IS VÀ CUỘC CHIA TAY CAY ĐẮNG VỚI AL QAEDA
IS khởi đầu là một tổ chức ít tên tuổi tại Iraq nhưng những gì chúng đang làm đã góp phần vẽ lại bức tranh địa chính trị ở khu vực Trung Đông. Trở lại thời điểm sau năm 2003 khi Mỹ xâm lược Iraq, các nhóm thánh chiến Hồi giáo bắt đầu sinh sôi như nấm sau mưa và cuối cùng tập hợp lại dưới trướng của Abu Musab al - Zarqawi, một phần tử thánh chiến người Jordan. Tên này từng trải qua chiến trường Afghanistan trong những năm 1990 và sau đó trở lại đây một lần nữa vào năm 2001.
Thực ra, tổ chức tiền thân của IS là một phần của mạng lưới Al Qaeda. Ban đầu, Bin Laden đã cung cấp cho Zarqawi nguồn tài chính để thành lập tổ chức của hắn. Lúc đầu, Zarqawi đã từ chối trung thành và gia nhập mạng lưới mà chỉ chia sẻ với Bin Laden một số mục tiêu chung và muốn độc lập với Al Qaeda. Tuy nhiên, sau nhiều tháng thương thảo, Zarqawi đã tuyên bố trung thành với Al Qaeda và tới năm 2004, Zarqawi đặt tên cho tổ chức của mình là Al Qaeda tại Iraq (AQI) để thể hiện cho mối liên hệ với tổ chức mẹ.
Như vậy, Bin Laden đã có được chân rết tại một khu vực quan trọng của phong trào thánh chiến vào thời điểm mà lực lượng nòng cốt của Al Qaeda đã suy yếu và đang phải trốn chạy sự truy lùng của Mỹ. Về phía mình, Zarqawi có được danh tiếng và mạng lưới của Al Qaeda để xây dựng tổ chức.
Chiến binh Al - Nusra ở Aleppo, Syria.
Ngay trong những ngày đầu thai nghén, IS đã xung đột với Al Qaeda về vai trò lãnh đạo. Trong khi các thủ lĩnh Al Qaeda, Zawahiri và Bin Laden, luôn tập trung vào các mục tiêu Mỹ, Zarqawi (bị Mỹ tiêu diệt năm 2006) và cả những thủ lĩnh kế nhiệm lại coi trọng cuộc chiến tranh giáo phái, tấn công cộng đồng Hồi giáo người Shiite mà chúng coi là những kẻ bội giáo và vào những người hợp tác với chính quyền do người Shiite lãnh đạo.
Zarqawi và tay chân đã thực hiện chủ trương của chúng với một sự tàn bạo kinh hoàng, gắn chặt “thương hiệu” của IS với lá cờ đen và những vụ chặt đầu nạn nhân - một chiến thuật mà các tổ chức tiền thân là AQI cũng sử dụng để thu hút sự chú ý của dư luận. Bất chấp sự lo ngại của Zawahiri, chiến lược của Zarqawi tỏ ra có hiệu quả khi AQI đã gây hỗn loạn cả một vùng rộng lớn do người Sunni kiểm soát tại Iraq. Dù phản đối nhưng về công khai, Zawahiri và Bin Laden tiếp tục công nhận AQI là một chi nhánh của mạng lưới.
Nhưng cái gì cũng có hai mặt, chính chủ trương bạo lực mang đậm tính chất giáo phái đối với các tôn giáo khác tại Iraq của AQI đã dẫn tới sự phản ứng mạnh mẽ từ khu vực và quốc tế, tác động tiêu cực trở lại chính nhóm này, nhất là khi quân Mỹ đang hiện diện ở Iraq. Với Al Qaeda, điều này đã làm rối loạn kế hoạch chung, làm lu mờ “tính chính nghĩa” của cuộc thánh chiến, đến mức người phát ngôn của Al Qaeda Adam Gadahn đã lên tiếng đề nghị Bin Laden công khai “cắt đứt liên hệ” với AQI do chính sách giáo phái cực đoan của chi nhánh này.
Khi cuộc xung đột Syria bùng phát năm 2011, Zawahiri cùng nhiều nhân vật cấp cao khác của Al Qaeda hối thúc lực lượng thánh chiến Iraq tham gia cuộc chiến và Baghdadi - thủ lĩnh Al Qaeda tại Iraq, đã gửi một số chiến binh tới Syria để xây dựng tổ chức. Sau đó, Syria rơi vào hỗn loạn, các phần tử thánh chiến Iraq nhanh chóng thiết lập các căn cứ an toàn để điều hành các chiến dịch, gây quỹ và tuyển mộ thêm chiến binh.
Tham vọng của chi nhánh Al Qaeda tại Trung Đông tăng lên cùng với sự bành trướng và phát triển nhanh chóng của tổ chức này tại Syria và Iraq. Sau khi Mỹ rút quân khỏi Iraq năm 2011, khoảng trống quyền lực lộ ra và thời cơ xuất hiện. Đến năm 2013, các chiến binh thánh chiến Iraq chính thức tự gọi mình là Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria (ISIS) để thể hiện một phần định hướng chiến lược mới, rộng lớn hơn của chúng.
Tại Syria, ISIS giành được thêm nhiều vùng lãnh thổ, hưởng lợi khi chính quyền Damascus phải vật lộn với nhiều nhóm đối lập và phiến quân khác nhau. Cùng thời gian đó, Thủ tướng Iraq Nuri al - Malaki triển khai một loạt chính sách sai lầm nhằm củng cố quyền lực của người Shiite và loại bỏ người Sunni Iraq khỏi cơ cấu quyền lực. Vậy là tổ chức của Baghdadi có thêm cơ hội để giành được sự ủng hộ ngày càng lớn từ một bộ phận công chúng, có được tính chính danh tại Iraq, xây dựng căn cứ địa ở Syria và bổ sung thêm quân.
Có thể nói rằng cuộc chiến tại Syria đã làm sống lại phong trào thánh chiến ở Iraq, đồng thời cũng góp phần để AQI dần tách khỏi sự chỉ đạo của Al Qaeda. Thủ lĩnh Zawahiri khuyến khích chi nhánh của mạng lưới tại Iraq tràn sang Syria, nhưng tên này cũng muốn thiết lập một nhóm riêng, dưới một bộ chỉ huy tách biệt do người Syria đứng đầu để đại diện cho Al Qaeda ở địa phương. Một phần là vì Zawahiri nghi ngờ sự trung thành của AQI và năng lực của chi nhánh này.
Chính vì lẽ đó, Mặt trận Al Nusra được thành lập tại chiến trường Syria. Trong khi Zawahiri xem đây như một bước phát triển tích cực, Baghdadi và các lãnh đạo AQI khác tại Iraq lo sợ rằng Mặt trận Al Nusra chỉ là một tổ chức địa phương và sẽ trở nên quá độc lập, tập trung quá nhiều vào Syria mà bỏ qua Iraq và sự lãnh đạo của AQI.
Trong một nỗ lực nhằm kiểm soát nguy cơ này và cũng là để tái thiết lập quyền lực đối với tổ chức, Baghdadi tuyên bố Mặt trận Al Nusra là một phần của AQI. Ngay lập tức, các thủ lĩnh của Mặt trận Al Nusra phản đối và tuyên bố chịu sự chỉ đạo trực tiếp từ Zawahiri để giữ được sự độc lập của chúng. Để giải quyết mối bất đồng, Zawahiri tuyên bố Mặt trận Al Nusra là chi nhánh chính thức của Al Qaeda tại Syria còn AQI là đại diện của mạng lưới ở Iraq. Đến cuối năm 2013, thủ lĩnh toàn cầu của Al Qaeda lệnh cho Baghdadi phải chấp nhận phán quyết này.
Bất chấp lệnh trên, Baghdadi một lần nữa tuyên bố Mặt trận Al Nusra là một nhánh của AQI. Động thái đã châm ngòi cho một cuộc đối đầu mà hậu quả là khoảng 4.000 chiến binh của hai nhóm đã chết. Đến tháng 2.2014, Zawahiri công khai chối bỏ AQI, nay đã là ISIS, và chính thức cắt đứt với chi nhánh này.
Thái Nguyễn (Báo Tin Tức)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.