"Cuộc chiến tiền tệ" gây sức ép lên thị trường Việt Nam

Đăng Thúy (thực hiện) Thứ sáu, ngày 14/08/2015 10:32 AM (GMT+7)
“Một cuộc chiến tranh tiền tệ trên thực tế đang diễn ra và Việt Nam sẽ bị tác hại nặng nề nếu không phản ứng tích cực và không chú trọng đến hàng rào tỷ giá”.
Bình luận 0

GS-TS Võ Đại Lược - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới, cựu thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng đã nhận định như trên khi trả lời NTNN sau khi Trung Quốc hạ giá đồng tiền tệ gây chấn động thế giới.

Biểu hiện của nền kinh tế “hạ cánh cứng”

Ngày 13.8, Trung Quốc tiếp tục giảm thêm 1,11% tỷ giá Nhân dân tệ (NDT) so với USD. Đây là ngày thứ ba liên tiếp đồng tiền này mất giá mạnh gây chấn động thế giới. Dưới góc nhìn của chuyên gia, động thái này của Trung Quốc ẩn chứa điều gì, thưa ông?

img

Dự báo xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Đông Nam Á, vào Trung Quốc gặp khó khăn, đặc biệt nhập siêu Trung Quốc tăng lên.  Ảnh minh họa chụp tại Công ty CP Dệt 10.10. Đ.D

- Thứ nhất, nền kinh tế Trung Quốc trong 3 năm gần đây xấu đi rõ nét, biểu hiện nghiêm trọng nhất là trong tháng 7 vừa qua, chứng khoán Trung Quốc lao dốc, thiệt hại 4 ngàn tỷ USD. Mặc dù Chính phủ Trung Quốc đã có những biện pháp giải cứu thị trường, nhưng không cứu nổi, chứng khoán tiếp tục giảm và nền kinh tế tiếp tục xuống dốc.

Thứ 2, về thương mại Trung Quốc xấu đi cũng rất rõ nét. Trong tháng 7, xuất khẩu Trung Quốc cũng giảm trên 8% so với cùng kỳ, nhiều hàng hoá Trung Quốc không tiêu thụ được tạo ra áp lực thừa công suất. Đặc biệt là các mặt hàng sắt, thép, vật liệu xây dựng ứ thừa, không có nơi tiêu thụ. Trong khi đó kinh tế thế giới sa sút, tăng trưởng chỉ 3%, châu Âu lại phải bơi trong cuộc khủng hoảng đồng tiền chung...­­ nên nhập khẩu không được như trước đã khiến xuất khẩu của Trung Quốc sụt giảm nghiêm trọng.

Thứ 3, trên thế giới vài năm gần đây xu hướng hạ giá đồng tiền tệ rất phổ biến, trong đó có  Yên và Euro so với USD cũng giảm giá, duy chỉ có USD là đang lên giá. Cả áp lực bên trong và áp lực bên ngoài nên Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá là điều dễ hiểu.

Năm 1994 đến nay, NDT cũng đã tăng giá, nhưng thời điểm tăng giá đó xuất khẩu của Trung Quốc rất mạnh, nhưng hiện tại xuất khẩu của Trung Quốc sụt giảm nghiêm trọng, NDT không thể tăng giá được nữa, nên Trung Quốc không thể không điều chỉnh.

Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là việc hạ giá NDT này so với giá trị thực của thị trường là như thế nào. Tôi cho rằng, sự thực là Trung Quốc chưa dám thả nổi NDT, cũng có thể NDT giảm vì các đồng tiền khác giảm, nhưng so với USD thì chưa chắc NDT giảm. Theo tỷ giá mới nhất của Ngân hàng T.Ư Trung Quốc (PBoC), hiện 1USD đổi được 6,4010 NDT.

Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF cho rằng, Trung Quốc nên để thị trường điều tiết tỷ giá, nhưng trong điều kiện hiện nay Trung Quốc chưa thể làm được.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc hạ giá đồng tiền tệ đã gây chấn động thế giới, các chỉ số chứng khoán từ Hongkong, Thượng Hải, Tokyo, Mỹ và cả ở Việt Nam cũng đều giảm. Mặc dù điều chỉnh tỷ giá không trực tiếp ảnh hưởng đến chứng khoán, nhưng điều đó cho thấy kinh tế Trung Quốc đang trên đà suy giảm, tác động tiêu cực đối với nền kinh tế thế giới. Có sự nghi ngờ rằng hay là nền kinh tế Trung Quốc đang “hạ cánh mềm”, nhưng tôi cho rằng đó là biểu hiện của “hạ cánh cứng”.

Đừng xem thường hàng rào tỷ giá

Thưa ông, câu nói “kinh tế Trung Quốc hắt hơi thì Việt Nam sẽ bị sổ mũi” dường như đang đúng với tình cảnh hiện nay?

- Thực tế đang cho chúng ta thấy như vậy. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc được dự báo giảm xuống còn 7%, thậm chí có nhiều dự đoán là sẽ xuống còn 5%, trong trường hợp còn xuống nữa sẽ tác động xấu đến kinh tế toàn cầu, đặc biệt là những nền kinh tế đang phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Đối với Việt Nam, giá đồng bạc của chúng ta (VND) cao, lạm phát cũng cao nên tác động nghiêm trọng hơn các nền kinh tế khác.VND cao giá so với USD vài ba chục phần trăm, NDT thấp hơn USD cũng vài ba chục phần trăm, mà VND lại cao hơn  NDT nữa thì là điều đáng lo ngại.

Tôi cho rằng, có vài nguyên nhân ở đây, một là Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc quá lớn, trong khi tỷ giá của Việt Nam lại cao hơn, điều này thực sự nghiêm trọng. Chúng ta không có hàng rào tỷ giá để bảo vệ hàng trong nước, hàng Trung Quốc sẽ ào ạt tuồn vào. Trung Quốc hạ giá NDT thì càng gây sức ép mạnh hơn đối với thị trường Việt Nam. Phản ứng của NHNN Việt Nam tăng biên độ tỷ giá lên +-2%, tôi cho là kịp thời. Giả định VND giảm 2 %, nhưng tôi nghĩ rằng chưa ăn thua gì. Theo tôi, NHNN cần cân nhắc và có phản ứng tích cực hơn nữa, bởi thị trường Việt Nam không chỉ có hàng Trung Quốc chiếm lĩnh mà hàng hoá của các nước khác cũng đang tràn ngập.

Thưa ông, trước động thái của Trung Quốc, một loạt các nước cũng đã đua nhau hạ giá đồng tiền. Dường như một “cuộc chiến tiền tệ” đang bủa vây chúng ta và điều gì sẽ xảy ra với Việt Nam?

- Đúng như vậy, một cuộc chiến tranh tiền tệ thực tế đang diễn ra, chỉ có điều chưa ai chính thức thừa nhận. Không chỉ có Việt Nam đang ký nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà nhiều nước khác trong khu vực và trên thế giới cũng đang ký FTA.

Ký FTA điều đó có nghĩa là hàng rào phi thuế quan không còn tồn tại, hàng rào thuế quan giảm về zero còn hàng rào không ai cấm là hàng rào tỷ giá. Các nước đua nhau giảm tỷ giá mạnh, trong khi Việt Nam chỉ nhúc nhích 1% thì quá nhỏ, mà lạm phát của Việt Nam lại cao, điều này khiến chúng ta bị thiệt hại.

Khi xảy ra chiến tranh tiền tệ, Việt Nam không phản ứng kịp thời, chúng ta sẽ hứng chịu những tác động đầu tiên: Thứ nhất, nói về du lịch, đồng bạc giá cao thì khách du lịch sẽ không tìm đến chúng ta mà đến những nước có chi phí rẻ hơn.

Thứ hai, là xuất khẩu nông sản của chúng ta sẽ gặp khó. Hiện nay, đã có làn sóng bò Mỹ, bò Úc, thịt gà Mỹ tràn ngập thị trường Việt Nam, sản xuất chăn nuôi trong nước cũng đã bị tác động. Ngoài ra, nông, lâm hải sản không chỉ bị tác động mạnh về xuất khẩu mà ngay cả thị trường trong nước cũng khó cạnh tranh. Thực tế là sản xuất nông nghiệp ở ta chỉ có công chăn nuôi, trồng trọt rồi bán, còn gia công phụ thuộc vào bên ngoài, chúng ta nhập từ phân bón, con giống…

Nếu các nước đua nhau hạ giá đồng tiền, mà chúng ta không phản ứng thì kinh tế Việt Nam sẽ bị tác động mạnh. Thực tế, Việt Nam có nền kinh tế mở cửa, hội nhập cao với thế giới, nên hàng rào tỷ giá là vô cùng quan trọng mà chúng ta lại xem thường.

Thưa ông, những biến động về kinh tế luôn ẩn chứa các yếu tố chính trị, chúng ta nên hiểu về động thái kinh tế nói trên của Trung Quốc dưới góc độ nào của bình diện chính trị?

- Tất nhiên biến đổi trong kinh tế cũng thể hiện trên bình diện chính trị, nhưng việc điều chỉnh tỷ giá NDT lần này của Trung Quốc phần lớn phản ánh bức xúc trong vấn đề kinh tế Trung Quốc, mà sự đi xuống này có nguyên nhân về chính trị.

Trung Quốc đang đẩy mạnh chống tham nhũng, nhưng chỉ mang tính chất trừng phạt thông qua chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” chứ không sửa luật hay thay đổi thể chế để chống tham nhũng. Nếu chỉ trừng phạt không thôi thì sẽ làm tê liệt nền kinh tế. Trung Quốc đổi mới thể chế quá chậm, cái thể chế “xin- cho” ngự trị trong Trung Quốc quá lâu tạo ra nạn tham nhũng nghiêm trọng, có hệ thống. Nên những biến động, thay đổi trong nền kinh tế hiện nay đã cho thấy, ngay trong nội bộ chính trị của Trung Quốc cũng có nhiều vấn đề mâu thuẫn.

Xin cảm ơn ông!

Sáng 11.8
Trung Quốc bất ngờ thông báo phá giá đồng NDT gần 2% sau một loạt số liệu cho thấy nền kinh tế đang tăng trưởng giảm sút. Mức phá giá theo ngày 1,9% được coi là mạnh nhất kể từ tháng 1.1994.

Ngày 11.8 
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thông báo điều chỉnh nâng biên độ tỷ giá USD/VND. Theo đó, biên độ dao động được tăng từ +/-1% lên +/-2%.

Ngày 12.8
Trung Quốc tiếp tục hạ tỷ giá tham chiếu thêm 1,6%, xuống 6,3306 NDT đổi 1 USD.

Ngày 13.8
Trung Quốc lại giảm thêm 1,11% tỷ giá đồng NDT so với đồng USD.
Đồng tiền các nền kinh tế châu Á mới nổi đồng loạt hạ giá. Đồng rupiah của Indonesia và ringgit của Malaysia đều đang ở mức thấp nhất 17 năm qua. Trong khi đó đô la Australia và New Zealand đã xuống mức thấp nhất 6 năm gần đây.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem