Kẻ xâm lược đã phải từ bỏ tham vọng. Nhật Bản thoát khỏi gót sắt xâm lăng của một trong những đội quân tinh nhuệ nhất thế giới lúc bấy giờ. Người Nhật tin rằng các vị thần đã mang những cơn cuồng phong này tới để bảo vệ họ trước kẻ thù. Họ gọi chúng là Kamikaze, tức là “Thần phong” (ngọn gió thần).
Thành Cát Tư Hãn. Ảnh minh họa.
Sau những cuộc chinh phạt Đại Kim (năm 1230) và Triều Tiên (1231), người Mông Cổ đã chiếm được một nửa giang sơn phía bắc Trung Quốc. Năm 1271, Hốt Tất Liệt xưng đế, đổi quốc hiệu là Nguyên (với nghĩa khởi đầu, nguyên thủy). Nhật Bản chỉ cách Đại Nguyên chừng 160km, tất nhiên, có lý do để lo ngại về một cuộc xâm lăng.
Giữa các năm 1267 và 1274, Hốt Tất Liệt nhiều lần cử sứ giả tới yêu cầu Thiên hoàng Nhật Bản chịu xưng thần với nhà Nguyên hoặc phải đối mặt với một cuộc chiến tranh. Tuy nhiên, những sứ điệp của nhà Nguyên đều không thể đến với Thiên hoàng mà bị giữ lại trong tay các Đại Tướng quân (Mạc chúa), những người đứng đằng sau nắm quyền thực sự.
Không nhận được hồi đáp từ Thiên hoàng Nhật Bản, Hốt Tất Liệt nổi giận. Ông lập lời thề trừng phạt Nhật Bản, một “tiểu quốc” ương ngạnh. Quân đội Mông Cổ được lệnh cho chế tạo nhiều chiến thuyền, xây dựng hạm đội và tuyển mộ hàng ngàn thủy binh trên khắp Trung Quốc và Triều Tiên để chuẩn bị cho cuộc chinh phạt.
Quân Mông Cổ bị các võ sĩ đạo truy kích trên bãi biển. Ảnh Ancient Origins.
Cuộc chinh phạt lần thứ nhất (1274)
Mùa thu năm 1274, quân đội Mông Cổ tiến hành cuộc xâm lược đầu tiên vào Nhật Bản. Lịch sử thường gọi đó là “Trận hải chiến Bun’ei” (hay trận hải chiến vịnh Hakata). Quân Mông Cổ huy động khoảng 500 đến 900 chiến thuyền với hơn 40 nghìn thủy quân hầu hết là người Trung Quốc và Triều Tiên tiến đến sát bờ vịnh Hakata.
Ban đầu, với ưu thế về vũ khí, quân đội Mông Cổ đã đánh bại các lực lượng phòng vệ bờ biển của Nhật Bản. Quân Nhật buộc phải rút lui sâu vào bên trong và cố thủ. Nhưng quân Mông Cổ không ham truy kích sâu vì lo sợ người Nhật sẽ tổ chức phản công khi nhận được viện binh tiếp tế. Binh lính được lệnh trở lại thuyền chiến, án binh bất động chờ đợi tình hình.
Sức mạnh quân Mông Cổ. Ảnh: Business Insider.
Đêm hôm đó, một cơn bão lớn đổ bộ vào bờ đã đánh tan hạm đội của người Mông Cổ neo đậu tại bờ vịnh Hakata. Sáng hôm sau, cả hạm đội tinh nhuệ chỉ còn lại vài chiến thuyền. Những chiến thuyền xấu số khác đã bị cơn bão nhấn chìm xuống lòng biển mang theo mạng sống của hàng ngàn chiến binh Mông Cổ.
Cuộc chinh phạt lần thứ hai (1281)
Sau khi may mắn đẩy lui được quân Mông Cổ trong trận hải chiến năm 1274, người Nhật vẫn chưa thể thoát khỏi họa xâm lăng. Thất bại nặng nề đã chạm vào lòng tự ái của các chiến binh Mông Cổ và càng khiến dã tâm chinh phạt Nhật Bản của họ lớn hơn.
Người Mông Cổ gấp rút xây dựng lại hạm đội và rầm rộ tuyển mộ một số lượng thủy binh lớn hơn nữa. Trong khi đó, Nhật Bản cũng củng cố hệ thống phòng tuyến của mình bằng cách xây dựng những bức tường cao tới 2m.
Minh họa cuộc tấn công của quân Mông Cổ vào nước Nhật. Ảnh: Internet.
Bảy năm sau, năm 1281, quân Mông Cổ trở lại với một hạm đội thủy quân khổng lồ bao gồm 4400 chiến thuyền và khoảng 70 đến 140 nghìn thủy quân. Quân Mông Cổ chia hai đường tiến đánh Nhật Bản: một đường từ Triều Tiên, một đường từ phía nam Trung Quốc. Tháng 8/1281, hai đạo thủy binh này hội quân ở vịnh Hakata.
Không thể tìm thấy chỗ đổ bộ thích hợp vì hệ thống tường lũy của đối phương, hạm đội Mông Cổ phải lênh đênh trên mặt biển. Hàng trăm ngàn binh sĩ buộc phải ở trong khoang chiến thuyền hàng tháng trời, tiêu tốn cạn kiệt lương thực trong khi đại quân tìm chỗ đổ bộ.
Cuối cùng, vào ngày 15/8 năm đó, quân Mông Cổ quyết định mở chiến dịch tấn công vào một điểm xung yếu trên phòng tuyến của quân Nhật, nơi chỉ có rất ít quân phòng ngự. Thế nhưng, một cơn bão lớn lại đổ bộ, nhấn chìm toàn bộ hạm đội Mông Cổ một lần nữa xuống đáy biển Nhật Bản.
Những ghi chép trong sử sách Nhật Bản đương thời cho biết có hơn 4000 chiến thuyền đã bị đánh đắm và khoảng 80% thủy quân Mông Cổ hoặc bị chết đuối, hoặc bị thương vong dưới lưỡi kiếm của các võ sĩ đạo Nhật Bản trên bờ biển. Trận hải chiến này đã được ghi nhận là một trong những thất bại nặng nề nhất trong lịch sử hải quân thế giới. Sau thảm bại, người Mông Cổ cũng từ bỏ luôn ý đồ xâm lược Nhật Bản và không bao giờ trở lại quốc đảo này một lần nào nữa.
Raijin và ngọn “Thần phong”
Thần Raijin trong thần thoại Nhật Bản. Ảnh: Ancient Origins.
Theo một truyền thuyết, thần sấm sét và bão tố Raijin (còn gọi là Lôi thần) đã tạo ra ngọn “Thần phong” Kamikaze để bảo vệ người Nhật khỏi quân Mông Cổ. Là một trong những biểu tượng cổ xưa nhất của Nhật Bản, Raijin là vị thần nằm trong hệ thống tín ngưỡng Thần đạo. Raijin thường được miêu tả trong hình dạng dữ tợn của một con quỷ đang đánh trống để tạo ra sấm chớp. Một truyền thuyết khác lại kể rằng cơn cuồng phong Kamikaze được tạo ra bởi thần gió Fujin.
“Thần phong” trong Thế chiến thứ hai
“Kamikaze”, được nhiều người biết đến trong Thế chiến thứ hai, là tên gọi những phi công cảm tử Nhật Bản liều mình dùng phi cơ đâm vào tàu chiến địch. Họ được ví von là những ngọn “Thần phong” một lần nữa quét sạch quân thù, nhấn chìm kẻ địch xuống đáy biển.
Phi công cảm tử “Kamikaze” Nhật Bản. Ảnh: Internet.
Những phi công “Kamikaze” đã gây ra thiệt hại lớn cho các hạm đội của Mỹ khi ấy. Nhưng đổi lại, họ cũng phải trả một cái giá đắt với hơn 2000 phi công tử nạn khi tuổi xuân còn phơi phới. “Kamikaze” là một trong những nỗ lực tuyệt vọng cuối cùng của quân đội Nhật Bản khi sắp bại trận.
Ngày nay, từ “Kamikaze” đã được đưa vào sử dụng trong Anh ngữ thường nhật để chỉ những người hành động liều lĩnh, coi nhẹ sự an nguy của bản thân. Với người Nhật, hai cơn cuồng phong ập đến đúng thời điểm quân Mông Cổ xâm lược chẳng khác nào món quà của thượng đế. Nếu không có những ngọn “Thần phong” này, số phận tương lai của Nhật Bản chắc chắn sẽ rẽ sang một hướng rất khác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.