Cuộc đấu trí căng thẳng Lê Đức Thọ - Kissinger

Thứ tư, ngày 09/01/2019 14:31 PM (GMT+7)
Trên mặt trận ngoại giao, hai đấu thủ Lê Đức Thọ và Kissinger đại diện cho Việt Nam và Mỹ đã có những cuộc đấu trí ngoạn mục.
Bình luận 0

Cuộc đàm phán để ký Hiệp định Paris là cuộc đàm phán dài nhất lịch sử thế giới (từ 5.1968 đến 1.1973). Trong đó, từ tháng 2.1970 đến 1.1973, Lê Đức Thọ và Kissinger đã tiếp xúc với nhau nhiều lần và mỗi lần là tranh luận cả ngày trời. Trong khuôn khổ bài viết này, xin giới thiệu một vài cuộc đối thoại thể hiện cho cuộc đấu tranh trí tuệ của hai nhân vật trên bàn đàm phán.

Màn “nắn gân” đầu tiên

Trong cuốn Khi đồng minh tháo chạy, ông Nguyễn Tiến Hưng (vốn là một phụ tá của Nguyễn Văn Thiệu) đã nhận xét về Kissinger: “Ngoài tài ba về chính trị, ông Kissinger lại có tài hùng biện, rất khéo chơi chữ để nói quanh co”. Ông Hưng cũng trích dẫn thêm nhiều ví dụ để đi đến kết luận rằng tài nói quanh co và kỹ thuật “không nói sự thật mà không phải là nói dối” là một điều đáng sợ ở con người Kissinger.

img

 Cố vấn Lê Đức Thọ đến Paris ngày 3.6.1968 để dự hội nghị Paris về Việt Nam. Ảnh chụp lại từ cuốn sách "Kể chuyện sự kiện lịch sử bằng ảnh tư liệu".

Tuy nhiên, trong cuộc gặp gỡ lần đầu tiên với Lê Đức Thọ, tài năng “lắt léo” của ông tiến sĩ Kissinger lại không có đất hữu dụng khi liên tục bị ông Thọ “bắt bài”.

Theo cuốn Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ và Kissinger tại Paris, vào hồi 10h ngày 21.2.1970, lần đầu tiên Kissinger gặp Lê Đức Thọ tại số nhà 11, phố Darthé, Choisy-le – roi. Kissinger phát biểu rất dài và kết thúc bằng lời xin lỗi về sự dài dòng nhưng lại chêm vào một câu giải thích ẩn ý khoe mẽ. Ông ta nói “Tôi xin lỗi đã nói dài nhưng là một giáo sư của trường Đại học Harvard thì bao giờ cũng nói trong 55 phút”.

Để “nắn gân” đối phương, Kissinger nói: “Tình hình nước Mỹ có lợi hơn cho Nixon, tình hình miền Nam hiện nay khó khăn cho Việt Nam hơn năm ngoái, trên thế giới vấn đề Việt Nam không còn là vấn đề trung tâm mà mọi người nhất trí chú ý. Phía Việt Nam không còn sự ủng hộ như trước nữa, kể cả một số nước vẫn ủng hộ Việt Nam”. Hàm ý của Kissinger là các ông đang ở trong thế yếu, không thể đòi hỏi nhiều được.

Lê Đức Thọ lập tức trả đòn. Đầu tiên nhắc lại những lần Mỹ phán đoán sai tình hình dẫn đến thất bại. Đó là lần dựng lên chính quyền Ngô Đình Diệm để phá hoại Giơ-ne-vơ, lần dựng lên hệ thống ấp chiến lược hi vọng kìm kẹp được dân Việt Nam, đưa quân Mỹ ồ ạt vào miền Nam năm 1965 tưởng có thể ngay lập tức đè bẹp được quân Việt Nam và mới nhất là từ sau Mậu Thân đến giờ Mỹ tưởng kế hoạch Việt Nam hóa đang thắng lợi nhưng thực ra nó đang thất bại. Tiếp đó, ông Thọ dẫn chứng: “Các ông định mở thêm một chiến trường ở Lào để phối hợp với chiến trường miền Nam, nhưng bây giờ Cánh đồng Chum đã bị mất về tay Pathet Lào”.

img

 Trung tâm hội nghị quốc tế ở Paris, tên cũ là Hotel Marjestic – địa điểm chính thức của Hội nghị Paris về Việt Nam. Ảnh chụp lại từ cuốn sách "Kể chuyện sự kiện lịch sử bằng ảnh tư liệu".

Và đột ngột, ông Thọ nói thẳng ra những tính toán của Mỹ: “Có phải các ông định dùng Việt Nam hóa chiến tranh để làm sức ép ở bàn Hội nghị không? Các ông định rút quân từng bước, rút quân chiến đấu đến mức nào đó mà nhân dân Mỹ có thể chịu đựng được về người và của. Sau đó các ông để lại một lực lượng hỗ trợ yểm trợ cho ngụy quân, ngụy quyền để kéo dài chiến tranh. Khi ngụy quân, ngụy quyền đã mạnh lên, các ông để lại một lực lượng cố vấn và tiếp tục trang bị thêm cho ngụy quân. Nhưng thử hỏi ngụy quân, ngụy quyền có đảm nhận được gánh nặng chiến tranh không và bao giờ thì đảm nhận được việc đó? Trước đây hơn 1 triệu quân Mỹ và quân ngụy mà các ông đã thất bại. Bây giờ các ông làm sao mà thắng nếu chỉ để cho quân đội bù nhìn một mình tiến hành chiến tranh và chỉ có sự yểm trợ của Mỹ không thôi làm sao các ông có thể thắng được?”.

Sau này viết trong hồi ký Ở Nhà Trắng, Kissinger phải thừa nhận rằng câu hỏi “Làm sao ngụy quân có thể thắng nếu chỉ có sự yểm trợ của quân đội Mỹ không thôi?” của Lê Đức Thọ là một trong những câu hỏi khiến ông ta day dứt nhất trong thời gian đó.

Cũng trong hồi ký Ở Nhà Trắng, Kissinger thẳng thắn thừa nhận đã thất bại ngay lần đầu tiên: “Hiệp đầu đàm phán với Lê Đức Thọ thất bại vì ngoại giao bao giờ cũng phản ánh một so sánh lực lượng nào đó và Lê Đức Thọ không lầm lắm đâu”.

Những đòn tâm lý của Lê Đức Thọ

Ngày 16.3.1970, Kissinger lại gặp Lê Đức Thọ. Lần này, đại diện Mỹ nêu 2 vấn đề là rút quân Mỹ và thời gian rút. Lộ trình rút quân Mỹ diễn ra trong 16 tháng nhưng Kissinger quả quyết: “Thực tế đòi hỏi phải có đi có lại chừng nào đó, và chính vì thế mà chúng ta có mặt ở đây để đàm phán”. Rõ ràng, Kissinger không hề đặt điều kiện quân Giải phóng phải rút đi cùng với Mỹ nhưng lại đưa ra yêu cầu đó như một sự đổi trác. Đó chính là một chỗ lắt léo trong sở trường sử dụng câu chữ của ông ta – Điều mà giới báo chí Mỹ rất e sợ ở Kissinger.

img

 Tiến sĩ Kissinger, đại diện Chính phủ Mỹ đang ký tắt Hiệp định Paris về Việt Nam. Ảnh chụp lại từ cuốn sách "Kể chuyện sự kiện lịch sử bằng ảnh tư liệu".

Nhưng Lê Đức Thọ rất tỉnh táo. Ông nói ngay vào mấu chốt vấn đề: “Theo ông trình bày thì việc rút hết quân Mỹ và quân các nước đồng minh của Mỹ là một nguyên tắc pháp lý. Còn việc rút quân mà các ông cho là của miền Bắc như ông nói thì không phải là một nguyên tắc pháp lý mà là một vấn đề thực tế và kỹ thuật. Nhưng khi ông trình bày về vấn đề rút quân mà các ông gọi là của miền Bắc cũng phải hoàn thành trong cùng một thời gian, như vậy thì thực chất cũng là đòi hai bên cùng rút quân và rút hết toàn bộ. Thế mà ông nói chỉ là vấn đề kỹ thuật. Chính cách trình bày của ông mới là kỹ thuật.

Trong nhiều cuộc tiếp xúc, Lê Đức Thọ thường khoét sâu sự chia rẽ trong nội bộ nước Mỹ để tấn công tâm lý Kissinger. Đó là một đòn tâm lý lợi hại của ông Thọ. Cuộc gặp 2.5.1972 là một ví dụ. Ông Thọ nói: “Chính các ông đã dùng áp lực quân sự trong quá trình đàm phán để buộc chúng tôi phải chấp nhận điều kiện của các ông. Cho nên nhân dân miền Nam Việt Nam phải chống lại các cuộc tấn công đó. Đó là lẽ đương nhiên. Ngay thượng nghị sĩ Fulbright cũng phải thừa nhận sự thật đó".  Không kìm chế được, Kissinger bực bội ngắt lời: “Tôi không muốn bàn về tình hình nội bộ Hoa Kỳ”. Nhưng ông Thọ nói: “Tôi muốn nhắc câu đó để thấy sự thật như vậy. Ngay người Mỹ cũng nói chứ không phải chúng tôi”. Cố gắng để ông Thọ không nói điều đó nữa, Kissinger trả lời: “Việc bàn bạc công việc nước Hoa Kỳ là việc của chúng tôi”. Dường như không để ý, ông Thọ xoáy thêm: “Tôi nêu một dẫn chứng để nói rằng không phải chỉ chúng tôi mà cả người Mỹ cũng nói”, và nhắc lại: “Ngày 8 tháng 4, ông Fulbright đã nói: Việc các lực lượng vũ trang yêu nước tăng cường hoạt động quân sự này là một đòn giáng trả tự nhiên vào chính sách của Hoa Kỳ phá hoại Hiệp định Genève năm 1954”.

Bực bội và chán nản, Kissinger nói: “Tôi biết rồi, ngài không phải nói”. Lê Đức Thọ: “Tôi cũng chỉ nói qua cho ông biết thôi”. Kissinger: “Tôi đã nghe rồi”. Nhưng ông Thọ vẫn chưa thôi và ông dẫn chứng những tài liệu mật của Lầu Năm Góc lúc đó mới công bố để vạch rõ quá trình can thiệp của Mỹ vào Việt Nam. Đến nước này, Kissinger đành im lặng. Trong hồi ký sau này Kissinger cho biết những lần phải đối diện với Lê Đức Thọ về sự chia rẽ trong nội bộ nước Mỹ là điều khiến ông ta đau lòng nhất.

Sau những cuộc đấu trí, đấu sức căng thẳng trên bàm đàm phán và trên chiến trường, cuối cùng Hiệp định Paris cũng được ký kết vào ngày 27.1.1973. Người Mỹ rút được ra trong danh dự, giữ được chính quyền Sài Gòn để khỏi mang tiếng bỏ rơi đồng minh và mang được tù binh về. Họ cảm thấy trút được gánh nặng. Đổi lại, Việt Nam được việc Mỹ rút quân trong khi quân Giải phóng ở đâu vẫn ở nguyên đó không phải rút. Như vậy, so sánh tương quan lực lượng sẽ thay đổi có lợi cho Cách Mạng. Và sau khi quân Mỹ đã rút ra sẽ không thể trở lại được nữa. Những nhân tố đó tạo điều kiện thuận lợi để có cuộc thống nhất đất nước vào tháng 4.1975.

Vũ Tiến Đức (Kiến Thức)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem