Cuộc đối đầu 'cân não' của Ngoại trưởng Nga-Mỹ tại Stockholm

Minh Nhật (theo NYT) Thứ sáu, ngày 03/12/2021 14:00 PM (GMT+7)
Ngoại trưởng Mỹ Antony J. Blinken đã gặp Ngoại trưởng Nga Sergey V. Lavrov tại Stockholm hôm 2/12 bên lề cuộc họp thường niên của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu. Tại đây, hai Ngoại trưởng Nga-Mỹ đã có cuộc "khẩu chiến" về tình hình Ukraine khi liên tục đưa ra những lời cảnh báo "rắn" dành cho đối phương, theo New York Times.
Bình luận 0
Cuộc đối đầu 'cân não' của Ngoại trưởng Nga-Mỹ tại Stockholm  - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã gặp Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Ảnh NYT

Cụ thể, ông Blinken tuyên bố, ông đã trao đổi “rõ ràng và trực tiếp” với ông Lavrov về những lo ngại của Mỹ về các đợt luân chuyển quân bất thường của Nga gần biên giới Ukraine cũng như các hành động đe dọa khác của Moscow.

Ông Blinken nhấn mạnh rằng, những động thái như vậy có vẻ như phản ánh rằng, Nga có thể xâm lược Ukraine.

Ông Blinken cảnh báo rằng Mỹ sẽ làm việc với các đồng minh "để áp đặt cái giávà hậu quả nghiêm trọng đối với Nga nếu nước này có hành động gây hấn hơn nữa đối với Ukraine".

Ông cho biết những biện pháp đó có thể bao gồm "các biện pháp kinh tế có tác động mạnh mà chúng tôi đã hạn chế thực hiện trong quá khứ", nhưng từ chối cung cấp thêm chi tiết.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Lavrov cũng đưa ra những lời đe dọa của riêng mình. Nhắc lại những lời cảnh báo gần đây của Tổng thống Putin, ông Lavrov nói rằng “việc lôi kéo Ukraine vào các trò chơi địa chính trị của Mỹ, bao gồm kế hoạch triển khai các lực lượng NATO ở gần biên giới của Nga sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng nhất, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Blinken.

Ông Lavrov cũng lặp lại yêu cầu của ông Putin về viêc "đảm bảo an ninh lâu dài" ở biên giới phía Tây của Nga, bao gồm việc Ukraine sẽ không bao giờ được gia nhập NATO và các hệ thống vũ khí của liên minh quân sự này sẽ không được đặt trên lãnh thổ Ukraine. Ông Lavrov nói rằng nếu không, Nga đã sẵn sàng thực hiện "các biện pháp trả đũa để điều chỉnh sự cân bằng chiến lược-quân sự".

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, ông và người đồng cấp Lavrov sẽ báo cáo chi tiết cuộc gặp của họ với Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Vladimir Putin, đồng thời nói thêm, hai nhà lãnh đạo Nga – Mỹ có thể sẽ sớm gặp mặt trực tiếp trong thời gian tới.

 Tuy nhiên, ông Blinken nhấn mạnh, cho đến thời điểm đó, Nga phải có trách nhiệm xoa dịu căng thẳng ngày càng gia tăng do các hoạt động quân sự của nước này gần biên giới với Ukraine.

"Nga cần phải giảm leo thang căng thẳng hiện tại bằng cách đảo ngược việc triển khai quân đội, đưa các lực lượng trở về vị trí bình thường và kiềm chế không đưa ra những lời đe dọa cũng như thực hiện nỗ lực gây bất ổn cho Ukraine”, ông Blinken nhấn mạnh.

Cuộc đối đầu 'cân não' của Ngoại trưởng Nga-Mỹ tại Stockholm  - Ảnh 2.

Các hình ảnh vệ tinh được công bố hôm thứ Tư 1/12 cho thấy sự hiện diện đông đảo của quân đội và khí tài của Nga ở rìa phía bắc thị trấn Yelnya, gần biên giới với Ukraine. Ảnh Getty.

Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, mặc dù cuộc đối đầu 'cân não' của Ngoại trưởng Nga-Mỹ tại Stockholm kéo dài trong 30 phút không mang đến một lộ trình cụ thể nào, nhưng cả hai bên đã nhất trí tiếp tục đối thoại.

Ngoại trưởng Lavrov tuyên bố Moscow sẵn sàng đối thoại với Kiev. "Chúng tôi, như Tổng thống Vladimir Putin đã nói, không muốn có bất kỳ xung đột nào", Hãng thông tấn Tass trích lời ông Lavrov.

Nhưng Ngoại trưởng Nga cũng nhấn mạnh việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mở rộng sang phía đông đang khiến nước này cảm thấy bất an và bày tỏ hy vọng rằng, các đề xuất của Nga về một hiệp ước an ninh châu Âu mới sẽ được xem xét cẩn thận.

"Cấu trúc ổn định chiến lược đang nhanh chóng bị phá hủy, NATO từ chối xem xét các đề xuất của chúng tôi nhằm giảm leo thang căng thẳng và tránh các sự cố nguy hiểm. Thay vào đó, các cơ sở hạ tầng quân sự của NATO đang tiến gần biên giới của Nga hơn. Kịch bản ác mộng về đối đầu quân sự đang quay trở lại", ông Lavrov nói.

Căng thẳng mới nhất giữa Nga-Ukraine-NATO nảy sinh vào tháng trước khi Ukraine và phương Tây tuyên bố Nga đang tập trung hàng chục ngàn quân sát biên giới Ukraine. Chính quyền Kiev cáo buộc Moscow chuẩn bị xâm lược nước này, kéo theo các cảnh báo từ phương Tây.

Đáp lại, Nga phủ nhận mọi cáo buộc và nhấn mạnh không có bất kỳ kế hoạch xâm lược nào. Nga tuyên bố có quyền điều động quân đến bất kỳ đâu trên lãnh thổ mình đồng thời Tổng thống Nga Putin cũng thẳng thừng tuyên bố hiện tại không có cơ sở nào để Nga hạ nhiệt căng thẳng khi Ukraine vẫn duy trì hơn 10 vạn quân ở biên giới với Nga.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem