Với mái tóc bạc, cặp kính gọng vàng và trang phục giản dị, Trần Phú Mãn trông giống như một ông lão bình thường. Tuy nhiên, trong giới tình báo ở hai bờ Eo biển Đài Loan, ông là nhân vật nổi tiếng.
Ông có liên quan đến vụ giết một tác giả người Mỹ gốc Đài Loan 35 năm trước. Vụ án mạng đã gây sốc cho người Mỹ, khiến họ tức giận yêu cầu Đài Loan giao nộp ông và hai người khác cho hệ thống tư pháp Mỹ.
Vụ ám sát cũng trở thành một trong những nguyên nhân dẫn đến dân chủ hóa trên hòn đảo tự trị Đài Loan, vốn nằm dưới sự cai trị độc tài của Tưởng Giới Thạch và con trai ông là Tưởng Kinh Quốc từ năm 1949.
Trần Phú Mãn, cựu phó giám đốc Cục Tình báo Quân sự Đài Loan, là nhân vật nổi tiếng trong giới tình báo ở hai bên eo biển Đài Loan. Ảnh: South China Morning Post.
Hợp tác với xã hội đen ám sát công dân Mỹ
Tác giả Henry Liu, 51 tuổi, nhà báo người Đài Loan chuyển đến Mỹ vào năm 1967 và sau đó trở thành công dân Mỹ, là người phê bình thẳng thắn của đảng cầm quyền Đài Loan. Ông đã xuất bản một cuốn tiểu sử gây mất lòng về Tưởng Kinh Quốc. Các quan chức quyền lực ở Đài Bắc cũng tin rằng ông đang do thám cho đại lục.
Theo lời kể của ông Trần với South China Morning Post, năm 1984, phó đô đốc Uông Hy Linh, người đứng đầu Cục Tình báo Quân đội của Đài Loan, ra lệnh cho cấp phó Hồ Nghĩa Dân và trợ lý hàng đầu là Trần Phú Mãn giết Liu.
Ông Trần đã yêu cầu Trần Khởi Lễ, thủ lĩnh băng đảng Trúc Liên Bang khét tiếng Đài Loan, trừ khử nhà báo này. Tháng 10/1984, Trần Khởi Lễ và hai tên côn đồ khác đã bắn chết Liu trong nhà để xe tại nhà riêng của Liu ở phía bắc California, Mỹ.
Vụ án mạng đã làm rung chuyển nước Mỹ. Mối quan hệ của Mỹ với Đài Loan xuống mức tồi tệ nhất sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ giận dữ cáo buộc Đài Bắc gửi sát thủ đến ám sát một công dân Mỹ.
Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã tham gia tìm kiếm các nghi phạm và lần ra cuộc trò chuyện giữa Uông Hy Linh và Trần Khởi Lễ thông qua chiếc điện thoại nghe lén. Chính quyền Đài Loan sau đó đã bắt giữ thủ lĩnh băng đảng và phụ tá của ông ta.
Trần Phú Mãn trong những ngày đầu đào tạo tình báo ở Myanmar, gần biên giới với Trung Quốc. Ảnh: South China Morning Post.
Với lời đe dọa chấm dứt bán vũ khí cho Đài Loan, Washington yêu cầu chính quyền Tưởng Chính Quốc dẫn độ các nghi phạm tới phiên tòa ở Mỹ. Chính phủ Tưởng cuối cùng đã cho phép FBI thẩm vấn ba quan chức tình báo ở Đài Loan.
Đầu năm 1985, ba quan chức và hai sát thủ bị kết án tù tại Đài Loan. Uông Hy Linh, người chủ mưu, và phụ tá của ông bị kết án chung thân. Uông và hai tên giang hồ được phóng thích 6 năm sau đó. Trần Phú Mãn và Hồ Nghĩa Dân được trả tự do cuối năm 1987.
Việc các quan chức của cục tình báo hợp tác với xã hội đen khiến Tưởng Kinh Quốc lúng túng. Chính quyền của ông lo ngại Mỹ có thể lật lại chính sách hỗ trợ bảo vệ Đài Loan.
Mặc dù Washington đã chuyển sự công nhận ngoại giao từ Đài Bắc sang Bắc Kinh vào năm 1979 nhưng nước này cũng ban hành Đạo luật Quan hệ Đài Loan để cung cấp vũ khí cho Đài Loan nhằm phòng vệ Bắc Kinh.
Bắc Kinh đã đe dọa sử dụng vũ lực để thu hồi hòn đảo này kể từ khi Tưởng Giới Thạch và Quốc dân đảng rút về Đài Loan sau thất bại trong cuộc nội chiến với đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1949.
“Lúc đó tôi chỉ làm công việc của mình”, Trần Phú Mãn, 79 tuổi, nói. Ông từng là phó giám đốc một đơn vị của Cục Tình báo Quân đội, phụ trách thu thập thông tin tình báo về Trung Quốc từ năm 1949 và theo dõi các hoạt động của người Đài Loan ở Mỹ.
Trần Phú Mãn (hàng trước, bên phải) trong khóa huấn luyện gián điệp đầu tiên của ông ở Myanmar. Ảnh: South China Morning Post.
Trong cuộc phỏng vấn với South China Morning Post, ông cho biết họ quyết định trừ khử Liu vì có bằng chứng chắc chắn rằng ông ta đang do thám cho Bắc Kinh trong khi cũng nhận tiền từ cục tình báo.
Vào thời điểm đó, những gì Liu làm được cục tình báo coi là hành động phản quốc. Cục này thường tự xử tử những người bị coi là phản bội mà không cần sự cho phép của lãnh đạo chính quyền.
Sau vụ ám sát, Tưởng Kinh Quốc đã thực hiện các thay đổi bao gồm cấm hành vi hành quyết bất hợp pháp. Năm 1987, ông chấm dứt chế độ thiết quân luật đã kéo dài ở Đài Loan, cuối cùng dẫn đến việc dân chủ hóa hòn đảo này.
Cuộc chiến tình báo với Trung Quốc đại lục
Trần Phú Mãn cho biết sau khi ra tù, ông trở lại cục tình báo và làm phó giám đốc đơn vị của cục cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2000.
Ông nhận định cuộc chiến tình báo Đài Loan đã trải qua ba giai đoạn. Trong các nhiệm kỳ của Tưởng Giới Thạch và Tưởng Kinh Quốc từ năm 1949 đến 1987, các điệp viên chính thức và không chính thức đã được cử đến đại lục như một phần trong kế hoạch khôi phục Trung Quốc của chính phủ Quốc Dân đảng.
Thời kỳ thứ hai là trong các nhiệm kỳ của Lý Đăng Huy và Trần Thủy Biển từ năm 1988 đến 2008. Các nhân vật chủ chốt tại đại lục được chiêu dụ làm gián điệp cho Đài Loan để đổi lấy tiền thưởng hoặc sự tự do tại Đài Loan.
Khi ông Mã Anh Cửu của Quốc Dân Đảng làm lãnh đạo Đài Loan từ năm 2008 đến 2016, ông đã áp dụng chính sách thân Bắc Kinh, dẫn đến sự ấm lên của mối quan hệ xuyên eo biển. Trong thời gian này, chính quyền Mã cắt giảm mạnh các hoạt động gián điệp, thay đổi các chiến thuật tấn công chủ động ban đầu thành phòng thủ.
Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đến thăm Cục Tình báo Quân đội (MIB) vào tháng 3/2018. Ảnh: Focus Taiwan.
Theo ông Trần, Đài Loan từng chiếm thế thượng phong trong cuộc chiến gián điệp với Bắc Kinh sau khi tuyển mộ Lưu Liên Côn, một tướng cấp cao trong Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) và là quan chức cao cấp nhất từng do thám cho Đài Loan trong những năm 1990.
Để đe dọa Đài Loan và khiến lãnh đạo khi đó là Lý Đăng Huy mất tín nhiệm, PLA đã tiến hành một loạt vụ thử tên lửa bên ngoài Đài Loan khi hòn đảo này đang tổ chức cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp đầu tiên vào năm 1996.
Trong nỗ lực trấn an dư luận, ông Lý đã sử dụng thông tin do cục tình báo cung cấp khi tuyên bố rằng các tên lửa không có đầu đạn và không có gì phải sợ.
“Ngay sau khi ông Lý tiết lộ rằng các tên lửa không được trang bị vũ khí, Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân đã ra lệnh truy lùng nội gián bằng mọi giá”, ông Trần nói. Với sự giúp đỡ của tướng Lý Chí Hạo, một gián điệp hai mang, PLA cuối cùng đã xác định được hai người tiết lộ tin mật.
Lưu Liên Côn, người đã cung cấp nhiều thông tin có giá trị cho Đài Loan, bị bắt vào năm 1999 và bị xử tử bằng cách tiêm thuốc độc ở Bắc Kinh. Đại tá Thiệu Chính Tông, một gián điệp khác đã giúp Đài Loan kết nối với Lưu, cũng bị xử tử.
Năm 2015, Bắc Kinh và Đài Bắc đã trao đổi các gián điệp bị bắt giữ sau cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và lãnh đạo Đài Loan khi đó là Mã Anh Cửu (trái). Ảnh: AFP.
Bài học này không khiến người kế nhiệm ông Lý kín miệng hơn. Năm 2003, khi Trần Thủy Biển trở thành lãnh đạo Đài Loan, ông đã đề nghị tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về phòng thủ. Ông tiết lộ rằng PLA đang nhắm 496 tên lửa vào đảo và tất cả người Đài Loan phải đoàn kết để chống lại đại lục.
Ông Trần cho biết đại lục đã bị sốc khi chính quyền Trần Thủy Biển biết chính xác số lượng tên lửa. Sau một cuộc điều tra nội bộ, Trung Quốc đã lần ra một mạng lưới tình báo khác, bắt giữ một số doanh nhân Đài Loan và một sĩ quan cao cấp của PLA.
Từ đó trở đi, mạng lưới tình báo của Đài Loan tại đại lục hầu như bị triệt tiêu. Để tránh mất thêm người, Đài Bắc đã cắt giảm mạnh việc gửi các đặc vụ của cục tình báo đến đại lục.
Ông Trần hiện là chủ tịch một nhóm dân sự chuyên giúp đỡ các mật vụ đã nghỉ hưu và gia đình của những người đã chết khi làm nhiệm vụ. Ông sở hữu một nhà hàng ở Đài Bắc và thuê một số cựu mật vụ làm việc tại đây.
“Tôi muốn dành thời gian để đấu tranh cho quyền của những điệp viên về hưu và gia đình của những người đã hy sinh bởi tôi hiểu cảm giác của họ”, ông nói.
Tuyết Mai (Zing)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.