc”, Giám đốc tổ chức Yayasan Abdi Asih, bà Lilik Sulistyowati, nhấn mạnh.
“Chúng ta phải giúp họ có những kĩ năng mới, nhưng việc này đòi hỏi thời gian và sự kiên nhẫn. Sẽ mất ít nhất một năm để học nghề mới và có thể kiếm tiền từ một công việc khác. Trong quãng thời gian chuyển đổi này, ai biết được điều gì sẽ xảy ra với gia đình họ?”, bà Sulistyowati nói.
Trở lại Ngõ Dolly, việc phản đối vẫn tiếp diễn. Người dân và gái mại dâm ở đây khăng khăng cho rằng công việc và cách sống của họ không thể và sẽ không thay đổi.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục”, ông Saputra tuyên bố. “Không ai có thể ngăn chúng tôi. Thậm chí nếu họ cấm, cũng sẽ chỉ được một tháng- trong tháng ăn chay Ramadan. Đằng nào dịp này trong năm chúng tôi cũng nghỉ”, ông Saputra nói.
Tuy nhiên, Gang Dolly đã bị đóng cửa chính thức để phát triển thành một quận thương mại. Nhiều gái mại dâm ở đây đã dạt sang các khu vực khác để kiếm sống. Nhưng thỉnh thoảng cảnh sát khu vực vẫn bắt được một số gái mại dâm và chủ nhà thổ hoạt động lén lút ở Dolly. Giới chức tin rằng hoạt động mại dâm ở đây chưa bị xóa sổ hoàn toàn, báo Jakarta Post cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.