Bài 1: Phớt lờ dân nghèo
Trong khi người dân thiếu đất sản xuất gay gắt, hàng chục doanh nghiệp lại được tỉnh giao đất rừng với diện tích lớn, nhiều dự án giao chồng lấn lên nương rẫy của dân. Đây là nguyên nhân đưa đến những cuộc tranh chấp dai dẳng, khốc liệt giữa các doanh nghiệp và người dân ở Đăk Nông.
|
Người dân xã Trường Xuân, huyện Đăk Song thu hoạch sắn non. |
Lấy đất của dân
Mưa như trút nước, nhiều nông dân vẫn hối hả thu hoạch sắn tại các tiểu khu 1698 và 1706 - thuộc xã Trường Xuân, huyện Đăk Song. Cây sắn khẳng khiu, củ bé hơn quả dưa chuột, 7 người nhổ 3 ngày vẫn chưa đầy một xe công nông.
Một tay nhổ sắn, một tay bế đứa con 3 tuổi lấm lem bùn đất, chị Phạm Thị An (thị trấn Kiến Đức, huyện Đăk Rlấp) cho biết: “Chúng tôi thà nhổ non bán rẻ, được đồng nào hay đồng ấy, còn hơn là bị Công ty Green garden Trường Xuân đến phá hoại. Trước chúng tôi cũng có nhà cửa ở đây, nhưng bị xua đuổi nên phải dạt ra Kiến Đức thuê nhà ở trọ. Khổ lắm!”.
Cũng như chị An, nhưng chị Hoàng Thị Bình có thêm lý do khác: “Không còn nhà cửa, vợ chồng tôi đành gửi hai đứa con về Quảng Ngãi cho ông bà nội, giờ phải nhổ sắn non để lấy tiền cho chúng đi xe”.
Theo đơn của những hộ này thì không chỉ mất nhà cửa, cây trồng mà nhiều người còn bị bảo vệ Green garden Trường Xuân hành hung thành thương tật, có người tàn phế như ông Võ Văn Minh - hiện cũng tá túc ở Kiến Đức.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi lập dự án vào năm 2009, chủ dự án chỉ biết 898ha đất tại các tiểu khu này do Công ty Lâm nghiệp Trường Xuân quản lý. Trong quá trình bàn giao thực địa, cơ quan chức năng mới hay có hơn 100ha đất do người dân canh tác từ lâu.
UBND tỉnh Đăk Nông đã yêu cầu Công ty Green garden Trường Xuân phải thỏa thuận đền bù chi phí khai hoang, cây trồng, nhà cửa... rồi mới thực hiện dự án. Không muốn bỏ tiền, công ty đã “phối hợp” với xã Trường Xuân lập khống biên bản có nội dung đây là diện tích xâm canh trái phép đã bị cưỡng chế rồi vào cưỡng chế.
Xóa cả thôn để... trồng cao su
Khi các dự án của Công ty CP Cao su Đồng Phú, Công ty TNHH Vĩnh An tại huyện Cư Jút được phê duyệt, 157 hộ thôn Nam Tiến, xã Ea Pô, 72 hộ cụm dân cư Thác Ba Tầng và gần 200 hộ thôn 5 (xã Đăk Wil) bị... giải tán. Mặc dù khai hoang từ năm 1992, nhưng người dân chỉ được đền bù 1 - 3 triệu đồng/ha, với lý do đất có nguồn gốc... phá rừng. Riêng các hộ ở thôn Nam Tiến được đưa gom về một khu tái định cư, mỗi hộ được cấp 400m2 đất, 2,5 triệu đồng tiền di dời.
Anh Bùi Văn Nhân (thôn Nam Tiến) - bị thu hồi 4,3ha đất canh tác, anh cù cưa mãi nên mức đền bù được nâng lên 5 triệu đồng/ha, nhưng tính chung cả đất lẫn cây chỉ được 30,7 triệu đồng. Anh ngậm ngùi: “Sau khi dời nhà lên khu tái định cư, gia đình tôi lại dắt nhau về đất cũ, xin trồng xen cây ngắn ngày trong rẫy cao su. Nay mai cao su khép tán, chúng tôi sẽ không còn đất sống”.
Nguyên Trưởng thôn Vi Văn Thắng buồn rầu nói: “Suốt từ năm 1992 đến nay, chúng tôi đổ biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt mới ổn định được cuộc sống nơi này. Giờ cả thôn bị biến thành vườn cao su, dân không được đền bù, không có đất sản xuất nên chúng tôi không thể chấp hành chỉ đạo của cấp trên được”. Hiện anh Thắng và một số hộ dân vẫn bám trụ trong vùng dự án, một số ít về khu tái định cư, còn phần lớn đã tứ tán đi kiếm ăn.
Liên quan đến nội dung tố cáo của các hộ dân tại tiểu khu 1698 và 1706, UBND tỉnh Đăk Nông vừa chỉ đạo Công ty Green garden Trường Xuân phải đền bù, hỗ trợ cho dân trước khi đưa 75,2ha đất vào dự án, yêu cầu UBND huyện Đăk Song tổ chức kiểm điểm lãnh đạo xã Trường Xuân vì ký biên bản với Công ty Green garden Trường Xuân sai sự thật.
Theo Sở NNPTNT Đăk Nông, tổng diện tích đang tranh chấp gay gắt giữa các doanh nghiệp và người dân trên toàn tỉnh là hơn 5.400ha, đặc biệt là dự án của Công ty Greenfeet Thái Lan, Công ty CP Đầu tư xây dựng 59, Công ty TNHH Vĩnh An, DNTN Phạm Quốc... Hiện các chủ đầu tư mới chỉ giải quyết được 702ha, bằng 13% diện tích tranh chấp. Nguyên nhân của thực trạng này là khi lấy đất, các doanh nghiệp không đền bù đồng nào, hoặc chỉ hỗ trợ tiền công khai hoang với mức giá rẻ mạt.
Thấy được hậu quả nhãn tiền, người dân đã phản đối các dự án ngay từ bước khảo sát, thậm chí phá rừng để chiếm giữ đất. Tại huyện Đăk Glong, khi các Công ty Thiên Sơn, Minh Nguyên, Đỉnh Nghệ vừa khảo sát tại tiểu khu 1659 thuộc xã Quảng Sơn, hàng trăm người dân đã chặt phá 110ha rừng tự nhiên để chiếm đất. Đồng thời 82 hộ dân thôn NTing đã ký đơn khiếu nại Công ty Thiên Sơn và Công ty Đỉnh Nghệ, hàng chục hộ ở thôn RBút thì tố cáo Công ty Minh Nguyên... Ông KLun - ở thôn 2, xã Quảng Sơn nói: “Phải phá rừng để giữ đất cho con cháu thôi...”.
Bài 2: Mất rừng phải đền rừng
Đồng Nguyên
Vui lòng nhập nội dung bình luận.